.

Nhớ tháng 2 và những giai điệu tự hào

Cập nhật: 13:17, 17/02/2019 (GMT+7)
(ABO) Tháng 2-1979, là học sinh lớp cuối cấp 2, tôi cảm nhận tình hình chiến sự căng thẳng ở biên giới phía Bắc qua loa phát thanh thường xuyên chuyển tin thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam ở đầu xóm.
a
Những hình ảnh trong cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979. Ảnh: tuoitre.vn
Báo đài ngày ấy nói nhiều về cuộc chiến xâm lược của quân bành trướng Trung Quốc; không khí ở Tiền Giang lúc ấy cũng rất sục sôi. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc với tôi về những ngày máu lửa 40 năm trước là các ca khúc viết về cuộc chiến, về những hy sinh. Những giai điệu, lời nhạc cổ vũ tinh thần cho lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường chiến đấu, đến bây giờ mỗi lần nghe lại vẫn đong đầy cảm xúc, xen lẫn tự hào về một giai đoạn gian khổ nhưng hào hùng của đất nước.
 
Nó cũng lý giải vì sao chúng ta chiến thắng kẻ thù trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”: bởi đất nước khi ấy vừa mới trải qua cuộc chiến trường kỳ chống Mỹ; lại song hành đối phó với hai cuộc chiến ở biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc. Chỉ có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cùng sự chính nghĩa của cuộc chiến mới giúp chúng ta vượt lên tất cả, chiến thắng kẻ thù.
 
Trong những ca khúc sục sôi ấn tượng ngày ấy như: Hãy yên lòng mẹ ơi! ; Hát về anh, Chiều biên giới... không thể không nói đến bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Chiến đấu vì độc lập tự do mà chúng ta quen gọi là bài " tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Giai điệu hào hùng thúc dục, lời nhạc thể hiện đầy đủ ý nghĩa về cuộc chiến, về hoàn cảnh đất nước, lịch  sử dân tộc, bài hát đã tạo hiệu ứng mãnh liệt, thúc dục hàng triệu người Việt Nam lên đường chiến đấu ngay khi phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam ngày 20-2-1979. 
 
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man Đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương.
Đất nước của ngàn chiến công,Vẫn sục sôi khí thế hào hùng.Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa…Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!...
 
….. Mang trên mình còn lắm vết thương.
Người vẫn hiên ngang ra chiến trường...."
 
Trái với sự mạnh mẽ, hào hùng trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có một ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, lưu luyến nhưng tràn đầy niềm tự hào, thể hiện tình cảm người chiến sĩ trẻ tạm biệt xóm làng, người thương, ngày mai ra tiền tuyến, vẫn tin ở hậu phương có người “ lại đón anh về với những mùa hoa chiến công ”…Đó là bài “Ngày mai anh lên đường”, thơ của nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Thanh Trúc phổ nhạc; đây là bài hát được các bạn trẻ rất yêu thích lúc bấy giờ. Khác với đa số những ca khúc cách mạng thời chống Mỹ, những bài hát được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh biên giới vừa có tính hào hùng, vừa có sự trữ tình lãng mạn, mang đầy tính lạc quan, yêu đời tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Ca khúc “Ngày mai anh lên đường”  cũng thế, mang tính tự sự, tâm tình như trò chuyện cùng người nghe, nên để lại nhiều cảm xúc, nhất là với các chiến sĩ trẻ.
 
" Màn đêm buông trên đường, hàng me lung linh ánh đèn,  Đêm nay, đi bên em giữa lòng thành phố yêu  thương. Ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường  Để lại em yêu dấu, có khoảng trời rừng núi ,Lung linh ngàn vì sao sáng trên đường hành quân diệt thù.
 
Dù xa nhau muôn trùng, mùa thu xôn xao lá vàng  Em ơi, anh xa em vẫn gần thành phố thân  thương Bàn tay em xây nông trường, bàn tay em gieo lúa vàng Gửi tình lên biên giới, có khoảng trời thành phố  Mênh mông và trong  xanh với bao người bạn thân tâm  tình...
 
Như hoa phong lan chờ đợi, mưa gió không phai tàn Người về nhụy hoa ngát hương, em  ơi em  lại đón anh  về Đẹp mùa hoa chiến  công...."
 
 40 năm sau chiến thắng của hai cuộc chiến tranh biên giới; thế và lực của đất nước đã nhiều thay đổi. Chúng ta đang đứng trước cơ hội rất tốt để đưa đất nước bứt phá vươn lên, thoát khỏi đói nghèo, sánh vai cùng bè bạn năm Châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, hãy dành tí thời gian lắng đọng với những giai điệu hào hùng, sâu lắng của một thời máu lửa; để sống lại ký ức của của một thời tuổi trẻ, và nhớ về những ngày gian khổ, về những người đã nằm xuống; để thấy yêu hơn, tự hào hơn và tin tưởng hơn về đất nước hôm nay.
 
DUY SƠN
 
 
 
 
.
.
.