.

Chuyện người đàn ông chơi đàn một tay

Cập nhật: 20:37, 24/04/2019 (GMT+7)

(ABO) Cụt tay phải, nhưng ông Thái Văn Hai (70 tuổi) ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vẫn chơi đàn ghi-ta rất giỏi. Ông vừa nhận giải thưởng thí sinh được yêu thích nhất trong tập 4 của Chương trình “Mãi mãi thanh xuân” do Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Tại buổi họp mặt kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), ông Hai đã biểu diễn màn độc tấu ghi-ta phím lõm, để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Tay trái ôm cây đàn, tay phải còn lại ông kẹp chặt thùng ghi-ta phím lõm. Những thanh âm vang lên lúc trầm bổng, lúc du dương.

Theo lời ông kể: “Khi hơn 10 tuổi, tôi bị một viên đạn găm vào tay, đành phải bỏ cánh tay phải. Ngay từ nhỏ, tôi rất thích chơi đàn ghi-ta. Sau tai nạn, tôi tập chơi đàn bằng tay trái. Lúc đó, chơi đàn bằng một tay đối với tôi vô cùng khó khăn. Tôi ôm cây đàn lên, tay trái cầm cần đàn, một khúc tay phải còn lại kẹp chặt thùng đàn. Tôi tập bấm, ban đầu bấm 1 ngón, khải 1 ngón. Sau đó tăng dần lên bấm 2 ngón, 3 ngón cho đến khi thuần thục”.

Ông Thái Văn Hai chơi đàn một tay
Ông Thái Văn Hai chơi đàn.

Năm 1969, ông Hai gia nhập Đoàn cải lương Rạng Đông - Mỹ Lệ (Vĩnh Long). Trong thời gian đó, ông Hai đã cố gắng khổ luyện cùng các anh em trong ban nhạc. Bằng niềm đam mê, quyết tâm luyện tập, ngón đàn của ông Hai ngày càng điêu luyện. Đến năm 1977, ông không theo đoàn hát nữa mà cùng vợ, con về quê sinh sống cho đến nay.

Hiện tại, ông Hai là thành viên của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Ngũ Hiệp. Đây là nơi để ông tìm lại niềm vui, thỏa niềm đam mê của mình. Bình thường ông Hai ở nhà làm vườn, khi rành rỗi thì tham gia câu lạc bộ, tham gia đờn cho các đám, tiệc…

Ông Hai từng tham gia rất nhiều giải, hội thi và đạt giải cao. Ông Hai nhớ: “Tôi từng đạt Huy chương Vàng nhờ màn độc tấu ghi-ta tại hội diễn văn nghệ Quân khu 9. Giải đặc biệt độc tấu đàn ghi-ta tại Hội thi văn nghệ quần chúng tiếng hát đồng quê…. Đó là những phần thưởng vô cùng cao quý, giúp tôi có thêm niềm tin, động lực. Tôi luôn nghĩ không vì bản thân tàn tật mà từ bỏ cuộc sống, phải làm điều gì đó có ích cho cuộc đời”.

P. MAI

.
.
.