Chủ Nhật, 14/04/2019, 17:09 (GMT+7)
.

Giỗ Tổ Hùng Vương - biểu tượng của giá trị văn hóa

Trong tâm thức của những người con dân đất Việt, từ bao đời nay Hùng Vương là vị Thánh Thủy tổ của người Việt. Thờ cúng Hùng Vương không phân biệt huyết thống, dòng họ; không phân chia địa lý, vùng, miền, quốc gia, dân tộc.

Chỉ cần là người Việt Nam hay các dân tộc khác có cùng nguồn gốc, cùng bản sắc văn hóa cội nguồn của cư dân nông nghiệp... đều công nhận Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc mình, dòng tộc mình.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày lễ lớn của Việt Nam, được tổ chức hằng năm vào Mùng 10 tháng 3 (âm lịch).                                                                                                                                                                                                     Ảnh: TƯ LIỆU
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là ngày lễ lớn của Việt Nam, được tổ chức hằng năm vào Mùng 10 tháng 3 (âm lịch). Ảnh: TƯ LIỆU

NHỮNG CỘT MỐC ĐÁNG NHỚ

1. Năm 258 trước công nguyên, An Dương Vương - Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”.

2. Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức chọn, định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Từ đó đến trước ngày Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Giỗ Tổ năm chẵn do Triều đình tổ chức; năm lẻ do chính quyền địa phương tổ chức, Nhà nước gửi 3 đấu gạo nếp thơm và 5 quan tiền về làm lễ vật dâng cúng.

3. Năm 1941, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được những người cộng sản Việt Nam treo cao tại Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

4. Năm 1946, trong ngày Giỗ Tổ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã làm lễ dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để khẳng định ý chí bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.

5. Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22 đưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch hằng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức Nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương.

6. Ngày 19-9-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng để gặp gỡ với cán bộ Đại đoàn 308 - Quân Tiên phong trước khi Đại đoàn về tiếp quản thủ đô. Người về Đền Hùng từ chiều ngày 18-9-1954 và ngủ lại một đêm tại đền Giếng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Sáng sớm ngày 19-9, Người lên thăm tất cả các đền, đọc bài minh trên quả chuông treo tại đền Thượng. Nghe cán bộ lãnh đạo của Đại đoàn quân tiên phong báo cáo tình hình đơn vị và nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội bên gốc cây Vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang. Sau đó Người xuống đền Giếng gặp và nói chuyện với cán bộ từ cấp đại đội trở lên của Đại đoàn 308, Người căn dặn:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

7. Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận Đền Hùng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

8. Ngày 19-8-1962, sau khi dự mít tinh tại sân vận động TX. Phú Thọ, Bác về Đền Hùng. Bác đi thắp hương các đền và nghỉ ăn trưa tại cửa ngách phía Đông Nam của đền Thượng. Bác căn dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Bác còn nhắc nhở: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”.

9. Năm 2012, tổ chức UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt là từ thế kỷ XV đến nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nguồn cội từ tín ngưỡng dân gian đã trở thành tín ngưỡng chính thống của người Việt, được Nhà nước công nhận và trở thành Quốc lễ của nước Việt Nam.

Hòa chung không khí cùng cả nước tổ chức Lễ Giỗ Tổ, ngày 13-4 (nhằm ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch), tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang (số 2A, đường Trương Vĩnh Ký, phường 7, TP. Mỹ Tho), Sở VH-TT&DL tổ chức Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2019.

Lễ giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, trang trọng, nhằm tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân của thế hệ hôm nay. Dịp này, tại Bảo tàng tỉnh sẽ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội như: Hội thi làm bánh dân gian, nấu ăn; Trưng bày nghệ thuật bonsai; Trưng bày, triển lãm “Di sản văn hóa Tiền Giang”…
 

DUY TRÌ, TÔN VINH VÀ PHÁT HUY LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng (Lễ Giỗ Tổ) được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 8 đến 10 tháng 3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì; các xã, phường vùng ven Đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Lễ Giỗ Tổ năm 2019 sẽ có 3 địa phương cùng tham gia là: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.

Theo Ban tổ chức, Lễ Giỗ Tổ 2019 sẽ có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị về Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương…

Phần hội sẽ có các hoạt động: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; chương trình nghệ thuật; bắn pháo hoa; hội trại văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hiện vật khảo cổ học về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương - TP. Việt Trì; Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng; trình diễn hát Xoan làng cổ tại TP. Việt Trì…

Năm nay, “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai, năm 2019” cũng được tổ chức tại 5 nước, gồm: Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada và Ba Lan. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thành kính hướng về quê cha đất tổ. Sự kiện do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp các hội đoàn, cộng đồng kiều bào, Đại sứ quán Việt Nam tại 5 nước tổ chức nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch).

Lịch sử như một dòng chảy liên tục, trải mấy ngàn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên. Ngày nay, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam đều tổ chức ngày Giỗ thật trang trọng, thành kính để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.