Thứ Năm, 09/05/2019, 14:17 (GMT+7)
.

Ảo thuật Tiền Giang: Tin tưởng ở người trẻ kế thừa

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ trong tỉnh yêu thích bộ môn ảo thuật nhờ yếu tố phi lý, lạ thường, gây sự tò mò và đã trở thành nghề khởi nghiệp dành cho những người có niềm đam mê thực sự.

Thí sinh biểu diễn tiết mục dự thi tại Liên hoan Ảo thuật Tiền Giang lần thứ 4-2018.                           Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Thí sinh biểu diễn tiết mục dự thi tại Liên hoan Ảo thuật Tiền Giang lần thứ 4-2018. Ảnh: TRỌNG NGHĨA

TỪ NIỀM ĐAM MÊ...

Với niềm đam mê ảo thuật từ nhỏ, Phạm Văn Phú (lớp 9,Trường THCS Bảo Định,TP. Mỹ Tho) đã tự tìm hiểu các bài hướng dẫn trên Internet và học hỏi thêm các tiểu xảo của thầy trong Câu lạc bộ (CLB) Ảo thuật Tiền Giang.

Đầu năm 2019, Phú mạnh dạn tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ Tiền Giang lần thứ 1-2019, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang phối hợp tổ chức, đã may mắn đoạt giải Khuyến khích.

Phú chia sẻ: “Ba mẹ em rất ủng hộ em tìm hiểu bộ môn ảo thuật. Tại các bữa tiệc sinh nhật bạn bè, văn nghệ do nhà trường tổ chức, em đều tham gia biểu diễn góp vui. Đây cũng là dịp để em rèn luyện sự tự tin khi đứng trước đám đông…”.

Với anh Nguyễn Thanh Tú (24 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho), thời gian đầu tìm hiểu, biểu diễn xiếc và ảo thuật nhưng không được mẹ ủng hộ. Sau thời gian tập luyện miệt mài, đến năm 2016, anh tham gia Liên hoan Ảo thuật Tiền Giang lần thứ 2 và đoạt giải Nhì. Năm 2018, tại Liên hoan Ảo thuật Tiền Giang lần thứ 4, anh đã giành giải Ba.

Đến nay, anh Tú đã tham gia nhiều cuộc thi trong và ngoài tỉnh, giành được nhiều giải thưởng cao. Xác định môn ảo thuật sẽ là công việc chính của mình, nên anh Tú càng nghiêm túc học tập và rèn luyện những kỹ thuật nâng cao.

Anh chia sẻ: “Khó khăn hiện nay của các ảo thuật trẻ là thiếu đạo cụ để biểu diễn. Tôi may mắn được thầy trong CLB Ảo thuật Tiền Giang hỗ trợ. Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm vật liệu và tự chế ra một số dụng cụ biểu diễn đơn giản để phục vụ cho việc biểu diễn…”.

Lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu, anh Nguyễn Anh Tú (huyện Tân Phước) đã xuất sắc đoạt Quán quân Gala Ảo thuật TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3 (năm 2013). Mới đây, anh đoạt giải Phong cách tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 2 - năm 2018. Đến nay, anh đã thuần thục trên 500 trò ảo thuật để biểu diễn, dần khẳng định mình trên con đường chuyên nghiệp, chinh phục giấc mơ đem ảo thuật đến gần với khán giả.

Thời gian tới, Anh Tú sẽ tham gia giao lưu ảo thuật quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh với các ảo thuật gia đến từ các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ… để bạn bè quốc tế biết đến ảo thuật của Việt Nam. Ngoài ra, Anh Tú đã khẳng định được tài năng của mình qua các sân chơi lớn như: Vietnam’s Got Talent, Kỳ tài lộ diện, Bạn có thực tài… và đã giành được nhiều giải thưởng cao. Anh Tú chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là được tổ chức một live show ảo thuật tại Tiền Giang để “truyền lửa” cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê với mình”.

Ngoài ra, sân chơi ảo thuật trẻ Tiền Giang còn kể đến Phạm Quốc Tính, Thảo Vy, Đỗ Hậu, Anh Dũng, Tấn Phong, Hoàng Nam… Những gương mặt trẻ đã bộc lộ tài năng và đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ nhu cầu giải trí của công chúng.

Tháng 9-2018, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức Liên hoan Ảo thuật lần thứ 4 mở rộng, đã thu hút đông đảo ảo thuật trẻ trong tỉnh, nhiều tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh tham gia. Đây không chỉ là sân chơi, mà còn là nơi tìm kiếm tài năng trẻ để nuôi dưỡng đội ngũ kế thừa bộ môn ảo thuật.

ĐẾN NGHỀ KIẾM SỐNG

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 CLB Ảo thuật Tiền Giang trực thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh, do Thạc sĩ Ảo thuật Đoàn Minh Quang làm Chủ nhiệm, có gần 40 bạn trẻ yêu thích ảo thuật tham gia sinh hoạt, thành viên nhỏ tuổi nhất là 7 tuổi.

Nhận thấy đã đến lúc tìm kiếm và đào tạo lực lượng kế thừa bộ môn ảo thuật, ảo thuật gia Minh Quang cho biết, thế hệ ảo thuật trẻ hiện nay có tài năng hơn những thế hệ trước, các em được gia đình đầu tư đạo cụ, được các thầy hướng dẫn một cách khoa học, bài bản hơn.

Ảo thuật gia Minh Quang chia sẻ thêm: “Tôi sẵn sàng “truyền lửa” cho bất kỳ bạn trẻ nào yêu thích và đam mê môn ảo thuật. Bộ môn này đòi hỏi yếu tố đầu tiên ở người diễn là sự nhiệt huyết, niềm đam mê, sự kiên trì trong tập luyện và không ngừng sáng tạo. Do vậy, nhiều học viên không trụ được bởi sự khổ luyện và quy luật đào thải khắc nghiệt của nghề”.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện chưa có cửa hàng chuyên bán đạo cụ phục vụ cho việc biểu diễn ảo thuật. Do vậy, những người đam mê bộ môn này phải đặt hàng ở TP. Hồ Chí Minh, có những dụng cụ biểu diễn phức tạp thì phải đặt hàng từ nước ngoài. Giá thành của đạo cụ ảo thuật tương đối cao, tuy nhiên một số tiết mục đơn giản thì chi phí cho đạo cụ biểu diễn là không cao.

Ảo thuật gia Minh Quang cho biết thêm, Tiền Giang chưa có sân khấu dành riêng cho biểu diễn ảo thuật. Trong thời gian tới, CLB Ảo thuật Tiền Giang sẽ mời các ảo thuật gia ở TP. Hồ Chí Minh về tổ chức những buổi luyện tập kỹ năng cho các thành viên trong CLB, mỗi tháng sẽ có 1 buổi biểu diễn để các em làm quen với sân khấu.

Được biết, khi tham gia các CLB Ảo thuật, thành viên sẽ được miễn phí toàn bộ học phí các khóa học ảo thuật từ căn bản đến nâng cao, chỉ đầu tư đạo cụ phục vụ cho tiết mục biểu diễn. Đến nay, có khoảng 10 thành viên xuất thân từ CLB Ảo thuật Tiền Giang sống được bằng nghề này, nhiều thành viên đã khẳng định mình trên những sân khâu lớn.

VĂN THẢO

.
.
.