Chủ Nhật, 19/05/2019, 07:50 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 – 19-5-2019):

Tấm lòng người dân ĐBSCL đối với Bác Hồ kính yêu

(ABO) Trong tình cảm sâu thẳm đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để tưởng nhớ Người như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác Hồ là vị cha chung; là sao Bắc Đẩu, là vầng thái dương”… Theo thống kê, ở khu vực ĐBSCL hiện có tổng số 30 Đền, Phủ thờ Bác trang nghiêm nằm ở các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, TP. Cần Thơ, An Giang…

* Tại Tiền Giang:

Tọa lạc bên con rạch Ruộng với dòng nước ngọt 4 mùa, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm tự hào của người dân huyện Cái Bè nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung. Phủ thờ không chỉ là nơi để tưởng nhớ vị Cha già kính yêu của dân tộc, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của người dân địa phương.

Phủ thờ Bác Hồ ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè.
Phủ thờ Bác Hồ ở xã Tân Thanh, huyện Cái Bè.

Phủ được xây dựng hình lục giác, mái cong, lợp ngói, mang đậm nét kiến trúc phương Đông. Bên trong có bàn thờ Người với bức tượng đồng cùng những hình ảnh tư liệu trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác. Được biết, công trình khởi công vào tháng 8-1975 đến năm sau thì hoàn thành.

Đến năm 1983, phủ thờ được trùng tu, nâng cấp. Vào dịp 19-5, 2-9 hằng năm, Tỉnh ủy Tiền Giang, Huyện ủy Cái Bè cùng cán bộ xã, nhân dân 2 xã Tân Thanh, Tân Hưng đều đến phủ thờ để tổ chức lễ thắp hương tưởng niệm Bác. Phủ thờ còn đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch, các đoàn tham quan của học sinh. Mọi người khi đến phủ thờ đều rất xúc động khi xem tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác - người Cha chung của cả dân tộc, cao cả mà giản dị!

Ngoài ra, theo lời kể của nhiều cán bộ cách mạng lão thành, trước ngày 30-4-1975, ở huyện Cái Bè còn có 2 Đền thờ Bác ở xã Mỹ Thiện (sau này tách thành 2 xã Thiện Trung và Thiện Trí) và xã Hậu Mỹ Nam, được xây dựng vào năm 1972 để tưởng nhớ và hun đúc lòng cán bộ, nhân dân xã nhà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tại xã Mỹ Thiện, đền thờ được dựng ở ấp Mỹ Phúc gần rạch Cả Sơn, trong khoảng đất vườn của ông Đỗ Văn Điệu. Đền thờ lúc bấy giờ được làm theo kiểu hình tròn, lợp fibro xi măng (bây giờ là tôn), vách đóng bằng cây, trong đền có bàn thờ và ảnh Bác bằng vải với chiều rộng khoảng 6 m và trước đền có cột cờ.

Còn Đền thờ Bác Hồ tại xã Hậu Mỹ Nam đặt ở ấp Mỹ Tường, mái và vách lợp lá, trong đền có bàn thờ với ảnh Bác bằng giấy in. Niềm tự hào của cán bộ, cơ sở cách mạng ở 2 xã là các Đền thờ Bác hoàn toàn được bảo vệ nguyên vẹn, không hề bị đánh phá trong thời kỳ những năm 1965 - 1975.

Thậm chí trận chống càn ác liệt với trận chiến 7 ngày đêm máu lửa nhưng đền thờ Bác vẫn được bảo vệ an toàn. Sự hiện hữu và tồn tại nguyên vẹn của Đền thờ Bác Hồ sau mỗi trận càn như khẳng định một chân lý đã trở thành sự thật: Lòng dân tin Đảng, tin vào Bác thì cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam nhất định thắng lợi vẻ vang.

* Ở Cà Mau:

Ngôi Đền thờ Bác xây cất đầu tiên trên đất mũi Cà Mau dựng bằng gỗ đước ở hậu Nà Chim, gần ngã ba Kinh Đào, ấp Biện Trượng, xã Đất mới (Viên An), huyện Ngọc Hiển do một bộ phận Tỉnh đội Cà Mau và tổ đảng cùng nhân dân địa phương hợp sức thi công, hoàn thành vào trung tuần tháng 9-1969. Sau đó, giữ trọn lời hứa trước vong linh Bác trước ngày xung trận, ngày 5-1-1975, đền thờ Bác Hồ chính thức được khởi công xây dựng trên khuôn viên rộng 6.118 m2 ngay trên nền đất Chi khu Cái Nước. Đền thờ được hơn 10.300 lượt người đóng góp công sức, tiền bạc tham gia xây dựng và hoàn thành sau gần 3 tháng thi công.

Ngày 29-3-1975, Đền thờ Bác khánh thành trong không khí long trọng, trang nghiêm của trên 17.000 người từ khắp nơi hội tụ về với niềm hân hoan, phấn khởi và báo công dâng lên Người, sau đó họ đã anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, mọi người đều tề tựu về đền thờ Bác thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

* Ở TP. Trà Vinh:

Đền thờ Bác Hồ tọa lạc tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức (TP. Trà Vinh) được xây dựng cách đây 35 năm làm nơi thờ phụng và tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 3-1970, Đền thờ Bác Hồ được Thị ủy Trà Vinh, Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức khởi công xây dựng dưới tầm đạn pháo của địch và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971.

Ngôi đền được làm bằng các vật liệu thiên nhiên, thiết kế kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, khung sườn bằng loại gỗ tạp, vách tôn, nền tráng xi-măng, phía trước đền khoảng 10 m có một đài liệt sĩ bằng tôn, hình tháp. Nằm giữa vòng vây, kìm kẹp của Mỹ - ngụy, đền thờ là biểu tượng tình cảm, tấm lòng của nhân dân Trà Vinh đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù lồng lộn, tức tối nhưng kẻ địch vẫn phải bất lực và khiếp sợ trước sự tồn tại của ngôi đền ra đời từ ý nguyện và lòng dân.

Với các giá trị và ý nghĩa lịch sử, Đền thờ Bác Hồ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Sau ngày giải phóng, ngôi đền đã được tỉnh đầu tư trùng tu tôn tạo lại, tạo nên một khu di tích lịch sử văn hóa rộng hơn 7 ha với nhiều hạng mục: Công viên, nhà truyền thống Bảo tàng lịch sử tỉnh, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tại đền, lễ giỗ, tưởng niệm Bác Hồ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức long trọng hằng năm vào ngày 2-9 để báo công lên Bác.

* Ở Hậu Giang:

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng tại ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), khánh thành đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác vào năm 1990. Đền thờ Bác Hồ được xây dựng theo kiến trúc kiểu đình, miếu thuần Việt, vừa trang trọng, uy nghiêm, nhưng cũng không kém phần giản dị, ấm áp. Bên trong trưng bày khá phong phú tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác. Đây là một trong những đền thờ lớn ở ĐBSCL, thu hút nhiều lượt khách đến tham quan.

Năm 2008, đền thờ đã được đầu tư xây mới thêm hội trường sức chứa khoảng 150 người trên diện tích khoảng 200 m2, phục vụ cho lễ hội và đón khách tham quan; xây dựng thêm một số hạng mục như bờ kè, khu đền chính, hàng rào... Vào các dịp lễ, hội ở đây tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm sách, tranh ảnh và tổ chức các trò chơi, cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, phục vụ người dân. Ngày nay, di tích này được xem là “địa chỉ đỏ” thu hút du khách vào các ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Bác 19-5…

* Ở tỉnh Bạc Liêu:

Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Đền thờ Bác được xây dựng bên bờ sông Bà Chăng, trong khuôn viên rộng hơn 6.000 m2. Phía sau đền có nhà trưng bày với khoảng trên 300 tài liệu, hiện vật và hình ảnh cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú. Ở phía trước đền thờ có 2 bức phù điêu bề ngang 3 m, dài 11 m, giữa trung tâm nhà trưng bày có tháp sen cao 4 m.

Cách đây 36 năm, khi nghe tin Bác Hồ đi xa, sau lễ tang Bác ít ngày, Huyện ủy Vĩnh Lợi đã phát động trong toàn huyện dựng đền thờ để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người với nhân dân ta. Đền thờ được khánh thành ngày 19-5-1972 và tồn tại trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ dưới sự bảo vệ anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Châu Thới.

Nhiều lần địch xua quân hoặc máy bay trực thăng đổ quân xuống càn quét căn cứ và Đền thờ Bác Hồ nhưng chúng luôn nếm mùi thất bại trước tinh thần bám trụ, đấu tranh chính trị của nhân dân; quân dân xã Châu Thới và đội bảo vệ đền thờ đã chiến đấu dũng cảm loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên địch, diệt và bắn bị thương hàng trăm tên...

Ngày nay, hằng năm, tại Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới luôn tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân ngày sinh của Bác (19-5), ngày Bác đi xa (2-9) thu hút nhiều đoàn viên thanh niên từ huyện đến tỉnh thường xuyên tổ chức về thăm đền thờ, tổ chức sinh hoạt Đoàn, tổ chức lễ báo công nhớ ơn Người...

Các đền thờ, phủ thờ Bác Hồ ở ĐBSCL nói trên cũng như nhiều nơi khác trên đất nước ta đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, bên cạnh ý nghĩa tâm linh của người dân, những đền thờ, phủ thờ Bác Hồ đã trở thành địa điểm về nguồn giáo dục truyền thống cách mạng và học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, trở thành những trung tâm văn hóa phục vụ cho các hoạt động tưởng niệm, kỷ niệm, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và tình cảm của nhân dân đối với Bác.

NGUYỄN HỮU
 

.
.
Liên kết hữu ích
.