Thứ Năm, 02/05/2019, 15:24 (GMT+7)
.

Sông Bảo Định tròn 200 tuổi

Vào những năm nửa cuối thế kỷ XIX, sông Bảo Định là con đường huyết mạch kết nối miền Tây Nam bộ với Sài Gòn. Tin tức, công văn giấy tờ hành chính mỗi ngày đều chuyển qua dòng sông đào này.

Mỹ Tho bên bờ sông Tiền mênh mang sóng vỗ. Từ Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá đều theo sông Hậu, sông Tiền mà tới Mỹ Tho. Rồi từ đây thẳng tới Sài Gòn, là đoạn đường ngắn nhất.

Dòng sông bồi đắp phù sa, hội tụ thương hồ, trù phú một thời. Dòng sông hẹn hò của tao nhân mặc khách, nhân tài hào kiệt…

Khúc co sông Bảo Định trong lòng TP. Mỹ tho.                                                                                                                     Ảnh: LÊ HẢI
Khúc co sông Bảo Định trong lòng TP. Mỹ tho. Ảnh: LÊ HẢI

Ở chợ Phú Kiết, huyện Chợ Gạo có nhà bia ghi: Phụng khai tân cảng ký. Tức khắc ghi năm đào xong sông Bảo Định. Đó là tháng 4 năm 1819.

Vua nhà Nguyễn sai Huỳnh Công Lý, Nguyễn Huỳnh Đức và Trịnh Hoài Đức tập hợp nhân dân đào sông.

Dân công chia thành nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 3.000 người đào bằng leng, vá, cuốc thô sơ.

Trải bao năm tháng đổ mồ hôi mới có ngày khánh thành công trình thủy lợi nội đồng vĩ đại này.

Chợ Phú Kiết ngày ấy gọi là chợ Thang Trông (trong), nơi đặt bản doanh của các vị quan coi việc đào sông.

Ở đây người ta dựng một cái lầu cao để nhắm hướng con sông, nên gọi thang trông.

Liên thông thủy lưu hai dòng sông mẹ là sông Tiền và Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định xả phèn, biến vùng đất ngập trũng của xã Mỹ Phong và 7 xã vùng trên của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; xã An Vĩnh Ngãi và một số xã thuộc tỉnh Long An thành đất trồng lúa.

Và bây giờ đang thành vùng đất vườn trồng được nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Dòng sông mang nặng ân tình như dòng sữa mát thơm cho Tây Nam bộ.

Hiện tại, do nhu cầu thủy lợi, cống Bảo Định và cống phía tỉnh Long An chắn phèn, mặn, đóng mở theo nhu cầu canh tác theo mùa vụ, nên sông không còn giá trị giao thông toàn tuyến Cửu Long như xưa nữa.

Giá trị xả phèn chua cũng hoàn thành, nay chủ yếu là cung cấp nguồn nước tưới tiêu. Trên tuyến sông hiện tại có cầu Bảo Định, cầu Lương Hòa Lạc, cầu Hòa Tịnh và cầu Bà Lý rất hiện đại. Cảnh quan hai bên bờ sông giờ thông thoáng, xinh đẹp hơn xưa.

Cơ quan văn hóa huyện và tỉnh cần tu bổ lại Phụng khai tân cảng ký (bia ký tại chợ Phú Kiết) cho xứng tầm của dòng sông lịch sử. Cần làm bảng di tích tiếng Việt để bà con, khách du lịch biết tên tuổi dòng sông này.

Từ đó giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, không làm ô nhiễm, làm phương hại đến sông Bảo Định.

Vinh dự của bao người được ngắm sông Bảo Định ở tuổi 200. Dòng sông vẫn chảy mãi như bài ca ân tình cho hậu thế. Sông ban tặng cho người như mẹ hiền tận hiến cho con.

NGUYỄN THANH XUÂN

.
.
.