.
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh- liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019):

Vợ anh Trỗi: 'Tôi chạy khắp nơi, hỏi xem xác chồng đâu'

Cập nhật: 17:00, 06/07/2019 (GMT+7)
"Tôi thuê taxi, chạy tới các cơ quan an ninh, các tòa án của chúng, hỏi xem xác anh chúng để đâu. Bọn chúng đều giả câm, giả điếc", bà Phan Thị Quyên kể.
 
Sách "Sống như anh" về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) kể, nhà báo Trần Đình Vân viết. Được sự đồng ý của NXB Kim Đồng, chúng tôi xin trích đăng một phần nội dung sách. Bài trích giữ nguyên cách xưng hô của bà Phan Thị Quyên (xưng tôi).

 

Sáng 15/10, tôi tới khám Chí Hòa. […] Tôi lẳng lặng xách giỏ quà bánh đi giữa hai hàng hiến binh tới văn phòng khám tử hình. Có lẽ không một người phụ nữ nào lại đợi chồng trong khám tử hình thanh thản, đường hoàng như tôi lúc này. […] Tôi đợi rất lâu. Hơn một giờ sau, một tên cảnh sát tới bảo tôi:

 
- Hôm nay trong khám có việc đặc biệt đón khách, không cho bất cứ ai vô thăm hoặc gởi quà. Chị về đi, ngày khác vô.
 
Tôi nhờ nó chuyển vào xà lim cho anh giỏ quà, nó từ chối và bảo tôi, nếu cần chiều vào nó sẽ giải quyết. Lúc đó đã mười giờ sáng. Tôi quay ra, lại đi giữa hai hàng hiến binh, mỗi tên cách nhau độ một thước, đứng ngay như những bức tượng.
 
a
Sách "Sống như anh" thuộc Tủ sách vàng, NXB Kim Đồng.

Vừa ra khỏi khu nhà giam tử hình, tôi gặp rất đông nhà báo, ta có, ngoại quốc có. Họ đeo các thứ máy ảnh, máy quay phim, đi rất vội vàng. Ra tới cổng khám, tôi tránh một bên cho chiếc xe nhà binh 404 vào, trên chở một cái hòm (quan tài).

Tôi nghĩ: Trong khám lại mới có tù nhân chết. Bên ngoài khám không như lúc tôi mới đến ban nãy nữa: Hiến binh đã gác từng tốp suốt dọc dãy phố Hòa Hưng. Tôi vừa mới tới nơi gởi xe đạp chờ lãnh xe, bỗng có tiếng nói:
 
- Vợ người giật mìn cầu Công Lý đấy, đúng rồi, sao chị ấy lại quay ra thế kia?
 
[…] Tôi quay lại, một bác vẫy tay tôi, vẻ mặt đau buồn nói:
 
- Sao lại quay ra? Nó sắp giết chồng cô, sao lại quay ra? Xin nó cho vô đi.
 
Tôi vẫn chưa tin. Làm gì có chuyện như vậy lúc này? Tôi nói:
 
- Không phải đâu, cháu vừa ở trong ấy ra. Người ta bảo chiều gởi quà bánh cho anh ấy được. Với lại chúng cũng hoãn xử tử rồi, báo vừa mới đăng cả.
 
- Biết, báo đăng bọn tôi biết. Tới sáng nay vẫn còn mừng cho cô. Bao nhiêu năm ở quanh cái khám này, cứ tưởng lần thứ nhất được xem một cuộc đổi mạng. Bây giờ chúng nó lật lọng ròi, bên kia người ta thả cái thằng Mỹ ấy ra, bên này nó lại mang anh ấy ra nó giết kia kìa. Hiến binh nó bảo đấy, sắp mang bắn người giật cầu Công Lý. […]
 
Tôi la khóc, quay chạy trở lại cổng khám. Hai cánh cửa sắt đã đóng kín. Mấy tên hiến binh ngăn tôi lại. Tôi giằng co với chúng, tôi la lớn:
 
- Không được giết chồng tôi! Không được giết chồng tôi! Phải cho tôi gặp chồng tôi!
 
Một thằng hiến binh giữ hai tay tôi nói:
 
- Lịnh trên giờ này không cho một ai vô khám nữa. Muốn vô về nhà xin giấy!
 
Chúng nó kéo tôi ra và một tốp hiến binh nữa tới đứng chặn trước cổng khám. Tôi vừa khóc vừa kêu gào đòi chúng để vợ chồng tôi gặp nhau. Tôi cuống cuồng cảm thấy chúng đang mang anh ra pháp trường. Tôi cứ nhìn vào phía khu nhà giam tử hình, gọi tên anh.
 
Mấy thằng hiến binh giang tay đẩy tôi ra xa dần cổng khám. Tôi lấy xe đạp chạy vội về tìm ba tôi xem còn có cách nào cứu nổi anh không. Tới giữa phố, mấy cô bác giữ tôi lại hỏi:
 
- Sao cháu lại quay về? Chúng nó không cho vô hay sao?
 
- Cháu nói mãi, chúng nó không cho, bây giờ chúng đứng đầy cả cổng khám, không sao vô nổi. Cháu chạy về tìm ba cháu xem sao.
 
Mấy cô bác lúc đó hết sức căm giận chửi:
 
- Bọn chúng nó dã man quá, giết người ta mà không cho vợ chồng người ta gặp nhau, quân nó dã man!
 
Ba tôi ở ngoài Quảng Nam vào. Nghe tin anh có thể được đổi mạng, ba ở lại chờ xem kết quả ra sao. Được tin sét đánh này, ba tôi và thầy tôi không còn cách nào khác là chạy tới nhà luật sư cầu cứu. Ông luật sư nhất định không tin, ông ta cam đoan:
 
- Không có thể đâu, có lịnh hoãn xử tử rồi, có gì người ta cũng báo cho tôi biết chứ, cũng phải báo cho các phòng luật sư đang cãi cho anh ấy biết chứ. Chắc là họ giết ai đấy.
 
Tôi nói:
 
- Cả phố trước khám người ta nói rất rõ ràng là giết người giật cầu Công Lý. Ông cứ hỏi ột câu cho yên lòng.
 
Ông ta vẫn chần chừ không tin chút nào vào lời nói của tôi. Sau thấy tôi khẩn khoản kêu nài mãi, ông ta mới gọi điện thoại tới khám Chí Hòa. Ông ta vẫn cầm ống nói chờ trả lời và bống tôi thấy ông thay đổi nét mặt, tỏ ra kinh ngạc: “Thế à, thế à!”. Ông đặt ống nói xuống, nói:
 
- Họ vừa xử bắn anh ấy xong, họ xử lúc mười một giờ. Thôi để rồi đi thu xếp xin xác anh ấy vậy.
 
Tôi ngồi vội xuống chiếc ghế để khỏi ngã. Tôi gục vào mép bàn, khóc chết lặng. Ba tôi cũng khóc, giục tôi: “Cố đi tìm xác chồng con; không trông cậy vào họ được nữa đâu”.
 
a
Vợ chồng anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Tôi thuê taxi, chạy tới tất cả các cơ quan an ninh, các tòa án của chúng, hỏi xem xác anh chúng để đâu. Bọn chúng đều giả câm, giả điếc, chỉ cho tôi đi hết nơi này đến nơi khác, lừa dối tôi. Tôi tìm tất cả các nghĩa địa của thành phố.
 
Bác tài xế ngạc nhiên thấy tôi hớt hơ hớt hải tìm vào các nghĩa địa, liền hỏi tôi:
 
- Cô đi tìm cái gì mà hấp tấp quá vậy?
 
Tôi trả lời:
 
- Họ giết chồng tôi, nhưng không rõ họ chôn ở đâu.
 
- Chồng cô làm sao mà họ giết?
 
Tôi bước lên xe, không nói một câu nào nữa. Sắp sửa mở máy, bác tài xế lại quay sang hỏi tôi:
 
- Thế anh ấy làm gì mà họ giết?
 
- Chồng tôi giật cầu Công Lý.
 
- Trời đất!
 
Bác tài xế quá sửng sốt kêu lên đến nỗi người trên hè cũng nghe thấy tiếng. Bác hỏi tiếp:
 
- Có phải anh Trỗi không? Anh Nguyễn Văn Trỗi phải không?
 
Tôi không trả lời được, nước mắt giàn giụa. Tôi cứ mím chặt môi. Bác tài xế nhắc đi nhắc lại đến tên chồng tôi như hai người đã quen nhau lâu. Mặt bác càng đỏ gay. Thấy tôi vẫn yên lặng, bác chưa yên tâm, bác hỏi tiếp:
 
- Có phải anh Trỗi không? Người cả gan dám tìm giết bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra (Robert McNamara) chứ gì?
 
Tôi gật đầu.
 
Bác vội với tay ra sau xe, rút sau đệm lưng một tờ báo, đưa vào tay tôi, nói:
 
- Đây này, rõ ràng báo đăng hoãn xử tử hẳn hoi, thế mà chúng đã giết anh ấy rồi à?
 
Tôi không muốn nhìn tờ báo nữa, càng đau lòng thêm. Tôi nói với bác:
 
- Còn nghĩa địa nào đưa tôi đến nốt để tìm kiếm xem có thấy mộ anh không.
 
Bác đóng sầm cửa xe lại. Bác vừa mở máy, chiếc xe đã chồm lên, lao nhanh hơn trước nhiều. Không hiểu chiều hôm đó, chiếc xa taxi của bác chạy tới bao nhiêu trăm cây số.
 
Sáng sớm hôm sau, qua báo chí Sài Gòn tôi được tin chúng đã chôn anh trong nghĩa địa đô thành. Cả gia đình tôi tới tìm mộ anh và làm ngay bia ghi tên anh cắm trước mộ. Bọn mật thám đã rình sẵn ở nghĩa trang, theo sát gia đình tôi, chụp ảnh từng người.
 
(Theo zing.vn)
 
 
.
.
.