.

Huyện Cai Lậy nâng chất các danh hiệu văn hóa

Cập nhật: 19:21, 06/09/2019 (GMT+7)

Thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (viết tắt là Phong trào), nhiều vùng nông thôn ở huyện Cai Lậy đã khoác lên mình chiếc áo mới tươi đẹp, giàu sức sống, tạo “bước đệm” vững chắc để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều vùng nông thôn ở huyện Cai Lậy đã có sự đổi thay tích cực về cảnh quan môi trường qua mô hình “Con đường văn hóa”.
Nhiều vùng nông thôn ở huyện Cai Lậy đã có sự đổi thay tích cực về cảnh quan môi trường qua mô hình “Con đường văn hóa”.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH

Xác định xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) là nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Ban Chỉ đạo Phong trào huyện Cai Lậy phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thành viên của Mặt trận chú trọng tuyên truyền, vận động, nhân rộng những GĐVH ở khu dân cư. Qua bình xét cuối năm 2018, huyện Cai Lậy có gần 46.600 GĐVH, đạt 93,99% số hộ đăng ký.

Nhiều gia đình làm nòng cốt thực hiện nếp sống văn minh, chịu khó làm ăn và đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội. Tiêu biểu như gia đình ông Lê Văn Du, ngụ ấp 1, xã Cẩm Sơn. Thời điểm kinh tế còn khó khăn, vợ chồng ông luôn động viên nhau nỗ lực lao động sản xuất, nuôi các con ăn học.

Giờ đây, cuộc sống đã ổn định, ông bà giáo dục các con quan tâm, đùm bọc nhau, xây dựng mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu thương. Năm 2018 xã mở rộng tuyến đường dân sinh ở ấp 1, gia đình ông Du đã tự nguyện hiến hơn 80 m2 đất vườn. Ông còn vận động các hộ xung quanh đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống cột cờ kết hợp đèn chiếu sáng và trồng hoa, cây xanh ven tuyến đường.

Ông Du chia sẻ: “Xã Cẩm Sơn được chọn xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao thì người dân càng phải thấy rõ trách nhiệm của mình. Vì lẽ đó, gia đình tôi quyết định hiến đất mở rộng đường. Từ lúc tuyến đường hoàn thành, nhìn mọi người lưu thông thuận tiện, kết nối thông thương giữa xã Cẩm Sơn và xã Bình Phú, càng thấy việc làm của mình có ý nghĩa…”.

NÂNG CHẤT CÁC DANH HIỆU VĂN HÓA

Năm 2019, xã Mỹ Thành Bắc tập trung cho mục tiêu xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”. Ban Chỉ đạo Phong trào của xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng chất các danh hiệu “Ấp văn hóa”, “Con đường văn hóa”, “GĐVH”, qua đó cảnh quan môi trường chuyển biến tích cực từ sự góp sức của người dân. Mỗi hộ gia đình ý thức hơn trong việc chỉnh trang khuôn viên nhà, trồng cây xanh, hoa kiểng ven các tuyến đường, đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống cột cờ kết hợp đèn chiếu sáng.

Bà Lê Thị Hiền, người dân ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc chia sẻ: “Sau khi được tuyên truyền, vận động, tôi hiểu việc chỉnh trang cảnh quan môi trường không chỉ làm đẹp khuôn viên nhà mình, mà còn làm đẹp đường quê, nên tranh thủ thời gian chăm sóc hàng rào cây xanh, góp chút sức cùng mọi người xây dựng “Con đường văn hóa” trước nhà mình…”.

Năm 2019, huyện Cai Lậy tập trung xây dựng và nâng chất các danh hiệu của Phong trào, điểm nhấn là danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”. Đến tháng 8-2019, toàn huyện có 125/126 “Ấp văn hóa”, 12 “Xã đạt chuẩn văn hóa NTM”, 33 “Cơ sở thờ tự văn hóa”, 43 “Con đường văn hóa”.

Qua phát động, huyện Cai Lậy có 99,29% hộ đăng ký xây dựng GĐVH. Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp xác định nhân tố quyết định thành công trong việc xây dựng và nâng chất các danh hiệu văn hóa chính là nhờ sự đồng thuận tham gia của người dân.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động được tập trung thực hiện, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân tham gia xây dựng NTM. Minh chứng, nơi nào huy động được sức dân thì phong trào phát triển mạnh.

Cùng với đó là việc phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điểm sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao lành mạnh cho nhân dân. Trên nền tảng các danh hiệu văn hóa được tập trung xây dựng và nâng chất, hầu hết xã đã “về đích” hoặc gần “về đích” NTM, tạo những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn và đời sống người dân.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.