Thứ Hai, 23/09/2019, 20:24 (GMT+7)
.

Nghệ thuật tiếp cận công nghệ hiện đại: Khó vẫn phải làm

Hiện nay, nhiều thành tựu công nghệ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực của đời sống và nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. 

Nghệ thuật biểu diễn cần được hỗ trợ và nâng tầm bởi công nghệ hiện đại
Nghệ thuật biểu diễn cần được hỗ trợ và nâng tầm bởi công nghệ hiện đại

“Gà đẻ trứng vàng” 

Ảnh hưởng từ các cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những dấu ấn riêng qua các thước phim điện ảnh, thậm chí nó còn thay đổi cả chuẩn mực của nền điện ảnh. Có thể thấy rõ qua điển hình ứng dụng công nghệ như sử dụng thiết bị bay không người lái (drones), hay công nghệ in 3D, ứng dụng cân bằng sáng, công nghệ AI trong thiết kế hình ảnh và âm thanh.

Các đạo diễn điện ảnh quốc tế từng tuyên bố rằng, cái đáng sợ nhất là không nghĩ ra được điều gì dị thường và mới mẻ, chứ không phải biến ý tưởng đó thành các thước phim, vì việc đó đã có công nghệ lo.

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, điện ảnh ngày nay được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để giúp ánh sáng được cân bằng tốt nhất và độ rung trong mỗi thước phim bị giảm tối thiểu. Không chỉ là sự thay đổi trong sản xuất phim, cách xem và tiếp nhận thời kỳ công nghệ cũng có nhiều sự chuyển biến đặc sắc với 2 ứng dụng công nghệ chính: công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) và hình ảnh phân giải cao.

Đặc biệt hơn chính là sự thay đổi trong tư duy tiếp nhận phim. Bây giờ, một phim bom tấn không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí lớn, ngôi sao phòng vé, nội dung hay diễn xuất, mà còn phải trông cậy rất nhiều vào tổ hình ảnh. 

Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng: tiếp cận công nghệ mới, các công ty sản xuất phim trở thành những công xưởng sản xuất phim kỹ thuật số. Công nghệ kỹ thuật số trở thành nhân tố quan trọng nhất, không chỉ trong quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim mà còn trong công nghệ mới về cách kể câu chuyện phim, hay còn gọi là xây dựng nội dung ghép nối, những sản phẩm nghe nhìn truyền thống được kết hợp với các giải pháp phần mềm.

“Ở đó, sự phản ánh hiện thực ảo và thật xen lẫn, hòa trộn trong một bộ phim; việc phát hành, phổ biến một bộ phim vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống (tại các rạp chiếu phim hoặc trên truyền hình). Cách thức tiếp cận, hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của khán giả cũng thay đổi, có nhiều sự lựa chọn hơn để thỏa mãn nhu cầu cá nhân ở bất cứ thời gian, địa điểm nào...”, ông Đỗ Duy Anh nhấn mạnh. Điện ảnh thực sự là một “con gà đẻ trứng vàng” khi đem lại lợi nhuận khổng lồ. Vì thế, việc nắm bắt công nghệ mới sẽ đem lại nhiều cơ hội nếu nhập cuộc nhanh.

Lực cản từ kinh phí 

Công nghệ mang lại điều mới mẻ, trực tiếp thu hút khán giả bỏ thời gian, tiền bạc đến thưởng thụ sản phẩm văn hóa, song theo TS Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VH-TT-DL), việc tiếp cận công nghệ hiện đại của sân khấu khá chậm.

“Đội ngũ nghệ sĩ chưa được trang bị kiến thức ứng dụng công nghệ một cách bài bản, đồng bộ trong chuỗi cung ứng dịch vụ văn hóa. Nhân lực công nghệ ở các thiết chế văn hóa của nhà nước về cơ bản là thiếu về số lượng, chưa đạt yêu cầu chất lượng”, TS Từ Mạnh Lương nói.

Nguyên nhân được chỉ ra là do nghệ thuật truyền thống chủ yếu phát huy thế mạnh nghệ thuật, ít có điều kiện nghiên cứu công nghệ để phát huy giá trị nghệ thuật đó trong hoạt động biểu diễn. Một lý do cốt lõi khác chính là do kinh phí đầu tư có hạn nên dù nhận thấy rõ những ưu thế của việc tận dụng công nghệ vào biểu diễn nghệ thuật nhưng nhiều đơn vị lực bất tòng tâm.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ: “Áp dụng công nghệ trong nghệ thuật xiếc sẽ tạo nên sản phẩm nghệ thuật độc đáo, bởi việc làm mới về kỹ thuật biểu diễn đối với một tiết mục xiếc là rất khó. Để nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc cũng phải mất hàng năm. Các màn biểu diễn ảo thuật sẽ trở nên kỳ bí với những biến hóa trên sân khấu nhờ sự tương tác với màn hình, điều khiển thiết bị bằng sóng điện tử... Thế nhưng những năm gần đây, những ứng dụng công nghệ mới vào biểu diễn xiếc rất hiếm hoi do rào cản về kinh phí”.

Cùng trăn trở này, Th.s Vũ Nhật Tân, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cho rằng: Hiện nay, hầu hết các trường đại học và học viện âm nhạc trên thế giới đều đã thiết lập và xây dựng xong hệ thống studio âm nhạc điện tử và khoa âm nhạc điện tử, tập trung đào tạo và thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo, sản xuất và biểu diễn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có studio âm nhạc điện tử hoặc khoa âm nhạc điện tử nào, nên chưa thể chủ động nắm bắt và đào tạo ứng dụng công nghệ vào âm nhạc.

Có thể thấy rõ, công nghệ hiện đại không chỉ nâng tầm hoạt động nghệ thuật mà còn góp phần chinh phục khán giả trở lại với sân khấu, điện ảnh. Nhưng đó không phải chỉ là câu chuyện của những người làm nghề, mà còn là câu hỏi với các nhà quản lý văn hóa.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.