Thứ Hai, 30/09/2019, 11:11 (GMT+7)
.

NSND Trà Giang: NSND Thế Anh là con người của điện ảnh

Ngày 29-9, điện ảnh Việt Nam mất đi một cây đại thụ khi NSND Thế Anh trút hơi thở cuối cùng. Chúng tôi đã ghi lại những tâm sự của NSND Trà Giang, người cùng với NSND Thế Anh, là hai trong số những cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, ngay sau khi bà nhận được thông tin NSND Thế Anh qua đời.
Thế Anh (bìa phải) với vai diễn để đời Trung úy Phương trong phim Nổi gió
Thế Anh (bìa phải) với vai diễn để đời Trung úy Phương trong phim Nổi gió
Khi nghe tin NSND Thế Anh ra đi, tôi rất đau buồn. Cùng với anh Đoàn Dũng, 3 nghệ sĩ chúng tôi vào Nam sinh sống. Năm ngoái anh Đoàn Dũng đã ra đi, năm nay đến lượt anh Thế Anh.

Tôi và NSND Thế Anh đóng chung với nhau 3 phim nhưng chỉ có Mối tình đầu là có nhiều phân cảnh diễn chung với nhau. Trong Ngày lễ Thánh, chúng tôi chỉ xuất hiện chung với nhau vài cảnh. Riêng với Em bé Hà Nội, chúng tôi hầu như không có cảnh diễn chung. Tuy nhiên, với cá nhân tôi vẫn có những kỷ niệm đặc biệt về anh ấy. NSND Thế Anh vốn xuất phát điểm là lớp diễn viên kịch đầu tiên của điện ảnh Việt, cùng lứa với NSND Đoàn Dũng, trong khi tôi là lứa diễn viên điện ảnh đầu tiên. Thời điểm đó, có hai Trường Trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam và Trường Điện ảnh Việt Nam, sau này mới sát nhập thành Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội vào năm 1980. Khi NSND Thế Anh bắt đầu bước chân vào lĩnh vực điện ảnh, tôi lúc bấy giờ đã có những vai diễn trong Chị Tư Hậu hay Một ngày đầu thu.

Tôi không tham gia phim Nổi gió cùng anh Thế Anh. Nhưng tôi được biết anh Huy Thành (NSND, đạo diễn bộ phim Nổi gió) đã rất vui mừng khi chọn được anh Thế Anh đóng vai Trung úy Phương. Bởi vì hồi đó, lĩnh vực điện ảnh không có những diễn viên có ngoại hình được như anh Thế Anh. Một thời gian sau, khi được xem phim Nổi gió, tôi thấy anh Thế Anh vào vai đó rất chân thật và như diễn viên điện ảnh, không mang tính kịch. Anh Huy Thành sau này có nói chuyện với tôi, anh rất toại nguyện khi chọn được anh Thế Anh vào vai Trung úy Phương. Là những người trong nghề, chúng tôi càng mừng hơn vì có một diễn viên trẻ trung và tài năng như thế. 

Chính sự chuyển vai rất ngọt từ sân khấu sang điện ảnh của anh Thế Anh khiến tôi càng yêu quý, trân trọng tài năng của đồng nghiệp. Sau này có nhiều diễn viên kịch qua đóng điện ảnh, nhưng vì hai tính chất, kiểu diễn khác nhau, bên sân khấu có phần khoa trương còn điện ảnh chân thật nên không phải ai cũng thành công. Về sau, dù mỗi người có sự nghiệp riêng nhưng tôi vẫn theo dõi thường xuyên các bộ phim của NSND Thế Anh mà tôi rất yêu thích như: Đường về quê mẹ, Đêm hội Long Trì, Không nơi ẩn nấp... Anh Thế Anh đúng là con người của điện ảnh.

Không có duyên tái ngộ trên màn ảnh rộng, mỗi người phát triển sự nghiệp theo con đường riêng nhưng cùng với NSND Đoàn Dũng, sau khi cùng vào Nam sinh sống, lập nghiệp, chúng tôi có cơ hội gặp nhau khá nhiều. Đặc biệt khi tôi chuyển vào TPHCM năm 1990, chúng tôi có cơ hội gặp nhau thường xuyên hơn tại các sự kiện điện ảnh, giao lưu về văn hóa, gặp gỡ nghệ sĩ điện ảnh thường niên của lãnh đạo thành phố… Phải nói, anh Thế Anh là người vui tính. Điều tôi đặc biệt trân quý ở anh là người yêu nghề, đam mê và có trách nhiệm với nghề.  

Ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2019 ít lâu, thế hệ nghệ sĩ gạo cội điện ảnh thành phố có cuộc gặp gỡ để cùng nhau xem bộ phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới người Hà Lan Joris Ivens. Lúc đó chúng tôi lại có cơ hội tái ngộ. Gặp anh, dù không còn nhanh nhẹn do tuổi cao nhưng anh vẫn rất vui vẻ. Cũng có thể, do đặc trưng nghề nghiệp nên cứ gặp nhau chúng tôi vẫn luôn tạo không khí vui vẻ và cảm giác mình còn khỏe mạnh lắm. Nhưng tôi không ngờ, đó là cuộc gặp cuối cùng của tôi và NSND Thế Anh.

NSND Thế Anh sinh ngày 3-4-1938 tại Hà Nội, nổi tiếng ở cả hai lĩnh vực điện ảnh và kịch nói. Hai vai diễn của ông được khán giả nhớ nhất là vai diễn đầu tay Trung úy Phương trong Nổi gió (1964) và Ba Duy trong Mối tình đầu (1977). Riêng vai Ba Duy đã mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 năm 1980.  

Ông đã tham gia hơn 60 bộ phim nhựa và phim truyền hình, có thể kể đến các bộ phim: Đường về quê mẹ, Em bé Hà Nội, Không nơi ẩn nấp, Ngày lễ Thánh, Lưu lạc và trở về Sam Sao, Tự thú trước bình minh, Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Giao thời, Dốc tình, Hoa dã quỳ... Ở lĩnh vực kịch nói, tên tuổi ông gắn liền với các vai diễn trong các tác phẩm: Nila - Cô bé đánh trống trận, Đôi mắt, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Anh Trỗi, Hoa anh túc, Âm mưu và tình yêu, Khúc thứ ba bi tráng, Bài ca Điện Biên... Ông được trao tặng danh hiệu NSND năm 2001.

NSND Thế Anh đã nhập viện một thời gian vì lâm bệnh nặng. Dù được chăm sóc, cứu chữa tận tình, nghệ sĩ gạo cội của màn ảnh Việt qua đời lúc 5 giờ 30 ngày 29-9 tại Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM, hưởng thọ 81 tuổi.   

Trước khi qua đời, NSND Thế Anh sống cùng gia đình tại TPHCM. Vợ ông, bà Thu Hằng, cũng là một diễn viên. Ông đã đặt tên cho hai người con trai là Thế Phương và Thế Duy để kỷ niệm hai vai diễn thành công nhất của mình.

Theo thông báo từ phía gia đình và Hội Điện ảnh TPHCM, tang lễ NSND Thế Anh được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố (25 Lê Quý Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 1-10. Lễ truy điệu diễn ra lúc 5 giờ 30 sáng 3-10, sau đó linh cữu NSND Thế Anh được đưa đi hỏa táng tại Phúc An Viên (quận 9, TPHCM) và an táng chiều cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố, quận Thủ Đức, TPHCM.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.