.

Độc đáo kiến trúc Làng cổ Đường Lâm

Cập nhật: 20:19, 28/10/2019 (GMT+7)

(ABO) Đã biết nhiều về Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) qua sách báo, phim ảnh, nhưng được tận mắt chứng kiến, đắm mình trong quần thể di sản tôi mới thấy hết những giá trị đặc sắc của một làng quê thuần Việt gắn với cuộc sống nông thôn của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. 

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.

Đình Mông Phụ nằm ở vị trí trung tâm của làng, là kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt.
Đình Mông Phụ nằm ở vị trí trung tâm của Làng cổ Đường Lâm.

Làng cổ Đường Lâm là một ngôi làng cổ lâu đời, với những ngôi nhà cổ kính, mái nhà ngói cổ xưa, cây đa, bến nước, sân đình…Tại xã Đường Lâm có 5 làng gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm, với 99 ngôi nhà cổ có giá trị, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống (mái ngói, tường đá ong hoặc gạch…) và nhiều di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng.

rên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng.
Trên thân các cột xà, thanh xà đình Mông Phụ đều được chạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng.

Làng Mông Phụ là nơi còn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa với nhà mái ngói đỏ, xen giữa là những hàng cây xanh. Đây còn là quê hương của nhiều danh nhân như Vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám Hoa, Giang Văn Minh... Trong những ngày chớm thu, vẻ đẹp bình yên của ngôi làng cổ này khiến nhiều người ngỡ ngàng, say đắm. Linh hồn của làng là những bức tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng. Đường ở đây được xây dựng theo hình xương cá với một trục đường chính và nhiều con ngõ nhỏ thông với nhau.

Các Nhà Báo từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tìm hiểu về quá trình lịch sử hình thành làng cổ Đường Lâm
Nhà báo từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến tìm hiểu về quá trình lịch sử hình thành Làng cổ Đường Lâm.

Đình Mông Phụ có quy mô lớn nhất Đường Lâm, tọa lạc ngay trung tâm làng Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc nhà sàn. Sàn nhà còn có lan can tiện gỗ bao quanh.

Đình có hai tòa tiền đường và hậu cung với một gian, hai chái lớn và cả hai tòa nhà đều được làm theo kiểu bốn lá mái với họa tiết trang trí hình mây cuộn, rồng bay. Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được chạm khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng...

lối vào các nhà cổ
Những con đường lát gạch với những bức tường in dấu thời gian.

Hiện nay, Đường Lâm gần như vẫn giữ được nguyên vẹn những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình,… Đến đây, du khách được khám phá nét truyền thống trong văn hóa của người Việt xưa, trải nghiệm cuộc sống thanh bình cùng cảnh vật, con người nơi đây.

Chùa Mía ở làng cổ Đường Lâm mang nét đặc trưng của những ngôi chùa xưa ở Bắc Bộ.
Chùa Mía ở Làng cổ Đường Lâm mang nét đặc trưng của những ngôi chùa xưa ở Bắc bộ.

Anh  Quốc Thái (TP. Cần Thơ) đến thăm Làng cổ Đường Lâm chia sẻ: “ Cũng là làng cổ nhưng Đường Lâm rất khác so với Làng cổ Đông Hòa Hiệp (tỉnh Tiền Giang), có lẽ do đặc trưng vùng miền nên kiến trúc, nghệ thuật đều có nét đặc trưng riêng. Nếu nhà cổ ở Làng cổ Đông Hòa Hiệp có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 5 gian rộng rãi. Ở trong nhà, các kèo, ô cửa, bao lan bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn và nhiều họa tiết đặc trưng văn hóa Nam bộ thì nhà cổ Đường Lâm là đặc trưng một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình,… Từ cổng làng đi vào trên những con đường lát gạch, giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến du khách cảm nhận được sự cổ kính, bình yên nơi này. Dạo quanh làng cổ chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo trong không gian yên tĩnh và xinh đẹp này, thời gian trôi đi thật chậm giúp người ta quên hết sự mệt mỏi sau những ngày làm việc vất vả.

làng còn nổi tiếng là nơi lưu giữ những nghề truyền thống, như: sản xuất rượu
Làng cổ Đường Lâm còn nổi tiếng là nơi lưu giữ những nghề truyền thống, như: Sản xuất rượu, làm tương, làm bánh Chè Lam nổi tiếng.

Làng cổ Đường Lâm không chỉ nổi tiếng với ngôi nhà cổ kính hằng trăm tuổi, mà còn nổi tiếng là nơi vẫn còn lưu giữ những nghề truyền thống, như: Sản xuất rượu và làm tương nổi tiếng hàng nghìn năm nay.

Các bậc cao niên ở làng cổ Đường Lâm vẫn thích ăn trầu.
Các bậc cao niên ở Làng cổ Đường Lâm vẫn thích ăn trầu như gìn giữ một nét văn hóa truyền thống.

Làng cổ Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (2006). Ngày nay, ngôi làng vẫn giữ được lối kiến trúc, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của một ngôi làng xưa ở miền Bắc. Nhiều du khách phương xa đến Hà Nội đều mong muốn ghé thăm Làng cổ Đường Lâm một lần, để được ngắm vẻ đẹp trầm mặc của làng cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu...

THU HOÀI

.
.
.