Chủ Nhật, 13/10/2019, 18:13 (GMT+7)
.

'Nude' ở Mã Pì Lèng: Không phù hợp văn hoá, ảnh hưởng tới giới trẻ

 “Hãy thử tưởng tượng trường hợp rất nhiều bạn trẻ đồng loạt kéo tới một danh lam thắng cảnh nào đó, ‘khoe thân’ và bao biện rằng ‘đang bảo vệ thiên nhiên’ thì sẽ phản cảm và nguy hại đến mức nào?”

Trong những ngày gần đây, khi câu chuyện về tòa nhà Panorama xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) khiến dư luận bức xúc thì hành động phản cảm (không mặc quần áo, lái xe môtô đến địa điểm được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia này) của bốn người đàn ông khiến cộng đồng mạng tiếp tục “dậy sóng.”

Những câu chuyện liên quan đến Mã Pì Lèng thời gian qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. (Ảnh: TTXVN)
Những câu chuyện liên quan đến Mã Pì Lèng thời gian qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. (Ảnh: TTXVN)

Sự việc trên cùng với những vụ việc, hành động phản cảm (chụp ảnh khỏa thân, quay clip bán nude… tại các di tích, danh thắng đã được xếp hạng) diễn ra trong thời gian qua đặt ra vấn đề về sự “lệch lạc” trong nhận thức, hành động, cách ứng xử với di sản. Nhìn rộng ra, thực tế này còn cho thấy “khoảng trống” trong việc xây dựng, tuyên truyền quy tắc ứng xử tại các địa điểm công cộng cũng như quy định, chế tài nghiêm khắc đối với những vụ việc vi phạm.

“Lời bao biện phản cảm!”

Tối 8/10 vừa qua, một đoạn clip dài khoảng năm phút ghi lại việc bốn người đàn ông khỏa thân, lái xe môtô tới Panorama Mã Pì Lèng làm “dậy sóng” mạng xã hội. Sau khi bị cộng đồng chỉ trích mạnh mẽ, một người đàn ông đại diện nhóm lên tiếng xin lỗi và đưa ra lời giải thích rằng, hành động đó nhằm “bảo vệ môi trường.”

Nhìn nhận về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Nam (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đó là hành động và lời bao biện phản cảm, thiếu tôn trọng cộng đồng! “Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đang rất ‘nóng’ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua. Thực tế, ở nước ngoài, việc một số cá nhân chụp ảnh nude với lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên vẫn tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta không thể tùy tiện ‘bê’ nguyên cách làm này về Việt Nam và cũng không thể tùy tiện nhân danh ‘bảo vệ môi trường’ để bao biện cho hành động của mình,” ông Nam nói.

Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, hành động nói trên không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ. Trên thực tế, có nhiều cách làm thiết thực nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường như phân loại rác, hạn chế xả rác (đặc biệt là rác thải nhựa), tham gia các chương trình tình nguyện thu gom rác tại những nơi ô nhiễm, địa điểm công cộng…

“Có những việc làm tưởng đơn giản (như để rác đúng nơi quy định) nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi cho rằng, nếu thực sự có ý thức bảo vệ môi trường, thay vì việc tuyên truyền theo kiểu ‘đao to búa lớn’ hay tạo ra những ‘trò lố,’ hành động phản cảm, mỗi cá nhân nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả thiết thực như trên. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu một ngày, rất nhiều bạn trẻ đồng loạt kéo tới một danh lam thắng cảnh nào đó, cởi đồ, ‘khoe thân’ và bao biện rằng ‘đang kêu gọi cộng đồng bảo vệ thiên nhiên’ thì sẽ phản cảm và nguy hại đến mức nào?” ông Nam đặt vấn đề.

Hội An đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hội An đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Cần đưa ra những quy định cụ thể

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng “dậy sóng” vì những hình ảnh, hành động phản cảm như vậy tại các di tích, danh lam thắng cảnh… Khoảng giữa tháng Chín vừa qua, tài khoản T.M.H đăng tải trên trang facebook cá nhân một đoạn clip ghi lại hình ảnh bán nude (nhân vật cầm nón lá che vòng một, tạo dáng phản cảm) tại một nóc nhà ở khu di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam). Kèm theo clip trên là dòng trạng thái: “Khoảng trời này là của riêng em.”

Trước đó, vào tháng Tư, việc một cặp đôi đưa bộ ảnh nude chụp tại danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) cũng nhận nhiều chỉ trích của công chúng; trong đó, có ý kiến cho rằng, đó là bộ ảnh “bôi bẩn Đà Lạt.”

Trước “làn sóng” phản đối của dư luận, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin. Dẫu vậy, hình thức xử lý được đưa ra đối với hành động trên chỉ là… nhắc nhở!

Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, Điều 5 - Nghị định 72/2016/NĐ-CP (ngày 1-7-2016) về hoạt động nhiếp ảnh quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh là: “Không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật.”

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định chi tiết việc cấm chụp ảnh nude tại địa điểm công cộng, danh lam thắng cảnh. Việc chụp những bộ ảnh như đã đề cập ở trên thuộc về nhận thức, ý thức.

Từ đó, tiến sỹ Nguyễn Nam đề xuất: “Để tránh những trường hợp tương tự tái diễn, tác động tiêu cực đến nhận thức của công chúng và gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế, các cơ quan chức năng cần xây dựng những bộ tiêu chí cụ thể quy định rõ trang phục, những việc được làm, việc không được làm… tại các di tích, danh lam thắng cảnh, địa điểm công cộng.”

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Tất cả những tiêu chí, quy định này cần được phổ biến rộng rãi đến cộng đồng.

Ở góc độ khác, ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng, bên cạnh trách nhiệm sang ngành văn hóa, cần nhìn rộng ra về sự tương tác của các thành tố trong tổng thể chung của toàn xã hội.

“Nếu chỉ có lĩnh vực văn hóa siết chặt quản lý, trong khi các ngành khác (như giáo dục) không cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ không cao. Hơn nữa, việc tuyên truyền cần phải được thực hiện linh hoạt bằng nhiều phương tiện, hình thức khác nhau (truyền thông mạng xã hội, các bài học trong nhà trường…) với từng nhóm đối tượng, độ tuổi khác nhau,” ông Quốc nói.

(Theo TTXVN)

.
.
.