Nghệ thuật chơi tủ thờ của người dân vùng Gò Công
Theo quan niệm xưa, để tưởng nhớ về nguồn cội, tổ tiên, ông bà, trong gia đình người dân ở vùng Gò Công thường lập bàn thờ để cúng bái. Vì thế chiếc tủ thờ thường được xem là “bảo vật” trong mỗi ngôi nhà truyền thống của người dân vùng này. Chiếc tủ thờ chính là biểu tượng cội nguồn, là sợi dây liên kết gia đình, dòng họ và nhiều thế hệ người dân vùng Gò Công từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Do chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nên người dân vùng Gò Công thường đưa các điển tích vào trang trí cho chiếc tủ thờ thêm uy nghiêm, lộng lẫy với nhiều triết lý và trường phái khác nhau như: Các tiểu cảnh tứ linh long, lân, quy, phụng hoặc tiểu cảnh tứ quý mai, lan, trúc, cúc hay “Nhị thập tứ hiếu”, “Quan Công phò nhị tẩu”, phước, lộc, thọ… Điều đặc biệt là, kỹ thuật phân bổ các trụ không theo 4 góc tủ như truyền thống, mà nâng lên thành 5 góc với 9 trụ, 11 trụ, 13 trụ, 15 trụ, 17 trụ, 19 trụ và 29 trụ với các bộ đũa, chỉ đắp hoa mỹ, được cẩn trai hoặc ốc xà cừ, hoa văn sáng lấp lánh.
Qua các hình ảnh biểu đạt trên chiếc tủ thờ, người dân vùng Gò Công gửi gắm việc giáo dục truyền thống hiếu nghĩa của con cháu và sự an khang thịnh vượng của xã hội. Mặt tiền của tủ thờ Gò Công được chia thành 2 phần, chính giữa là những trụ đỡ, những chiếc tủ thờ “để đời” thường được đóng bằng danh mộc chắc chắn như: Cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, căm xe... Các nghệ nhân đóng tủ thờ đã khéo léo khi sử dụng kỹ thuật kết nối tinh xảo bằng ngàm, mộng, chốt gỗ, hoàn toàn không sử dụng các loại đinh hay sắt thép. Nếu như kỹ thuật lắp ráp danh mộc theo truyền thống làm nên cái cốt, thì tinh hoa của nghệ thuật chạm, cẩn xà cừ đã làm nên hồn của những tác phẩm tủ thờ Gò Công tuyệt hảo, được dân gian đúc kết bằng câu nói bất hủ: “Nhất tủ Gò Công, nhì salông Sông Bé”.
Những người đến với nghề làm tủ thờ ở Gò Công đều có sự đam mê, khéo léo, nên các sản phẩm của họ thực sự là những tác phẩm nghệ thuật chỉn chu. Qua bàn tay tài hoa, tâm huyết, khiếu thẩm mỹ, óc sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của các nghệ nhân đã tạo ra chiếc tủ thờ truyền thống Gò Công mang thông điệp ẩn chứa nhiều giá trị vật chất, tinh thần và mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian vùng Gò Công. Trong nhiều gia đình người dân vùng Gò Công, tủ thờ được đặt trang trọng ở giữa gian nhà, thể hiện tấm lòng tri ân, tình cảm thiêng liêng của ông bà, con cháu với những người đã khuất. Ngoài mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên, chiếc tủ thờ còn là nơi để cất giữ đồ vật quý giá của gia đình và còn là vật trang trí uy quyền, góp phần tạo nên không gian sống sang trọng của mỗi ngôi nhà.
Nếu như trong nghệ thuật chơi cây kiểng thì người dân vùng Gò Công dùng tri thức, sự hiểu biết của mình để sáng tạo ra các thế cây đẹp, đặc trưng tính cách con người Gò Công; thì trong nghệ thuật chơi tủ thờ, một lần nữa người dân vùng Gò Công đã nâng thành đỉnh cao nghệ thuật sáng tạo khi biến những khối cây, khúc gỗ vô tri, vô giác thành những tác phẩm hoàn hảo, đẳng cấp về nội dung lẫn hình thức mà không xen lẫn với bất kỳ sản phẩm tủ thờ nào, điều đó đã tạo ra thương hiệu “tủ thờ Gò Công”, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Gò Công vang danh trong cả nước.
Nếu là người biết chơi tủ thờ thì họ không mua những chiếc tủ đã đóng sẵn và bán trên thị trường, mà tìm đến cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống ở ấp Ông Non, xã Tân Trung, TX. Gò Công để đặt một chiếc tủ theo ý thích của mình. Thời gian đóng tủ có thể vài tháng hoặc cả năm nhưng họ sẵn sàng chờ đợi để sở hữu một chiếc tủ thờ theo sở thích. Điều đặc biệt là, trong nghệ thuật chơi tủ thờ của người dân vùng Gò Công không có sự trao đổi hay mua đi bán lại, mà họ chỉ mua, sử dụng và tiếp tục trao truyền cho các thế hệ con, cháu trong gia đình để thờ cúng ông bà, tổ tiên theo đạo lý ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.
ThS. LÊ HỒNG QUÂN