.

Nghệ nhân Hồng Tươi: Độc đáo với ngón đờn kìm

Cập nhật: 18:32, 08/01/2020 (GMT+7)

Ở nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những ai yêu thích đờn ca tài tử (ĐCTT) hẳn không còn xa lạ với ngón đờn kìm của Nghệ nhân Ưu tú - Nhạc sĩ Bùi Hồng Tươi (Hồng Tươi). Tiếng đờn trầm bổng thiết tha, sâu lắng, đi vào lòng người của Hồng Tươi đã khiến giới chuyên môn và người mộ điệu nể phục. Hiện anh được xem là nghệ nhân khá hiếm hoi tại Tiền Giang đờn đúng điệu nghệ của nghệ thuật ĐCTT.

Ngón đàn kìm độc đáo của nghệ nhân Hồng Tươi đã làm mê mẩn người nghe.
Ngón đàn kìm độc đáo của nghệ nhân Hồng Tươi đã làm mê mẩn người nghe.

Nghệ nhân Hồng Tươi kể, cha anh là người mê ĐCTT. Anh thường theo cha mỗi khi đi đờn đám tiệc nên mê đờn khi nào không hay. Khi 17 tuổi, anh được cha thuê thầy đờn từ Sài Gòn về tận nhà để dạy. Anh được làm quen với cây đờn kìm dưới sự hướng dẫn của các thầy đờn Ba Phụng, Thanh Tượng là những người chuyên đờn cho các nghệ sĩ nổi tiếng của Đoàn cải lương Kim Chung 2 ngày trước như Minh Vương, Minh Cảnh... Sau này, anh còn học thêm thầy đờn Ba Tu, xuất thân từ ĐCTT và rất giỏi về ngón đờn kìm. “Thọ giáo 3 người thầy cùng với đam mê, kinh nghiệm và trong quá trình lưu diễn, tôi đã tích cóp cho ngón đờn của mình thêm nhiều cung bậc cảm xúc. Song, muốn đạt được độ chín trong nhấn nhá của ngón đờn kìm thì không phải ai cũng làm được. Do đó, để nâng cao tay nghề, tôi còn học hỏi thêm từ những bản đờn của các bậc danh đờn đàn anh như Văn Luyện, Năm Vĩnh, đặc biệt là nghe điệu đờn Phương Nam, Cung Thương Hòa Điệu của danh cầm Ba Tu và học đờn theo, dần dần tiến bộ, sáng tạo ra nét riêng của mình” - nghệ nhân Hồng Tươi chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú - Nhạc sĩ Hồng Tươi rất nhiệt tình tham gia các hoạt động ĐCTT của tỉnh nhà; đồng thời, được mời tham gia nhiều hội thi, hội diễn lớn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL như: Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… Mặc dù hiện nay có nhiều người đờn kìm nổi tiếng nhưng ngón đờn của nghệ nhân Hồng Tươi vẫn có độ mượt mà, luyến lái, kỹ thuật bài bản, nhất là thể hiện chất nghệ sĩ trong tiếng đờn, tạo nét rất riêng của ngón đờn Hồng Tươi. Đây là một trong những nhân tố đầy triển vọng của ĐCTT ĐBSCL.

TRƯỞNG PHÒNG QUẢN LÝ VĂN HÓA - SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NGUYỄN THANH HẢI

Theo phân tích của nghệ nhân Hồng Tươi, ĐCTT rất đa dạng, chẳng hạn như đơn giản là điệu 3 bài Nam gồm Nam Xuân, Nam Ai, Song Cước; 6 bài Bắc gồm Lưu Thủy, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán, Tây Thi, Cổ Bản nhưng mỗi bài cũng dài 50 - 60 câu nên phải học kỹ từ căn bản rồi dần nâng cao. Khi đã nằm lòng 20 bài bản tổ của nghệ thuật ĐCTT thì mới nghiên cứu đến việc sáng tạo hay biến tấu, ví dụ như biến tấu từ nhịp 1 biến ra nhịp 4... Thầy dạy đờn chỉ dạy căn bản, còn bản thân mỗi người cảm thụ và “thêm hoa thêm lá” sao cho tiếng đờn trầm bổng, thiết tha mà vẫn đúng điệu nghệ. “Phải đam mê đờn và nâng niu nó như người tình thì mới có thể đờn lên tay. Tiếng đờn từ trái tim mình mới là tiếng đờn mùi mẫn, đã cầm cây đờn là không được đờn dối, đờn lừa hay ỷ thế ngón đờn tài hoa của mình mà lấn át bạn đờn” - nghệ nhân Hồng Tươi đúc kết.

Có thể nói, với nghệ nhân Hồng Tươi, ĐCTT như đã ăn vào máu thịt và tiếng đờn của anh đã khiến giới chuyên môn cũng như người mộ điệu nể phục. Do đó, khi nói đến tài nghệ đờn kìm độc đáo của nghệ nhân Hồng Tươi, Nghệ nhân Ưu tú - Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang hết lời ca ngợi. Soạn giả Huỳnh Anh cho rằng, Hồng Tươi là nhạc sĩ, nghệ nhân có ngón đờn chắt chiu sâu sắc, đạt đến đỉnh cao. Soạn giả còn chia sẻ về sự ngạc nhiên trong lần đầu tiên ông nghe Hồng Tươi nhấn “chữ xang” trong ĐCTT ở một cuộc tuyển chọn nghệ sĩ đờn đại diện Tiền Giang tham gia Liên hoan ĐCTT Nam bộ ở TP. Hồ Chí Minh.

 

Theo tư liệu của nhiều sách, báo, ngày xưa dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hay ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo), đờn kìm vẫn giữ vai trò lĩnh xướng. Trong nhạc tài tử cải lương, bài bản dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn kìm; người học ca, các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm. Chính vì vậy, đờn kìm (nguyệt cầm) được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ khác và muốn đờn kìm hay là phải chịu khó rèn luyện kiên trì.

“Lúc ấy, nghệ nhân Hồng Tươi mới 20 tuổi nhưng đã làm cho giới nhạc sĩ trong cuộc tuyển chọn đó đặc biệt chú ý khi nhấn “chữ xang”, bởi “chữ xang” trong ĐCTT là rất khó mà Hồng Tươi nhấn “chữ xang” nức nở như người có tâm sự kể về trạng thái của mình bằng hơi thở, con tim, rất mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá của Hồng Tươi có thể nói là tuyệt vời, chữ rung, chữ nhấn, xử lý nhịp vô cùng sành sỏi, bài bản, sâu lắng thấm vào tận tâm hồn người cảm thụ. Mỗi cây đờn có chất riêng, đờn kìm thì chậm, sâu lắng, gảy từng chữ một mà nghe nó thấm nó sâu, đờn sến thì reo vui… và Hồng Tươi đã đờn ra được cái chất của đờn kìm” - soạn giả Huỳnh Anh nhớ lại.

Soạn giả Huỳnh Anh nhận xét thêm, bên cạnh hệ thống bài bản tài tử rất chắc thì nghệ nhân Hồng Tươi còn là nhạc sĩ rất có tâm với nghề. Dù đờn hay đạt nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc nhưng Hồng Tươi luôn khiêm tốn, tận tâm truyền dạy nghề cho thế hệ sau. Tiền Giang cũng có nhiều người đờn kìm nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện ai đờn qua nghệ nhân Hồng Tươi.  Tài nghệ của Hồng Tươi được xem như là vốn quý của ĐCTT Tiền Giang nói riêng và của Nam bộ nói chung.

TUỆ MẪN

.
.
.