Độc đáo với nghề chưng nghi, tạo hình Hoa Quả
Chưng nghi, tạo hình hoa quả, linh thú vốn không xa lạ với nhiều người, nhưng để tạo được hình đẹp mắt thì không nhiều người làm được. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ đã có hơn 40 năm gắn bó với loại hình nghệ thuật chưng nghi, tạo hình hoa quả, linh thú, nghệ nhân Ngô Văn Nhớ (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã “thổi hồn” vào các loại hoa quả để trở thành những tác phẩm vô cùng đẹp mắt, cầu kỳ và công phu.
Chú Ba Nhớ tạo hình linh thú tại Lễ hội Kỳ Yên huyện Gò Công Tây năm 2020. |
Có mặt tại huyện Gò Công Tây, chứng kiến chú Ba Nhớ tạo hình hoa quả phục vụ Lễ hội Kỳ Yên, chúng tôi mới cảm nhận hết sự khéo léo tài hoa từ đôi bàn tay của chú.
Theo chú Ba Nhớ, điểm cốt lõi của thú chơi chưng nghi này là biết cách lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa những loại hoa quả, lá với nhau để tạo nên tác phẩm có tính nghệ thuật. Việc tạo hình tác phẩm đẹp hay xấu còn phụ thuộc rất nhiều vào bộ khung để trang trí.
Đam mê với nghề, từ đôi bàn tay khéo léo, chú Ba Nhớ làm ra nhiều tác phẩm nghệ thuật chưng nghi, tạo hình hoa quả độc đáo.
Chưng nghi, tạo hình hoa quả, linh thú làm sao để cho mọi thứ hài hòa luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của bàn tay người thợ. Trên hết, cần có một vốn kiến thức phong phú về văn hóa, lịch sử để thể hiện tác phẩm có chiều sâu, kết nối được ý tưởng nghệ nhân và cảm xúc người xem. Bởi tác phẩm nghệ thuật nào cũng hướng đến mục tiêu cuối cùng là tính chân, thiện, mỹ… NGHỆ NHÂN NGÔ VĂN NHỚ |
Đó có thể là những tác phẩm được trang trí trong đám tiệc, trưng bày trong các lễ hội, đền, chùa, đình, miếu… nhưng điều đáng nói là tất cả những tác phẩm chưng nghi, tạo hình hoa quả của chú Ba Nhớ đều rất có hồn và sinh động được giới trong nghề đánh giá cao.
Theo kinh nghiệm của chú Ba Nhớ, tùy theo sự kiện mà chọn cách trang trí, tạo hình phù hợp. Đối với hình tượng linh vật, để tạo hình phải thể hiện được bản chất linh vật, ví dụ như khi làm rồng thì phải thể hiện được sức mạnh, sự uyển chuyển của rồng.
Đối với các tác phẩm trưng bày tại các đám cưới, hỏi phải thể hiện được tinh thần vui tươi, sự gắn kết gia đình. Những tác phẩm về nhân vật lịch sử, cảnh sắc quê hương phần lớn có màu sắc tươi sáng, kích cỡ lớn…
Tùy vào kích thước, các tác phẩm nghệ thuật chưng nghi, tạo hình hoa quả của chú Ba Nhớ có các mức giá chênh lệch khác nhau từ 1,5 đến 30 triệu đồng/sản phẩm. Mỗi năm, chú Ba Nhớ cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành phố trên
cả nước.
Theo chú Ba Nhớ, nổi bật và phổ biến nhất trong các hình tượng nghệ thuật chưng nghi, tạo hình hoa quả là hình tượng “Tứ linh”, 4 con vật “thiêng” gồm Long (rồng), Phụng (Phượng Hoàng), Lân (Kỳ Lân) và Linh quy (rùa thiêng) nhưng tiêu biểu nhất trong “Tứ linh” là Long và Phụng. “Long và Phụng vốn là biểu tượng rất cao quý.
Long tiêu biểu cho người cha, người chồng, người quân tử, hoàng đế; còn Phụng là biểu tượng của người phu nhân, người vợ, hoàng hậu. Sự kết hợp của Long và Phụng là biểu tượng tuyệt vời của hạnh phúc lứa đôi, sự may mắn thịnh vượng về công danh, tài lộc và địa vị xã hội.
Vì vậy, sản phẩm mang biểu tượng “Tứ linh” được đa phần các địa phương và người dân chuộng làm vào những dịp lễ tết, hội xuân” - chú Ba Nhớ chia sẻ.
Chú Ba Nhớ cho biết, chú đến với nghề chưng nghi, tạo hình hoa quả như một mối duyên. Hơn 40 năm trước, lần đầu tiên nhìn thấy những tác phẩm tạo hình trái cây nghệ thuật ở Tòa thánh Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), chú đã bị cuốn hút và đem lòng say mê.
Có lẽ nhờ có năng khiếu với nghệ thuật nên chú học nghề khá nhanh. Năm 20 tuổi, chú bắt đầu vào nghề chưng nghi, tạo hình hoa quả, linh thú. Lúc đầu chưa thành công, chú làm không ra dáng linh vật, nhưng nhờ kiên trì, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng chú cũng sống được với nghề cho đến nay.
Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng chú Ba Nhớ vẫn không ngại vất vả đi đến nhiều huyện, thị, thành trong tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh để phục vụ chưng nghi, tạo hình hoa quả khi có nhu cầu. Hy vọng chú Ba Nhớ luôn có sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghệ thuật chưng nghi, tạo hình hoa quả, linh thú góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.
DÂN AN