Nguyễn Chánh Tín: Biểu tượng không dễ thay thế
Trong hơn 5 thập niên hoạt động điện ảnh, Nguyễn Chánh Tín đã đóng hàng chục bộ phim, thậm chí ông còn thành lập hãng phim, làm nhà sản xuất, đạo diễn; nhưng với khán giả, chỉ cần vai diễn Nguyễn Thành Luân trong loạt phim tình báo Ván bài lật ngửa, ông đã trở thành một biểu tượng khó thay thế trên màn ảnh.
Nam diễn viên nổi tiếng nhất thập niên 1980
Nguyễn Chánh Tín tham gia hoạt động giải trí từ rất sớm, từ những năm đầu thập niên 1970 tại Sài Gòn. Nhờ ngoại hình điển trai nam tính và giọng hát truyền cảm, chàng sinh viên Nguyễn Chánh Tín đã nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên qua những ca khúc của Phạm Duy, Huyền Anh, Từ Công Phụng và cả những ca khúc ngoại quốc.
Năm 1973, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc phát hiện khả năng diễn xuất của ông trong bộ phim Đời chưa trang điểm. Dù chỉ là một vai thứ chính, Nguyễn Chánh Tín đã đoạt giải Nam diễn viên mới xuất sắc bên cạnh giải Kim Khánh ở lĩnh vực âm nhạc. Một năm sau đó, ông tiếp tục được đạo diễn Lê Mộng Hoàng mời đóng vai chính trong bộ phim Vĩnh biệt tình hè, một trong những bộ phim ăn khách của Sài Gòn trước 1975.
Sau 1975, Nguyễn Chánh Tín và vợ, ca sĩ Bích Trâm, tham gia ca hát và diễn kịch trong đoàn của nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng và đóng một số phim nhưng không mấy nổi tiếng. Cơ hội lớn đến với Nguyễn Chánh Tín khi ông được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chọn đóng vai chính - Nguyễn Thành Luân trong bộ phim tình báo Ván bài lật ngửa. Vai Nguyễn Thành Luân biến Nguyễn Chánh Tín thành nam diễn viên nổi tiếng nhất trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là vai diễn để đời nhất của ông.
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân - vai diễn để đời trong phim Ván bài lật ngửa - Ảnh tư liệu
|
Sinh ra để đóng Nguyễn Thành Luân
Ra mắt tập đầu tiên vào năm 1982, giai đoạn nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn rất khó khăn sau chiến tranh vì chính sách cấm vận của Mỹ, Ván bài lật ngửa lập tức gây chấn động đối với khán giả đương thời. Bộ phim gắn bó với nhiều thế hệ khán giả khắp toàn quốc, đặc biệt là thời phim chiếu bãi và đến nay vẫn giữ kỷ lục là bộ phim điện ảnh dài tập nhất, ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam.
Bộ phim (tám tập phim tiếp nối, kéo dài từ năm 1982 - 1987) được chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng và do chính ông (với bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý) chấp bút kịch bản điện ảnh.
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (ông lấy tên Khôi Nguyên cho loạt phim này), với kinh nghiệm của một nhà làm phim được đào tạo tại Mỹ và có nhiều năm làm phim ăn khách của điện ảnh Sài Gòn trước 1975, sáng tạo một lần nữa với kịch bản phân cảnh và sửa đổi khá nhiều chi tiết, thêm nhiều nhân vật phản diện đặc sắc và đổi lại nhan đề là Ván bài lật ngửa.
Sự thành công vang dội của loạt phim này đã khiến nhà văn Trần Bạch Đằng sử dụng luôn nhan đề của bộ phim cho cuốn tiểu thuyết khi xuất bản vào năm 1986 và được tái bản rất nhiều lần.
Ngay từ cảnh mở đầu được lặp lại qua mỗi tập phim - Nguyễn Thành Luân bước xuống xe, vóc dáng cao ráo lãng tử, gương mặt thanh thoát nhưng rất đàn ông trong bộ măng tô và chiếc mũ phớt, bước vào rừng cao su với những nét suy tư trên gương mặt - nhân vật này đã lập tức gây ấn tượng và "đóng đinh" vào trí nhớ khán giả.
Lối diễn xuất trầm tĩnh, cách nhả thoại từ tốn và phát huy sức mạnh nội tâm trên gương mặt trong những cảnh cận hay đặc tả, Nguyễn Chánh Tín như sinh ra để vào vai Nguyễn Thành Luân hay ngược lại, vai diễn này được tạo ra để dành cho ông.
Chính nhà văn, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng cũng nhận xét: "Diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người". Vai diễn này đã giúp Nguyễn Chánh Tín giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 vào năm 1985, khi loạt phim mới chiếu hết tập thứ 4.
Chất hình sự, điệp báo với những màn đấu trí chậm rãi, trầm tĩnh nhưng cân não và căng thẳng, xen kẽ với những màn hành động lôi cuốn, trong đó Nguyễn Chánh Tín thực hiện nhiều cảnh đối đầu cận chiến trên canô, đấu súng... khiến ông trở thành một biểu tượng nam tính trên màn ảnh Việt mà đến nay vẫn chưa có người thay thế.
Một thách thức không dễ vượt qua
Có được một vai diễn biểu tượng kéo dài xuyên suốt gần cả một thập kỷ, đó vừa là một niềm tự hào lớn vừa là một thách thức không dễ vượt qua đối với một diễn viên. Sau khi thoát khỏi hình bóng của Nguyễn Thành Luân, ông phải chật vật để khẳng định tên tuổi của mình.
Trong thập niên 1990, thời phim mì ăn liền bùng nổ, Nguyễn Chánh Tín trở thành đạo diễn và nhà sản xuất của một số phim kinh dị ăn khách như Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người... Tuy nhiên, do điện ảnh Việt Nam suy thoái trong những năm đầu 2000, ông thành lập hãng phim, sản xuất, đạo diễn nhiều bộ phim thua lỗ và từng phải bán nhà để trả nợ.
Nguyễn Chánh Tín lui về ở ẩn và thi thoảng tham gia một số phim giải trí của các đạo diễn thế hệ con cháu, trong đó có Dòng máu anh hùng, Cưới ngay kẻo lỡ, Fan cuồng hay Em chưa 18 của đạo diễn Charlie Nguyễn hay Lê Thanh Sơn.
Xin vĩnh biệt ông, một biểu tượng không dễ thay thế của điện ảnh Việt Nam.
(Theo tuoitre.vn)
.