.

Tết xa quê của du học sinh

Cập nhật: 21:21, 22/01/2020 (GMT+7)

Hiện nay, có nhiều du học sinh Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng đã đặt chân đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới để học tập. Khi ra nước ngoài học tập, mỗi du học sinh đều mang trong mình những nỗi niềm riêng nhưng chung quy lại là nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhất là vào mỗi dịp tết đến xuân về. Tuy nhiên, không phải du học sinh nào cũng được sum họp với gia đình để đón tết cổ truyền của dân tộc, mà hằng năm vẫn có nhiều du học sinh Việt Nam, trong đó có Tiền Giang phải xa quê, đón tết nơi xứ người với biết bao nỗi niềm và cảm xúc.

Tết với du học sinh người Tiền Giang là những trải nghiệm đáng nhớ.
Tết với du học sinh người Tiền Giang là những trải nghiệm đáng nhớ.

Tết là dịp để sum họp, đoàn viên, nhưng vì nhiều lý do mà có không ít du học sinh của Tiền Giang đã không kịp về quê vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Mặc dù phải đón tết cổ truyền của dân tộc nơi xứ người với nỗi nhớ nhà, nhớ quê khôn nguôi nhưng các bạn du học sinh vẫn chuẩn bị một cái tết đầm ấm và đậm chất Việt Nam, với bánh chưng, mâm cỗ cúng gia tiên, đi chùa cầu an… để vơi đi nỗi nhớ quê hương.   

ẤM ÁP BỮA CƠM TẤT NIÊN

Ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, bạn Nguyễn Thị Phương Thảo (cựu học sinh Trường THPT Chuyên Tiền Giang) đã lên đường sang New Zealand để theo học ngành Tài chính tại Trường Đại học Waikato. Với bản tính năng động, thích thử thách nên Phương Thảo quyết tâm đi ngay thời điểm gia đình đang chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc để được trải nghiệm cảm giác ăn tết nơi xứ người xem có khác gì so với ở Việt Nam.

Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ nhưng ngay từ những ngày đầu đặt chân đến xứ người, Phương Thảo không khỏi bỡ ngỡ và cảm thấy cô đơn. Ngay thời điểm đó, Phương Thảo may mắn được các anh chị người Việt Nam đang sống tại TP. Hamilton (New Zealand) mời dùng buổi tiệc tất niên.

Phương Thảo cho biết, bữa cơm đầu năm mới nơi xứ người không khác gì mâm cơm ngày tết cổ truyền ở Việt Nam, có đủ bánh chưng, bánh tét, thịt kho, canh khổ qua dồn thịt... Được vui chơi, giao lưu cùng với mọi người, dần dà cảm giác nhớ nhà trong Thảo vơi đi. Và 2 cái Tết Nguyên đán tiếp theo, Phương Thảo và một vài người bạn đã đến Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Wellington để đón tết cùng rất nhiều người Việt Nam tại New Zealand.

“Ở New Zealand, có rất ít người châu Á đón Tết Âm lịch, mọi hoạt động vào những ngày này đều diễn ra bình thường, mọi người vẫn đi học, đi làm…” - Phương Thảo cho biết. 

Tết Nguyên đán 2019 vừa qua, lần đầu tiên bạn Trần Mạnh Khang (phường 3, TP. Mỹ Tho) đang theo học tại Trường Đại học Deagu, TP. Deagu (Hàn Quốc) đón tết xa nhà ở xứ sở kim chi. Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Khang cũng không về Việt Nam ăn tết cùng gia đình, mà sẽ đón năm mới cùng gia đình chị gái ở Hàn Quốc. May mắn Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đón Tết Âm lịch nên Khang cũng được nghỉ vài ngày để ăn tết. Theo dự tính của Khang, tết này, Khang sẽ rủ thêm vài người bạn thân đến đón tết ở nhà chị gái, tổ chức nấu các món ăn Việt Nam cũng như Hàn Quốc rồi cùng thưởng thức, quây quần bên nhau cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê…

CÚNG GIA TIÊN VÀ ĐI CHÙA CẦU AN

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, người Việt dù ở bất cứ nơi nào cũng đều khắc ghi công lao của tổ tiên, của các đấng sinh thành. Và một trong những tục lệ trở thành truyền thống của dân tộc vào mỗi khi tết đến xuân về là cúng bàn thờ gia tiên và đi chùa cầu an đầu năm. Mặc dù ở xứ người nhưng các bạn du học sinh vẫn duy trì nét đẹp truyền thống này trong những ngày đầu năm mới.

Bạn Nguyễn Thị Anh Tú (du học sinh ở Anh) chia sẻ, năm nay, em lại tiếp tục lần thứ 3 đón tết cổ truyền của dân tộc nơi xứ người. Tú cho biết, cứ mỗi lần tết đến, em và bạn cùng phòng lại hối hả mua bánh tét, thịt kho, củ kiệu… để chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên. Mặc dù ở Anh lệch múi giờ so với Việt Nam là 7 giờ đồng hồ, nhưng Tú cùng những người bạn của mình vẫn canh đúng thời khắc giao thừa của Tết Nguyên đán Việt Nam để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà và cầu cho năm mới an lành, may mắn trong học tập cũng như công việc.

“Dù ở Anh nhưng Tú và các bạn vẫn thường hay đi chùa cầu an tại London hoặc Birmingham, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam. Đây cũng là dịp được gặp nhiều đồng hương người Việt Nam để thấy tết xa nhà thêm ấm áp tình quê” - Tú chia sẻ.

Theo bạn Phan Thị Diễm My (du học sinh ở Anh), chùa ở bên nước Anh có kiến trúc khá giống chùa ở Việt Nam. Vào những ngày đầu của tết cổ truyền dân tộc, nhiều người Việt Nam mặc áo dài tìm đến chùa để cầu an cho bản thân, gia đình và mong một năm mới an lành đến với mọi người. Đi chùa cầu an là nét đẹp truyền thống của Việt Nam vào dịp tết cổ truyền nhưng ở Anh vẫn có nhiều người nước ngoài đến chùa thắp hương, xin lộc đầu năm cùng với người Việt. 

Tết Nguyên đán của du học sinh Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng ở nước ngoài thật thú vị. Đó là những cái tết đầy kỷ niệm với những trải nghiệm không thể nào quên của các bạn trên hành trình chinh phục tri thức. Dù đón tết cổ truyền của dân tộc ở bất cứ nơi đâu thì những người Việt Nam, trong đó có người Tiền Giang vẫn vẹn nguyên tình yêu quê hương, đất nước với niềm tự hào dân tộc.

Đ.PHI

.
.
.