Thứ Ba, 28/01/2020, 14:38 (GMT+7)
.

Tiền Giang - "Cô gái đẹp" miền Tây

 
Từ khi có Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 5-4-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh có thêm động lực “cất cánh”, với lượng khách đến Tiền Giang liên tục tăng cao, khẳng định định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là đúng hướng.
 
1. Với vị trí đắc địa nằm bên bờ sông Tiền, cửa ngõ về miền Tây Nam bộ, lại có bờ biển dài hàng chục kilômét, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cảnh trí sông nước hữu tình, sinh thái đa dạng, độc đáo, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, người dân sống chân chất, nhiệt tình… chính là tiềm năng và thế mạnh để Tiền Giang phát triển du lịch. 
 
a
Du khách tập ăn trầu. Ảnh: Lê Phước Hiếu
 
Nếu đến Tiền Giang du khách sẽ tận hưởng những cảm giác mới lạ khi tham gia tour du lịch tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, ẩm thực… Du khách được trải nghiệm đời sống sông nước tại cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho); làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi và làng nghề truyền thống Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè); vườn cây ăn quả cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (huyện Tân Phước)… Tại đây, du khách còn thưởng lãm các hoạt động văn hóa văn nghệ miệt vườn sông nước hết sức hấp dẫn, tạo nét đặc sắc riêng cho du lịch Tiền Giang như đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội làng cổ… 
 
“Đây là những hoạt động văn hóa - du lịch mang nét riêng của Tiền Giang, nhờ vậy thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến đây”, ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Tiền Giang, khẳng định.
 
Đến Khu du lịch cù lao Thới Sơn, du khách được ngắm một màu xanh thanh bình, trong đó có những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả, với diện tích khoảng 1.200ha, nằm ở hạ lưu sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho bằng cây cầu Rạch Miễu, hay bằng 20 phút đi thuyền. Tại đây, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi ngồi trên chiếc xuồng ba lá men theo các con kênh rạch quanh co uốn lượn, hai bên phủ đầy cây bần, dừa nước và những vườn cây ăn trái nối tiếp nhau, thưởng thức trà mật ong, tìm hiểu cách làm kẹo dừa…
 
Đặc biệt, du khách sẽ bị hút hồn bởi tiếng đàn, những giọng hát mượt mà, thanh thoát nhưng không kém phần sâu lắng của những nghệ nhân, nữ ca tài tử ở đây. Còn ai muốn tham quan những ngôi nhà cổ có từ hàng trăm năm, hay ngành nghề truyền thống lâu đời thì đến với làng cổ Đông Hòa Hiệp. Tại đây có hơn 3.000 hộ dân, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái và các nghề thủ công truyền thống, như làm cốm, bánh tráng, cán bánh phồng sữa... 
 
2.Du khách muốn khám phá vùng Đồng Tháp Mười hoang sơ thì vào Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt để ngắm nhìn những đàn chim hoang dã như cò, diệc, le le bay lượn trên vùng đất ngập phèn, với bạt ngàn tràm, năn, lau sậy…
 
Hay du khách muốn tìm cảm giác lắc lư trên những chiếc xuồng con lúc mặt trời mới ló dạng thì hãy đến chợ nổi Cái Bè. Chợ được hình thành từ thời nhà Nguyễn, là một trong những chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam bộ. Nếu muốn nghe âm thanh ào ào tiếng sóng vỗ và tận hưởng những món hải sản tươi ngon, đặc biệt là món nghêu hấp gừng với rau răm, thì hãy đến Khu du lịch biển Tân Thành. Muốn có chút cảm giác “rờn rợn trong người” thì hãy đến tham quan trại rắn Đồng Tâm, nơi nuôi đầy rắn độc, như rắn hổ chúa, hổ mang, cạp nong, cạp nia…
 
Đặc biệt, tại đây có bảo tàng rắn “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, trưng bày hơn 50 mẫu rắn các loại... Còn du khách muốn thiền định cho tâm hồn thanh thản, an nhàn thì đến viếng chùa Vĩnh Tràng ở thành phố Mỹ Tho, một ngôi chùa Việt được xem là lớn và đẹp nhất Nam bộ; hay đến Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở huyện Tân Phước, ngôi Thiền viện được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử. Và để tìm về hào khí của dân tộc thì đến viếng di tích chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Di tích là một công trình kỷ niệm ghi dấu chiến công chống ngoại xâm của nhân dân xứ Đàng Trong. Hay thăm lại Khu di tích Ấp Bắc ở thị xã Cai Lậy…
 
Chưa hết, xứ Tiền Giang còn nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú. Ngoài những loại trái cây đặc sản như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Phước…, Tiền Giang còn có những món ăn ngon mà lạ như bánh giá Chợ Giồng - Gò Công Tây, mắm tôm chà Gò Công, mắm còng cù lao Tân Thới, đặc biệt là hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng khắp nơi. 
 
Có thể nói, đến Tiền Giang, du khách có thể trải nghiệm gần hết “cái chất” của ĐBSCL, vùng đất hào sảng, giàu bản sắc, hiền hòa nhưng sinh động, với những con người Nam bộ chân chất, nhiệt tình, giàu lòng mến khách, mà Tiền Giang là một phần thu nhỏ của vùng đất này.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
Liên kết hữu ích
.