Thứ Bảy, 01/02/2020, 14:29 (GMT+7)
.

Tiền Giang cái nôi cải lương vẫn đong đưa

Tiền Giang là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, là mảnh đất sinh sôi của phong trào đờn ca tài tử vào những năm đầu thế kỷ XX, là cái nôi của sân khấu cải lương ở Nam bộ. Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều danh cầm, nhiều giọng ca mà tiếng đờn, giọng ca của họ đã trở thành bất tử trong lòng giới mộ điệu. Rất nhiều thầy tuồng, đào kép, bầu gánh hát nổi tiếng trước đây là người Tiền Giang.

Mang trong tâm thức truyền thống nghệ thuật ấy, một thế kỷ qua, các thế hệ nghệ sĩ của đất Tiền Giang luôn tỏa sáng rực rỡ bằng năng lực nghệ thuật của mình, tạo sự ngưỡng mộ sâu sắc của giới mộ điệu trong cả nước.

CÁI NÔI CẢI LƯƠNG

Nhiều thế hệ nghệ sĩ của tỉnh ta đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) như: Các NSND Ba Du, Nguyễn Thành Châu, Phùng Há, Bảy Nam, Dương Ngọc Thạch, Kim Cương, Trần Ngọc Giàu, Văn Giỏi; các NSƯT Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Minh Phụng, Trúc Linh, Thanh Nhanh, Hoa Hạ, Văn Môn, Tấn Lộc, Trần Chính, Chí Thiện, Nhơn Hậu, Kiều Quốc Tâm; các NNƯT Nguyễn Văn Kiên (Ba Kiên), Lê Văn Ân (Bảo Ân), Ngô Thị Tư (Tư Trầu), Phan Tuấn Huệ (Đức Huệ), Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Thị Ngọc Đặng (Khánh Ngọc), Nguyễn Hồng Tươi, Lê Văn Son (Út Son). Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân, mà là niềm vinh dự chung của tỉnh, của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh nhà trong quá trình phát triển. Các soạn giả cải lương của tỉnh được công chúng yêu mến và có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương Nam bộ phải kể đến Trần Hữu Trang, Thanh Cao (Tám Cao), Yên Ba, Châu Thanh, Hồng Quân, Ngô Hồng Khanh, Huỳnh Anh...

Nói đến cải lương, hẳn giới mộ điệu cải lương còn nhớ, khoảng từ năm 1977 đến năm 1995, sân khấu cải lương ở Nam bộ xuất hiện hàng loạt vở diễn rất ăn khách như: Tìm lại cuộc đời, Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Người ven đô, Ánh lửa rừng khuya, Gánh cỏ sông Hàn, Tiếng hò sông Hậu, Kiều Nguyệt Nga, Ngao Sò Ốc Hến, Tình ca biên giới, Thái hậu Dương Vân Nga, Khách sạn hào hoa, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Tô Hiến Thành xử án, Nhị Kiều tướng quân, Vụ án Mã Ngưu… được đầu tư đồng bộ, từ khâu kịch bản, dàn dựng, cảnh trí, âm nhạc, phục trang cho đến nghệ thuật ca diễn của diễn viên, nên rất lôi cuốn khán giả và tạo dấu ấn nghệ thuật mạnh mẽ trong giới mộ điệu.

Chính vì có nhiều kịch bản hay nên diễn viên có nhiều “đất” diễn, và hầu như ở mỗi vở diễn đều kéo theo sự nổi tiếng của nhiều diễn viên trẻ lúc bấy giờ như: Hoài Thanh, Tuấn Thanh, Giang Châu, Châu Thanh, Diệu Hiền… Sân khấu cải lương các tỉnh miền Tây lúc bấy giờ cũng xuất hiện nhiều nam nữ diễn viên trẻ đầy triển vọng như: Vũ Linh, Trọng Hữu, Trương Hoàng Long, Dũng Minh Tâm, Huỳnh Thái Dũng, Dương Hoài Linh, Vương Cảnh, Trọng Nhân, Linh Tâm, Thanh Hằng, Ngọc Đáng, Kim Lệ Thủy, Cẩm Thu, Kim Thoa... Ở tỉnh Tiền Giang, thời điểm năm 1992 có đến 3 đoàn cải lương cấp tỉnh, 7 đoàn cải lương cấp huyện. Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) Tiền Giang lúc ấy tổ chức cả cuộc “Liên hoan các đoàn cải lương bán chuyên nghiệp” nhằm đánh giá chất lượng nghệ thuật, định hướng nội dung biểu diễn để các đoàn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong tỉnh.

Song khoảng từ năm 1995 trở về sau, cải lương bắt đầu suy thoái, xuống cấp, sân khấu vắng khách, các đoàn cải lương lần lượt giải thể trong âm thầm lặng lẽ. Nguyên nhân “giết” chết cải lương thì nhiều, nhưng có một nguyên nhân nội tại quyết định sự sống còn của cải lương, đó là sân khấu cải lương thiếu kịch bản hay. Chính vì thiếu kịch bản hay nên các hãng băng, các đoàn cải lương vẫn phải cứ “xào đi nấu lại” các kịch bản cũ nên khán giả xem hoài đâm chán, và tình yêu đối với cải lương ngày một vơi dần.

… VẪN ĐONG ĐƯA

Trước sự “suy thoái” của cải lương, để duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật ở mảnh đất được xem là cái nôi của cải lương Nam bộ, từ năm 1998, Sở VH-TT Tiền Giang (nay là Sở VH-TT&DL Tiền Giang) đã thành lập Đội Cải lương thuộc Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa nên trong nhiều năm qua Đội Cải lương của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh đã dàn dựng nhiều trích đoạn, vở cải lương dài phục vụ công chúng trong tỉnh và tham dự các hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc đoạt nhiều giải thưởng.

Mặt khác, từ năm 2010, sau khi được Sở VH-TT&DL trùng tu, Rạp hát Thầy Năm Tú (tọa lạc phường 1, TP. Mỹ Tho) có lịch sử 100 năm đã “sống lại”. Từ giữa năm 2017 đến nay, tại Rạp hát Thầy Năm Tú, Sở VH-TT&DL đã tổ chức biểu diễn miễn phí định kỳ mỗi tháng 1 lần Chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm” vào tối ngày 17 hằng tháng. Chương trình gồm nhiều trích đoạn cải lương kinh điển: Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Lưu Kim Đính chiêu phu, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Lá sầu riêng, Tiếng trống Mê Linh, Lan và Điệp, Đêm lạnh chùa hoang, Khoai tím tình son... và một số trích đoạn cải lương của soạn giả Huỳnh Anh (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) như: Cờ nghĩa giồng Sơn Quy, Trăng soi dòng Bảo Định, Bão dậy trời Long Hưng. Ngoài lực lượng diễn viên, nghệ sĩ của tỉnh, còn có lực lượng của tỉnh bạn tham gia, nên thu hút khán giả và tạo nên “thương hiệu” của chương trình.

Mặt khác, từ năm 2015, sau khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020” và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong nhiều nội dung của Đề án, có nội dung biểu diễn định kỳ đờn ca tài tử - trích đoạn cải lương vào tối thứ Sáu hằng tuần tại Rạp hát Thầy Năm Tú.

Và trong 4 năm qua, Sở VH-TT&DL và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã phối hợp tổ chức biểu diễn đều đặn tại rạp hát này, thu hút nhiều tài tử trong tỉnh và giới mộ điệu đến dự xem, biểu diễn giao lưu, tạo được một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tại TP. Mỹ Tho vào dịp cuối tuần. Cũng trong 2 năm gần đây, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và Sở VH-TT&DL đã phối hợp tổ chức 3 lần Liên hoan Ca cảnh cải lương không chuyên tại Rạp hát Thầy Năm Tú, thu hút hàng trăm diễn viên không chuyên biểu diễn các ca cảnh cải lương phục vụ công chúng, qua đó phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng ca diễn cho các diễn viên cải lương không chuyên của tỉnh. Với nhiều nỗ lực của Sở VH-TT&DL và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cái nôi cải lương Tiền Giang vẫn đong đưa với thời gian.

Dù nghệ thuật cải lương đang đứng trước nhiều thách thức, song chúng tôi cho rằng, sự thăng trầm của nghệ thuật là tất yếu, thậm chí có sự chuyển dịch hình thái, nhưng cải lương khó “chết”, bởi công chúng của cải lương còn đó, người làm cải lương vẫn đầy tâm huyết với nghề. Cho nên giới mộ điệu cải lương tin rằng loại  hình nghệ thuật này “ngày mai trời lại sáng”.

THANH HẢI

.
.
.