Thứ Ba, 17/03/2020, 21:49 (GMT+7)
.

Kiếm tiền nhưng phải có duyên

Đoạn quảng cáo nước tăng lực xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia vài ngày qua khiến không ít khán giả bức xúc, bởi nội dung phản cảm và thậm chí có phần dung tục.
 
Trong 45 giây, nội dung đoạn quảng cáo xoay quanh gia đình đôi vợ chồng trẻ, người vợ với câu hỏi “Mình đi đâu đấy?” và người chồng với câu trả lời: lên núi, lên nóc nhà. Sau mỗi câu trả lời của người chồng, người vợ đưa ra lon nước tăng lực và câu nói “Mình uống đi cho khỏe”. Đáng nói nhất là chuyện sinh hoạt riêng tư vợ chồng cũng được phơi bày phản cảm, sau câu trả lời: “Lên giường ngủ”.   
 
Không chỉ xuất hiện ở khung giờ vàng VTV, quảng cáo này xuất hiện tại các khung giờ trong ngày và nhiều nhà đài khác. Đoạn quảng cáo cũng được đăng tải trên YouTube. Tuy nhiên, phần nhiều các bình luận đều chỉ trích nội dung quảng cáo này. 
 
Có không ít quảng cáo trên truyền hình hiện nay khiến người xem khó chịu như: quảng cáo bột giặt A., lúc thì câu chuyện ghen tuông vô cớ, lúc thì mắng chửi trẻ con không suy nghĩ chỉ vì một va chạm nhỏ…
 
Chưa kể, áp lực thời gian được tính từng giây của quảng cáo trên sóng truyền hình, lời thoại của cuộc tranh cãi được đọc nhanh, liên tục khiến người xem không kịp hiểu nội dung câu chuyện và cuối cùng chỉ nhấn mạnh tên thương hiệu bột giặt.
 
Một số quảng cáo thực phẩm chức năng cũng khiến người xem không khỏi ngán ngẩm, khi màn hình xuất hiện hình ảnh sản phẩm kèm theo giọng đọc nhanh về thành phần, chức năng của sản phẩm. Sản phẩm nào cũng được giới thiệu hay, hiệu quả, thành phần quý hiếm, nhưng quảng cáo đem lại cho người xem một cảm giác không khác gì “Sơn Đông mãi võ”.
 
Không phải ngẫu nhiên mà các mẩu quảng cáo lại được quan tâm, bởi thời lượng một tập phim hay một tập gameshow truyền hình thì thời gian quảng cáo chiếm thời lượng khá lớn. Đằng sau quảng cáo còn là câu chuyện kinh tế, yếu tố quyết định doanh thu của nhãn hàng hay thương hiệu và là một nguồn thu quan trọng để duy trì các chương trình truyền hình.
 
Tuy nhiên, không phải vì thế mà bỏ qua các yếu tố văn hóa, nhân văn trong quảng cáo, bởi mỗi giây phát sóng nhất là ở những khung giờ vàng, luôn thu hút đông đảo khán giả, trong đó có khán giả nhí.
 
Là nhân viên trong lĩnh vực phát triển thương hiệu, Mỹ Tiên (25 tuổi, ngụ quận 5) ý kiến: “Phải xây dựng nội dung quảng cáo kỹ lưỡng, bởi người ta có thể đánh giá thương hiệu của bạn ở tầm nào. Quảng cáo cần chú trọng các yếu tố văn hóa để qua đó khách hàng, đối tác có thể nhận diện thương hiệu của bạn. Còn những nội dung gây sốc, hay cố tình lập lờ thì cần phải cân nhắc kỹ, vì chiêu trò rất dễ phản tác dụng và càng làm xấu đi hình ảnh của thương hiệu hoặc nhãn hàng”.
 
Như vậy, những nội dung trình chiếu công khai cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ, có tính giáo dục, giải trí lành mạnh và có thẩm mỹ, dù đó chỉ là một sản phẩm quảng cáo.
 
(Theo sggp.org.vn)
.
.
.