Diễn viên Trần Nghĩa: Không có thành công nào là mãi mãi
Cập nhật: 16:34, 12/04/2020 (GMT+7)
Nhân vật “thầy giáo Ngạn” trong phim Mắt biếc đã đưa diễn viên Trần Nghĩa từ cái tên xa lạ trở thành gương mặt trẻ được nhiều kỳ vọng và yêu thích. Đam mê và nỗ lực, Trần Nghĩa (ảnh) tự nhủ phải luôn tìm cách làm mới và không sợ thử thách.
Không muốn vai diễn bắt chước |
PHÓNG VIÊN: Sau vai diễn trong Mắt Biếc, vai diễn trong Nhà trọ Balanha đến với Trần Nghĩa ra sao?
Diễn viên TRẦN NGHĨA: Quay xong Mắt biếc, tôi dành gần nửa năm nghỉ ngơi. Sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) báo có dự án chuyển thể từ Hàn Quốc trẻ trung, mới lạ. Tôi nghe xong khá tò mò, không biết nhân vật mình được mời casting sẽ như thế nào.
Khi hỏi ê kíp được biết, đây là vai diễn hiền lành, có phần ngốc nghếch, tôi đã có cảm giác mình có thể nhập vai. Tôi xin một số phân đoạn kịch bản đọc thử và thấy đây chính là vai diễn mình muốn tìm, muốn thay đổi hình tượng bản thân. Đạo diễn Khải Anh sau đó bay từ Hà Nội vào trực tiếp casting tôi cùng các diễn viên khác như Xuân Nghị, Công Dương…
Vài ngày sau, tôi biết mình được chọn và ê kíp gửi trước kịch bản 7 tập đầu tiên. Đọc xong, tôi hình dung về nhân vật của mình, mày mò thử phong cách ăn mặc để có sự thay đổi ngoạn mục. Từ bé, khi đọc truyện dạng nhân vật ngốc nghếch, hiền, thật thà, tôi nhớ ngay đến nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản là Nobita (trong Doraemon) và lấy đó làm hình tượng. Sau khi chuẩn bị hết, tôi gửi hình ảnh tạo hình nhân vật cho đạo diễn và được chấp thuận.
Quá trình chuyển biến từ những nhân vật có nội tâm sâu sắc sang dạng vai hài hước, ngốc nghếch đó đặt ra cho anh những thử thách gì?
Khó nhất là làm sao để khán giả tin mình ngờ nghệch và tin những gì mình thể hiện trên màn ảnh. Trang phục, ngoại hình chỉ là tạo hình bề ngoài, còn ánh mắt, cử chỉ, tâm lý mới là yếu tố quyết định.
Việc chuẩn bị tâm lý nhân vật diễn ra như thế nào?
Vì ban đầu chỉ nhận kịch bản 7 tập đầu tiên, nên tôi chỉ hình dung được đến đó. Ê kíp có nói tôi xem bản gốc nhưng tôi chỉ xem một vài phân đoạn tập 1. Tôi không muốn xem rồi bắt chước cách diễn đó mà muốn tự nghĩ ra hình tượng riêng cho nhân vật, tự hình dung cách thể hiện; khi ra phim trường, đối chiếu với yêu cầu của đạo diễn để tìm ra điểm chung và tạo sự ăn khớp hài hòa.
Dám từ chối vì sợ nhàm chán
Sự thay đổi hình tượng các nhân vật trong mỗi dự án đã nằm trong tính toán hay anh tin đó là hữu duyên?
Tôi nghĩ, đầu tiên cơ hội đến phải nhờ vào may mắn. Sau đó, mình nắm bắt nó và thể hiện ra sao tùy thuộc vào bản thân. Sau Mắt biếc, có nhiều lời mời các vai diễn na ná như “Ngạn” nhưng tôi từ chối, dù rằng bản thân cũng rất sợ mang tiếng chảnh vì mới chỉ có một vai diễn ăn khách. Nhưng tôi còn sợ hơn nếu làm quá nhiều, đến một ngày mọi người sẽ chán mình.
Vậy nên, thà rằng mình để mất lòng trước nhưng khi thấy mình xuất hiện trong các dạng vai khác nhau, họ cảm nhận được mình dám đương đầu thử thách. Có thể vai diễn sau chưa tốt bằng, nhưng ít ra họ thấy mình đã cố gắng, dám thử sức. Nếu bản thân mình chưa dám thử sức thì không thể đòi hỏi đạo diễn giao các vai mới.
Nhưng anh có nghĩ sẽ để lỡ những cơ hội tốt?
Tôi cũng sợ nếu nghỉ dài quá khán giả sẽ lãng quên mình. Nhưng dù không xuất hiện trong các dự án lớn như điện ảnh, hay dài hơi như truyền hình, tôi vẫn nhận lời tham gia trong các MV với hình tượng nhân vật khán giả muốn thấy, kiểu như vai “Ngạn”. Còn khi muốn khẳng định tên tuổi, chứng minh nỗ lực của bản thân, tôi sẽ nhận các dự án lớn, biến hóa trong nhiều dạng vai, nhân vật.
Anh đã định hình con đường nghệ thuật mình đi sẽ như thế nào?
Đó là chậm mà chắc. Khi khán giả đã ấn tượng với mình, họ sẽ mong chờ mình hơn ở những dự án sau. Hơn nữa, tôi cũng muốn khán giả hiểu, tin và thay đổi quan niệm về diễn viên, không phải cái gì được mời cũng nhận. Tôi cũng hạn chế tham gia gameshow để khán giả thấy mình nhiều hơn ở lĩnh vực phim ảnh.
Tiêu chí nhận vai của anh đã thay đổi?
Ngày đầu tiên khi mới bước chân vào nghề, cơ hội nhận được vai diễn không nhiều. Lúc đó, tôi chưa có quyền lựa chọn và buộc phải nhận để thể hiện khả năng cho các đạo diễn, khán giả thấy năng lực của mình. Sau quá trình, có cột mốc nhất định, tôi thấy bên cạnh sự may mắn thì các nhân vật mình từng làm, dù nhỏ nhưng đều có câu chuyện, cảm xúc và cho mọi người thấy mình đã thể hiện như thế nào.
Anh có mất nhiều thời gian để thoát khỏi các vai diễn và vượt qua cái bóng thành công của chính mình?
Với những vai diễn nặng tâm lý như “Ngạn” trong Mắt biếc, tôi mất khá nhiều thời gian để loại bỏ. Quay xong phim, tôi vẫn bị suy nghĩ của nhân vật chi phối. Lúc đó, tôi chỉ muốn dừng lại mọi thứ để có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe, tinh thần thoải mái và không nặng nề như nhân vật trong phim. Tương tự, sau vai diễn trong Nhà trọ Balanha tôi cũng cho phép mình nghỉ ngơi và biết đâu, mình lại có dự án hoàn toàn khác.
Tôi cũng luôn có suy nghĩ, thành công là tại điểm dừng lúc đó. Nếu dự án sau không thành công, khán giả có thể quên lãng ngay. Để duy trì điều đó, cần nhiều vai diễn ấn tượng và cũng không có diễn viên nào chỉ sống với nghề nhờ một vai. Tôi luôn tự nhủ, phải đi bằng năng lực mình có, chứ không sống mãi với vai diễn đã trải qua.
Đến nay, điều gì khiến anh nuối tiếc nhất?
Đó là những gì mình muốn nhưng chưa làm được. Đương nhiên trong cuộc sống ai cũng đặt mục tiêu, dù không biết có làm được không. Việc đặt mục tiêu là để mình cố gắng mỗi ngày, nếu cứ sống với nuối tiếc sẽ không thể vượt qua.
(Theo sggp.org.vn)