Kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước (1975-2020):
'Con đường đã chọn': Góc nhìn mới về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Đúng dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước (1975-2020), Điện ảnh QĐND giới thiệu 5 bộ phim tài liệu thể hiện góc nhìn mới về cuộc chiến tranh giải phóng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quân giải phóng tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Điện ảnh QĐND |
Đây là 5 bộ phim trong đề án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn”, mỗi tập dài 30 phút, sẽ được trình chiếu trong toàn quân và các đài truyền hình vào dịp 30-4.
Dự án phim tài liệu “Con đường đã chọn” gốm 22 tập xoay quanh bối cảnh từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại hiện nay.
Trong dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 5 tập phim (từ tập 15 đến tập 19), kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh được giới thiệu với khán giả.
Năm tập phim do NSND Lê Thi tổng đạo diễn; biên kịch: Lại Văn Sinh; các đạo diễn thực hiện các tập phim: NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Bùi Chí Trung, Trần Vũ Anh…
Thành công của bộ phim chính là cách kể chuyện lịch sử khách quan, đa chiều, bằng góc nhìn của ngày hôm nay. Hơn nữa, các bộ phim này đều được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, đạt độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh lịch sử.
Điểm đặc biệt trong 5 tác phẩm của các nghệ sĩ, chiến sĩ Điện ảnh QĐND là trong phim có sử dụng hình ảnh tư liệu 16 mm thu được của quân đội Sài Gòn do Điện ảnh QĐND quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.
Tổng đạo diễn, NSND Lê Thi cho biết 5 tập phim này khái quát từng giai đoạn lịch sử của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, 5 tập phim còn cho người xem thấy được tiến trình lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh - từ trận đánh thăm dò Phước Long đến trận đánh Buôn Ma Thuột; sau đó từ Buôn Ma Thuột là kế hoạch 2 năm của Bộ Chính trị và tiếp tục là chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Theo NSND Lê Thi, trong 5 tập phim có những tư liệu của Điện ảnh QĐND đã từng sử dụng ở những bộ phim trước đó như: “Mùa xuân toàn thắng”, “30-4 Ngày thống nhất” cộng với những tư liệu sưu tập được để có cái nhìn mới về lịch sử nhưng vẫn trung thành với lịch sử.
Cái mới được thể hiện ở chỗ con người mới trong từng cảnh quay, thước phim để những tác phẩm điện ảnh tài liệu về lịch sử không mang khiến người xem nhàm chán.
Còn nhà biên kịch Lại Văn Sinh chia sẻ trước đây đã có nhiều phim về đề tài chiến tranh nhưng đó chỉ là những phim lẻ về một trận đánh hay nhiều lắm thì cũng chỉ 3-4 tập về một chiến dịch chứ chưa phản ánh được toàn diện cuộc chiến tranh trường kỳ và vĩ đại của dân tộc ta. Bởi vậy, việc thực hiện đề án này là nỗ lực lớn nhận của Điện ảnh QĐND.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Điện ảnh QĐND |
Nội dung 5 tập phim khái quát lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giai đoạn 1972-tháng 4-1975.
Trong đó, tập 15 có tên gọi: “Tiến công chiến lược” kể về giai đoạn năm 1972. Thời điểm đó, lực lượng trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, trong khi đó ở Hội nghị Paris, Mỹ vẫn chủ trương đàm phán trên thế mạnh. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam. Kết thúc cuộc tấn công năm 1972, quân Giải phóng đã giành được thắng lợi lớn trên khắp các mặt trận. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã sử dụng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng trận “Điện Biên Phủ trên không" tháng 12-1972 đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước.
Tập 16: “Đòn thăm dò”, đề cập việc quân giải phóng tổ chức những trận đánh lớn để thăm dò phản ứng của Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Đây cũng là đòn trinh sát chiến lược để Bộ Chính trị kết luận Mỹ không có khả năng đưa quân quay trở lại miền Nam Việt Nam.
Tập 17: “Điểm huyệt Tây Nguyên” khắc họa hình ảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trong đó chiến dịch Buôn Ma Thuột là trận then chốt, mở màn bằng chiến thắng mở đầu hoàn hảo, buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải rút khỏi Tây Nguyên...
Tập 18: “Đánh trong hành tiến” kể về thời cơ mang tính lịch sử khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm huy động mọi sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi toàn bộ các tỉnh miền Trung và các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tập 19: “Thống nhất đất nước” kể về trận chiến đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, quân giải phóng tiến công thẳng vào Sài Gòn-Gia Định. Chiến thắng cuối cùng được xác lập vào 11h30' ngày 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ của chế độ thực dân cũ và mới trên đất nước Việt Nam, non sông thu về một mối, Nam - Bắc một nhà.
(Theo chinhphu.vn)
.