Chùa Bà Kết: Một trong những ngôi chùa xưa nhất ở tỉnh ta
Chùa Bà Kết (hay còn gọi chùa Long Phan, tọa lạc ấp Bình Hưng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) là một ngôi chùa cổ kính, được xây dựng cách đây hơn 200 năm, nhưng vẫn còn lưu giữ nhiều vết tích mà ít người biết đến. Năm 2000, chùa được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo tài liệu “Định Tường xưa và nay” của tác giả Huỳnh Minh và lời kể của nhân dân địa phương: Ngôi chùa này của một người phụ nữ chuyên làm phước thiện tên Kết xây dựng cách nay hơn 200 năm, nằm trên một gò khá lớn (trên 3.000 m2), cao hơn mặt ruộng khoảng 3 m.
Chùa Bà Kết đã trải qua nhiều giai đoạn chiến tranh, nhiều lần bị phá hủy, có thời gian chỉ còn lại cái nền trơ trụi, đã được nhân dân cho xây dựng lại làm nơi thờ phụng. Năm 1944, nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện tại chùa Bà Kết có vết tích văn hóa thuộc nền văn hóa Ốc Eo.
Vào khoảng năm 1945, chùa Bà Kết được tổ chức Thanh niên Tiền phong tỉnh Định Tường dùng làm trụ sở hoạt động. Khi quân Pháp trở lại, chúng kéo quân xuống đánh phá các vùng lân cận và thiêu rụi ngôi chùa. Các phật tử đã mang các tượng Phật điêu khắc đem đi chôn giấu.
Theo đánh giá của Bảo tàng Tiền Giang, ngôi chùa Bà Kết có thể sánh với chùa Sắc Tứ ở Xoài Hột (huyện Châu Thành), chùa Phật Đá ở Bà Bèo (huyện Tân Phước), chùa Phù Dung ở huyện Cái Bè... Chùa Bà Kết được liệt vào hạng xưa nhất ở tỉnh ta. |
Đến năm 1949, tình hình ở huyện Chợ Gạo tạm thời được yên ổn. Thấy vậy, bổn đạo làm đơn xin phép quận trưởng (chế độ cũ) quyên tiền xây dựng lại ngôi chùa này.
Ngày khởi công, khi đào đất xung quanh lấy đất đắp nền, phát hiện dưới tầng sâu có vô số gạch xưa dính liền với đất, mỗi viên gạch chiều dài khoảng 30 cm, ngang 15 cm, đã lấy lên xây nền chùa và xây tường xung quanh mà vẫn không hết.
Sau này, Ban Khảo cổ thuộc Viện Khoa học - Xã hội (KH-XH) TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát, nghiên cứu khu vực chùa, phát hiện nhiều di vật bằng đá như: Bàn tay, đầu tượng thần Vishnu, gốm, vòi bình bằng đất nung và nhiều đĩa, gạch của tháp cổ bị sụp đổ. Qua xác minh niên đại bằng phương pháp cacbon C14 của Ban Khảo cổ, địa điểm khảo cổ chùa có niên đại từ thế kỷ thứ IV - VIII.
Theo đánh giá của Bảo tàng Tiền Giang, địa điểm khảo cổ ở chùa Bà Kết là di tích khảo cổ có giá trị về lịch sử - văn hóa khoa học rất quan trọng, nên ngày 15-2-2000 UBND tỉnh ban hành Quyết định 09 xếp hạng chùa Bà Kết là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Theo lời của người dân sống gần chùa Bà Kết, có giai đoạn ngôi chùa không ai ở, mà chủ yếu người dân đến cúng do ngôi chùa nằm sâu trong ruộng, ít người biết đến. Những năm gần đây, Đại đức Thích Trung Nhàn làm trụ trì chùa Bà Kết, thực hiện tốt công tác phật sự, không ngừng chăm lo hành đạo và giúp đời, quan tâm đến các hoạt động từ thiện - xã hội, tạo được lòng tin với phật tử, tiếng lành đồn xa, nhiều phật tử đã đóng góp kinh phí sửa chữa, xây dựng mới nhiều hạng mục của chùa.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Trung Nhàn cho biết: Trước đây ngôi chùa vừa nhỏ hẹp, lại xuống cấp nặng. Năm 2007, chư tôn, đức tăng, ni trong và ngoài tỉnh cùng các phật tử gần xa đóng góp kinh phí để trùng tu lại ngôi chùa.
Cụ thể, năm 2007 trùng tu chánh điện; năm 2009 xây đài Quan Âm, miếu ngũ hành; năm 2010 xây dựng hậu tổ, giảng đường để phật tử có điều kiện tu học, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện tại ngôi chùa khá khang trang, phật tử gần xa tề tựu ngày càng đông.
GIA TUỆ