Đề án sắp xếp báo chí đến năm 2025:
6 cơ quan báo chí lớn sẽ chuyển cơ quan chủ quản
Ngày 22-5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025.
Theo Đề án, số lượng cơ quan báo chí TPHCM thực hiện sắp xếp là 27/28 (báo Công an thực hiện sắp xếp theo Đề án của Bộ Công an) với lộ trình gồm hai giai đoạn.
Ở giai đoạn 1 (từ khi Đề án được phê duyệt đến hết năm 2020), 6 cơ quan báo chí chưa phải sắp xếp, gồm Đài Truyền hình TP, Đài Tiếng nói nhân dân TP, báo Công giáo và Dân tộc, báo Giác ngộ, Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Tạp chí Nghiên cứu phát triển.
Có 21 cơ quan báo chí phải sắp xếp, trong đó giữ ổn định một cơ quan là Báo SGGP. 6 cơ quan báo chí sẽ chuyển cơ quan chủ quản, gồm báo Phụ nữ TP, báo Tuổi Trẻ, báo Người lao động (chuyển cơ quan chủ quản về Thành ủy); Báo Pháp luật TP, Tạp chí Du lịch TP (chuyển cơ quan chủ quản về UBND TP); Tạp chí Phát triển nhân lực chuyển cơ quan chủ quản về Học viện Cán bộ TP.
8 cơ quan báo chí khác sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển cơ quan chủ quản. Có 6 cơ quan báo chí sẽ sáp nhập, chuyển cơ quan chủ quản.
Kết quả, sau giai đoạn 1 TPHCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí; giảm 8 cơ quan báo chí (chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin).
Ở giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2025), TPHCM sẽ hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan báo chí nhanh chóng ổn định, hoạt động theo yêu cầu mới. Đồng thời tiếp tục triển khai Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bên cạnh đó, báo in và tạp chí in hoạt động theo mô hình một cơ quan báo in có nhiều ấn phẩm; đối với phát thanh truyền hình hoàn thiện tổ chức nhân sự theo mô hình tinh gọn, hiệu quả; đối với báo điện tử và tạp chí điện tử tập trung phát triển báo điện tử, tạp chí điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội… Đến năm 2025, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp báo chí theo Đề án một cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 161 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú; 10 chi nhánh đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền, 46 đơn vị hoạt động truyền hình thu qua vệ tinh; 28 cơ quan báo chí của địa phương (gồm 16 báo, 1 đài truyền hình, 1 đài tiếng nói nhân dân và 10 tạp chí).
TPHCM đánh giá, những năm qua báo chí TP phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thức và nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân; trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; cổ vũ kịp thời các phong trào hành động cách mạng và những tấm gương điển hình tiên tiến. Đặc biệt, báo chí đã và đang làm tốt chức năng phản biện xã hội, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; là cầu nối giữa Đảng và chính quyền với dân - dân với Đảng, chính quyền.
Bên cạnh đó, tình trạng chưa bám sát tôn chỉ, mục đích ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa khắc phục được. Xu hướng “câu like”, “câu view” dẫn đến thông tin lên mạng xã hội thiếu tính định hướng hoặc không phù hợp chủ trương, đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Do vậy, việc triển khai sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025 như trên là hết sức cấp thiết.
(Theo sggp.org.vn)
.