Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam"
Cập nhật: 22:06, 19/05/2020 (GMT+7)
Từ khóa “ý chí” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” được thực hiện tại 5 điểm cầu là các địa điểm mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tối 18-5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Tuyên Quang, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.
Đây là chương trình trọng điểm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giáo dục truyền thống, ôn lại những câu chuyện về hành trình cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó rút ra những bài học sâu sắc, ý nghĩa trong thời đại hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh - Ảnh Thành Vũ/TTXVN |
Tới dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có: đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.
Điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Hoàng Trung Hải, Phó trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Cầu truyền hình tại Hà Nội - Ảnh Doãn Tấn/TTXVN |
Dự tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Tại điểm cầu Đồng Tháp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” với nhiều câu chuyện, ca khúc lắng đọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Được thực hiện tại 5 điểm cầu là các địa điểm mang dấu ấn lịch sử và có mối liên hệ đặc biệt với thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, gồm: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nghệ An); Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh); Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang); Công viên Văn Miếu - TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), chương trình gồm 5 chương: “Người trai chí lớn”, “Đi tìm mùa Xuân độc lập”, “Một nhà thống nhất”, “Âm thanh ngày mới” và “Rạng rỡ Việt Nam”.
Bằng cách kết hợp giữa phim tư liệu, phóng sự, tiết mục nghệ thuật đặc sắc... từ khóa “ý chí” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thời lượng hơn 120 phút diễn ra chương trình. Đó là ý chí của một cá nhân nhưng đã thấm nhuần tinh hoa văn hóa dân tộc và dám đột phá vượt lên những quan niệm thông thường.
Là ý chí của một anh hùng dám dấn thân bước ra thế giới rộng lớn tìm “đường sáng” cho dân tộc ở tuổi đôi mươi. Ý chí đó phải kiên định, vững vàng như thế nào để từ một thanh niên yêu nước trở thành một lãnh tụ cách mạng, đã vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, thậm chí cả hiểm cảnh để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến thành công.
Lắng nghe phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18-5-2020, tại cầu truyền hình, người xem cũng được gặp những nhân vật lịch sử tại các điểm cầu, cảm nhận tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Người.
Đó là ông Võ Phổ, "dũng sĩ diệt Mỹ" miền Nam vinh dự được gặp Bác Hồ năm 1967. Là bà Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317, Tổng đội 65 Thanh niên xung phong. Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An nhưng bà chưa từng được gặp Bác.
Dù vậy, ở lứa tuổi đôi mươi, bà cùng lớp lớp thanh niên lúc bấy giờ theo ý chí của Bác đã tự nguyện làm đơn tham gia thanh niên xung phong, cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Bà cũng là người duy nhất sống sót sau trận bom ngày 31-10-1968. Là nhà báo Alberto Salazar Gutiérrez, Phân xã Hãng thông tấn Cuba chứng kiến nhiều sự kiện của đất nước khẳng định ý chí Hồ Chí Minh, ý chí Việt Nam đã lan tỏa đến bạn bè quốc tế...
Những câu chuyện về sự nghiệp, ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” được thực hiện năm 2020, năm bản lề quan trọng, năm tổ chức đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng tạo tinh thần phấn khởi cho đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân./.
(Theo dangcongsan.vn)