.
DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌA TRÂM BA:

Gắn với trận đại chiến Rạch Gầm - Xoài Mút và 2 cuộc kháng chiến

Cập nhật: 11:23, 24/06/2020 (GMT+7)

Đìa Trâm Ba có lịch sử hình thành cách nay trên 240 năm. Di tích lịch sử này gắn liền với trận đại chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, do Nguyễn Huệ chỉ huy (tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm) vào nửa sau thế kỷ thứ XVIII. Nơi đây cũng là địa điểm sinh hoạt của Chi bộ xã Song Thuận trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước…

 Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Phục Quang phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Phục Quang phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đìa Trâm Ba hiện tọa lạc ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Theo một số vị cao niên tại địa phương, vào năm 1785, nhằm chuẩn bị cho trận đại chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã đưa chiến thuyền đến tập kết tại đây để huấn luyện thủy chiến. Quá trình di chuyển của chiến thuyền đã tạo thành con rạch nối đìa Trâm Ba (diện tích khoảng 4 ha) với nhánh sông Tiền dài khoảng 2,5 km.

Đìa Trâm Ba (xung quanh có một gốc trâm mọc ra 3 nhánh và cho ra 3 loại trái khác nhau: Trâm bột, trâm hột và trâm quắn) là cách gọi của người dân địa phương khi kết hợp giữa danh từ “đìa” và “cây trâm có 3 nhánh”.

Nguyên Xã đội phó xã Song Thuận Đoàn Văn Khanh cho biết: “Năm 1973, đồng chí Sáu Phong (tên thật Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là Thường vụ Trung ương Cục Đoàn Thanh niên miền Nam được phân công về vành đai diệt Mỹ trực thuộc tỉnh Mỹ Tho tổ chức cuộc họp, với sự tham dự của Thành đoàn Mỹ Tho, Huyện đoàn Châu Thành, Xã đoàn các xã: Song Thuận, Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn, Bình Đức để vận động phong trào “Thanh niên tòng quân giết giặc” và xây dựng đơn vị chủ lực Miền.

Vào năm 1929, theo đề xuất của đồng chí Trần Văn Vi (bí danh Dân Tôn Tử), Chi bộ xã Song Thuận được thành lập tại nhà bà Nguyễn Thị Hương, với 5 đảng viên. Sau đó, chi bộ chọn đìa Trâm Ba làm nơi sinh hoạt và họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp.

Tháng 4-1931, đồng chí Trần Văn Vi thay mặt Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp liên xã (Song Thuận, Long Hưng, Vĩnh Kim, Đông Hòa, Bình Đức, Thạnh Phú và Phước Thạnh) bàn kế hoạch vận động quần chúng cắt băng, cờ, rải truyền đơn chống địch thu thuế, chống bắt đi làm xa, chống canh tuần ban đêm. Đến ngày 1-5-1930, nhân dân các xã Song Thuận, Bình Đức, Đông Hòa, Vĩnh Kim tổ chức tuần hành bãi chợ tại chợ Giữa Vĩnh Kim, buộc bọn thầu chợ thực dân, tay sai phải giảm thuế.

Cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi bước đầu. Cũng vào năm 1930, tại di tích này, một cái chòi lá được dựng lên (rộng khoảng 100 m2) làm nơi trú ngụ và hội họp của lực lượng cách mạng (ông Sáu Nhân được giao nhiệm vụ canh giữ, quản lý).

Sau đó, để chuẩn bị cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Tân và đồng chí Trần Hữu Danh tổ chức cuộc họp chi bộ mở rộng tại đìa Trâm Ba để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, Chi bộ xã Song Thuận đã lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, vừa đánh trống, gõ mõ liên hồi, vừa vận động  quần chúng tràn ra đường với gậy gộc, giáo mác kéo đi truy bắt tề làng, khui các vựa lúa của tề làng, địa chủ để phân phát cho dân nghèo.

Năm 1946, cũng tại đìa này đã diễn ra cuộc họp do ông Nguyễn Văn Trường, trí thức yêu nước, là Trưởng ban Bình dân học vụ khởi xướng và đã dẫn đầu lực lượng quần chúng xuống đồn cầu Kinh Xáng đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thi hành Tạm ước ngày 14-9-1946 (Tạm ước ngăn ngừa nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Trong tháng 5-2020, UBND huyện Châu Thành tổ chức buổi tọa đàm, lấy ý kiến các ngành liên quan cấp tỉnh, cấp huyện cùng các đồng chí lão thành cách mạng ở địa phương để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định công nhận đìa Trâm Ba là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh theo đề nghị của chính quyền và nhân dân xã Song Thuận.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đìa Trâm Ba là nơi làm việc và cũng là nơi tổ chức các cuộc họp của chi bộ và chính quyền, các đoàn thể xã Song Thuận để lãnh đạo nhân dân chống Mỹ, ngụy và bọn tay sai.

Đáng chú ý là, đêm 24-2-1960, đồng chí Nguyễn Văn Dần (Tám Dần) đã tổ chức một tiểu đội dân quân tự vệ tuyên truyền, vận động nhân dân xã Song Thuận cùng một số xã lân cận tổ chức tuần hành thị uy (từ Song Thuận ra Quốc lộ 4) gõ trống, mõ… và hô vang các khẩu hiệu: “Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam muôn năm!”; “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tai sai Ngô Đình Diệm”, “Đả đảo gia đình trị Ngô Đình Diệm”…

Năm 1961, tại đìa Trâm Ba, Chi bộ xã Song Thuận tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghị quyết của Khu ủy Trung Nam bộ Khu 8 và Nghị quyết của Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) về tập trung lực lượng tiến công địch một cách toàn diện.

Đến năm 1963, lực lượng du kích địa phương phối hợp binh vận đánh chiếm bót làng tại đình Thần Song Thuận, bắt hết bọn tề xã, sau đó chiếm bót Cầu Lấp, tịch thu toàn bộ vũ khí (được Huyện đội và Tỉnh đội sử dụng để trang bị cho Tiểu đoàn 514 của tỉnh), giải phóng hoàn toàn xã Song Thuận (là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho được giải phóng trong năm 1963).

Với những chiến công vang dội nêu trên, chi bộ, chính quyền và nhân dân xã Song Thuận được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Sau đó, đìa Trâm Ba tiếp tục là nơi hội họp của chi bộ và của các lực lượng địa phương quân huyện, Tiểu đoàn B90, đơn vị 309F (Quân khu 8)…, với sự hậu thuẫn của các đơn vị đặc công thủy 318, Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 290, đặc công Quân khu 8, Thành đoàn Mỹ Tho… thường xuyên tổ chức họp bàn kế hoạch phối hợp triển khai các cuộc tấn công vào căn cứ Đồng Tâm (được Mỹ, ngụy thành lập năm 1966). Đặc biệt, tận dụng lợi thế của cây trâm ba (to, cao lớn), ta leo lên quan sát và điều chỉnh thông tin cho pháo binh bắn chính xác mục tiêu của địch là sân bay và kho đạn thuộc căn cứ Đồng Tâm, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

HUỲNH VĂN XĨ - NGUYỄN ĐỨC DUY

.
.
.