Thứ Tư, 15/07/2020, 08:42 (GMT+7)
.
KHU KHÁNG CHIẾN XÃ VĨNH HỰU, HUYỆN GÒ CÔNG TÂY, TỈNH TIỀN GIANG:

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng

Để có được cuộc sống thanh bình, hạnh phúc hôm nay, nhiều thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu cho quê hương, đất nước. Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) là một trong những nơi lưu dấu bao chiến công oanh liệt của cán bộ, quân và dân ta trong những ngày đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Nơi đây đã trở thành điểm về nguồn của nhiều thế hệ.

Nhà bia ghi danh liệt sĩ trong Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu.
Nhà bia ghi danh liệt sĩ trong Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu.

Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu là nơi làm việc của lãnh đạo Tỉnh ủy Gò Công trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tại đây, Tỉnh ủy đã đề ra những chủ trương quan trọng, đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà đi đến thắng lợi.

“LÀNG ĐỎ VĨNH HỰU”

Theo quyển “Truyền thống đấu tranh và xây dựng của Đảng bộ, dân và quân xã Vĩnh Hựu anh hùng”, tháng 10-1945, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, quân và dân xã Vĩnh Hựu khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2.

Sáng 23-9-1945, thực dân Pháp được thực dân Anh tiếp sức đã chính thức khai chiến với quân và dân ta ở Sài Gòn - Gia Định, các tỉnh miền Đông và miển Tây Nam bộ đều bị đặt vào tình trạng chiến tranh. Sau khi cơ bản chiếm được Sài Gòn - Gia Định, thực dân Pháp liền mở rộng các cuộc hành quân lấn chiếm các tỉnh. Ngày 24-10-1945, chúng dùng tàu chiến đổ quân đánh chiếm cầu Nổi. 3 ngày sau chúng chiếm được tỉnh lỵ Gò Công, không khí chiến tranh lan nhanh bao trùm khắp các làng trong tỉnh.

Để chủ động đối phó với giặc ngoại xâm, Đảng bộ xã Vĩnh Hựu đã lãnh đạo Ủy ban Hành chính, Mặt trận, các đoàn thể tổ chức phát động nhân dân đắp mô, làm chướng ngại vật khắp các tuyến lộ vào xã, lập phòng tuyến ngăn chặn địch có khả năng dùng tàu chiến đổ bộ tại Vàm Giồng; vận động nhân dân quyên góp đồ gang, thép, gạo để rèn đúc vũ khí, tích trữ quân lương; bố trí tự vệ canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Khi địch tràn vào tỉnh lỵ Gò Công, Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cơ quan chính trị, quân sự di chuyển về xã Vĩnh Hựu lập căn cứ kháng chiến.

Người dân đã nồng nhiệt đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan tỉnh Gò Công trong những ngày đầu kháng chiến gian khổ. Nhiều gia đình tự nguyện dành nhà cho cơ quan tỉnh ở và làm việc, như gia đình các ông Phan Khánh Gia, ông Ba Năng, ông Chủ Huệ...

Biết được các cơ quan đầu não kháng chiến tỉnh Gò Công đang đóng tại xã Vĩnh Hựu, quân đội Pháp ở Gò Công được quân chủ lực từ Mỹ Tho tăng viện đã mở cuộc càn quy mô lớn nhằm tiêu diệt gọn lực lượng kháng chiến trong tháng 12-1945. Chúng tấn công 3 mũi đánh vào xã Vĩnh Hựu: Hướng Đông từ Bình Luông Tây và Long Hựu, hướng Bắc từ Vĩnh Lợi và hướng Tây từ Bình Ninh (huyện Chợ Gạo).

Đối phó với âm mưu và cuộc càn quét của địch, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gò Công đã trực tiếp lãnh đạo các lực lượng Cộng hòa tự vệ, Cộng hòa vệ binh, Quốc vệ đội phối hợp với lực lượng tự vệ xã Vĩnh Hựu chiến đấu, tiêu diệt và ngăn bước tiến của địch. Cuộc chống càn diễn ra giằng co quyết liệt 3 ngày liền trên từng liếp dừa, từng bờ ruộng. Các cán bộ, chiến sĩ đã mưu trí, quả cảm đánh giặc; thanh niên nam nữ trong làng hăng hái tiếp tế hậu cần, phục vụ cứu thương; Hội Phụ nữ phân công chị em sát cánh với bộ đội, tự vệ chăm lo cơm nước chu đáo..., đã tiêu diệt và tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo tỉnh Gò Công và biểu thị sức mạnh đoàn kết quân - dân to lớn trong đấu tranh cách mạng.

Đến năm 1946, địch đóng tại đây 4 đồn. Từ năm 1947 đến năm 1950 chính quyền địch ở tỉnh Gò Công ráo riết tiến hành kế hoạch bình định, trong đó chúng xác định xã Vĩnh Hựu là trọng điểm. Trong các bản báo cáo của tỉnh trưởng Gò Công và kế hoạch bình định, “làng đỏ Vĩnh Hựu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Dưới con mắt của địch, Vĩnh Hựu không chỉ là căn cứ của cơ quan đầu não kháng chiến tỉnh Gò Công, mà còn là nơi có truyền thống “bạo loạn cần xóa bỏ”. Do vậy, ngoài quân số 4 trung đội đồn trú, chúng còn thường xuyên gia tăng viện binh ruồng bố, chà đi xát lại nhằm bắt bớ, khủng bố đảng viên và quần chúng có tư tưởng yêu nước.

Chỉ tính riêng trận càn ngày 7-8 (âm lịch) năm 1947, địch đã bắt rồi đem bắn 9 đảng viên và quần chúng tại cầu Sắt, thị uy 3 ngày, không cho nhân dân đem chôn cất. Mức độ khủng bố của địch ngày càng ác liệt, đẩy phong trào cách mạng của quân và dân xã Vĩnh Hựu vào hoàn cảnh khó khăn gay gắt.

Mặc dù phải sống trong vùng địch tạm chiếm, nhân dân vẫn một lòng theo cách mạng, nhiệt tình đóng góp tài lực, vật lực cho sự nghiệp kháng chiến. Vì thế, chi bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã Vĩnh Hựu vẫn tiếp tục duy trì, phát triển lực lượng và hoạt động trước sự khủng bố hết sức dã man của giặc. Do vậy căn cứ địa Vĩnh Hựu và các cơ quan lãnh đạo kháng chiến từ tỉnh, quận được bảo vệ an toàn. Đảng bộ, dân và quân xã Vĩnh Hựu giữ vững căn cứ kháng chiến, bảo vệ được các tổ chức cách mạng và duy trì được hoạt động chính trị, vũ trang của quần chúng là thành tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của cách mạng trong chặng đường mới.
 
NƠI GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Nguyên Bí thư xã Vĩnh Hựu Đỗ Thanh Quang, cũng là người tham gia biên soạn quyển “Truyền thống đấu tranh và xây dựng của Đảng bộ, dân và quân xã Vĩnh Hựu anh hùng”, cho biết: “Nếu hỏi Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu có từ khi nào thì rất khó trả lời. Khi tôi đi thu thập tư liệu, hỏi các đồng chí từng tham gia kháng chiến trên vùng đất Vĩnh Hựu và xin ý kiến các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh thì được biết Vĩnh Hựu là vùng căn cứ kháng chiến có bề dày phong trào yêu nước từ trước khi có Đảng. Sau đó tổ chức Đảng ra đời đã tiếp tục xây dựng Vĩnh Hựu trở thành vùng căn cứ kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nói tới vùng căn cứ kháng chiến ở Gò Công là phải nói tới xã Vĩnh Hựu. Cán bộ, đảng viên về Gò Công hoạt động cách mạng chủ yếu bám vào Khu kháng chiến Vĩnh Hựu…”.

Anh Tạ Văn Quốc, cán bộ phụ trách lao động, thương binh và xã hội xã Vĩnh Hựu, người trực tiếp phụ trách quản lý dọn vệ sinh, trồng hoa kiểng Khu kháng chiến của xã Vĩnh Hựu chia sẻ: Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Hằng năm, nhiều trường học trên địa bàn huyện tổ chức các đoàn học sinh đến để tìm hiểu về lịch sử của Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu. Trước đây, cây cầu bắc qua Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu nhỏ, xuống cấp, năm 2019 được UBND huyện Gò Công Tây đầu tư 300 triệu đồng để xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ đến tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống Khu kháng chiến xã Vĩnh Hựu…”.

GIA TUỆ

.
.
.