Thứ Hai, 03/08/2020, 11:08 (GMT+7)
.

Một thời vó ngựa ao Trường Đua

Trong bài thơ “Gò Me”, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên đã có những câu thơ viết về Gò Công:

“… Ao làng mây tắm trăng bơi
Nước trong như nước mắt                                 

                      người tôi yêu...”.

LY KỲ VỀ CÁCH GỌI TÊN

Theo tác giả Việt Cúc trong “Gò Công cảnh cũ người xưa”, nhà văn Sơn Nam chú giải và bổ sung, thì ao Trường Đua được đào vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đến đặt quan tham biện cai trị đất Gò Công. Khi ấy, vùng Gò Công còn nhiều bàu, vũng, bùn lầy, nước đọng, phần đất gò rải rác ở nhiều nơi như: Giồng Tháp, giồng Ngâu, giồng Lãnh, giồng Tân… nằm xen lẫn với rạch cùn, bàu cạn.

Để xây dựng các dinh thự thì cần phải có một khối lượng đất khổng lồ mới đủ lấp bằng khu vực bàu, vũng đó. Do đó người Pháp quyết định đào một cái ao lớn, vừa lấy đất đắp nền, vừa chứa nước cho dân chúng tiêu dùng.

Người Pháp đã bắt dân phu vùng Gò Công đào ao và đắp thêm những con đường ngang, dọc để mở rộng lưu thông trong làng thành phố, chu vi ao khoảng 3.000 m, sâu 5 m, bờ lề rộng
5 m, giáp đường Tổng Thứ, nay là đường Nguyễn Huệ.

Sau đó, người Pháp mở dọc theo ao một con đường lớn và biến nơi đây thành một trường đua ngựa. Một khán đài lớn được xây dựng để quan khách đến xem. Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, nhất là ngày 14-7 - ngày kỷ niệm người Pháp phá ngục Bastille năm 1789, sau này thành Ngày Quốc khánh Pháp, những cuộc đua ngựa vui chơi diễn ra quanh ao rất rầm rộ.

Việc Pháp tổ chức đua ngựa, vui chơi để nhân dân ta quên sự nghèo đói, hận thù và đấu tranh. Cứ thế, người Pháp lại thường xuyên tổ chức, rồi các hình thức cá cược diễn ra để người thua thường là dân đen nghèo khổ. Sau này, họ còn tổ chức thêm các cuộc đua xe bò, xe ngựa, xe đạp để giúp vui; và tên gọi ao Trường Đua cũng bắt đầu từ đó.
 

Có thể nói, ao Trường Đua là trái tim của thị xã, là biểu tượng mới của người dân Gò Công, vì giữa lòng đô thị hiện đại vẫn còn hình ảnh, dáng dấp của cái “ao làng”, là nét văn hóa dân gian của người dân vùng duyên hải, đã song hành cùng dòng chảy của thời gian và những buồn vui của người dân xứ biển Gò Công.

AO CHỨA NƯỚC SINH HOẠT MỘT THỜI 

Gò Công là xứ đồng chua nước mặn, vào mùa nắng việc lo nước ngọt tiêu dùng là vấn đề khó khăn. Nhiều năm trước đây, cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, người dân lũ lượt gánh nước mưa chứa từ ao Trường Đua đem về nhà sử dụng.

Ao sâu nên hầu như không bao giờ cạn nước. Thỉnh thoảng làng cho bơm vét sạch, cá lâu năm có con năm, bảy ký là chuyện bình thường. Những hàng cây dương, cây me trồng quanh ao vừa cho bóng mát, vừa giữ đất để không sạt lở.

Bao thế hệ người Gò Công dù xa xứ, mỗi khi nhớ quê vẫn không quên những kỷ niệm về ao Trường Đua. Các cô cậu học trò ngày nghỉ ra ngồi dưới bóng cây để ôn bài, trò chuyện, ký ức ấy khó mà phai mờ. Ao Trường Đua như một biểu tượng gắn bó, gần gũi với người Gò Công

ĐIỂM VUI CHƠI, GIẢI TRÍ NGÀY NAY

TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang vươn mình phát triển, vì thế công tác chỉnh trang đô thị được đầu tư xây dựng sạch đẹp, đường phố mở rộng và ao Trường Đua được khởi công nạo vét, xây dựng bờ kè, lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh.

Nhiều ghế đá công viên được đặt trên bờ thềm ao để mọi người ngồi nghỉ ngơi, thư giãn, dạo chơi hay ngắm nhìn những ngôi nhà rêu phong bên trong lòng phố cổ. Nơi đây, vào mỗi sáng sớm và chiều tối có rất nhiều người dân tham gia tập luyện thể thao bằng cách đi bộ.

Được biết, các bạn đoàn viên của Chi đoàn Công an thị xã đã và đang thực hiện công trình thanh niên ở khu vực này. Hằng tuần, các bạn đều ra quân dọn dẹp vệ sinh nhặt rác, làm cỏ, trồng, cắt tỉa và chăm sóc các loại hoa mười giờ trồng dưới hàng cây dầu xung quanh ao thẳng tắp.

Việc làm ý nghĩa này vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa góp phần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về việc giữ gìn môi trường sống xung quanh, nhất là ở các điểm vui chơi công cộng.

LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.