Thứ Tư, 26/08/2020, 11:10 (GMT+7)
.

Mùa Vu Lan nghĩ về chữ Hiếu

Một trong những phẩm hạnh cao quý của con người là sự đền đáp công ơn của đấng sinh thành. Đã trở thành thông lệ, tháng 7 âm lịch hằng năm là dịp đặc biệt để mỗi người thể hiện sự hiếu nghĩa, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, đã trở thành nét tín ngưỡng dân gian văn hóa của dân tộc ta…

Lễ hoa hồng cài áo trong mùa Vu Lan tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu.
Lễ hoa hồng cài áo trong mùa Vu Lan tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu.

ĐẠO HIẾU

Trong quyển Hiếu Kinh, tác phẩm chính của Nho giáo nói về đạo hiếu được mở đầu như sau: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu. Xét về hiếu, khởi đầu là lo việc song thân, kế đến là việc vua tôi, sau cùng mới đến việc lập thân...”.

Bản kinh này cũng dẫn lời của đức Khổng Tử về đạo hiếu rằng: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm...”.

Trao đổi với chúng tôi về đạo hiếu, nguyên Chánh Văn phòng Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Hữu Thông, ngụ ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, người có nhiều năm tìm hiểu về Nho giáo, chia sẻ: “Đạo hiếu có ý nghĩa rất rộng, có thể hiểu ở 2 phạm trù gồm: Hiếu với nước, với dân và hiếu với gia đình (tổ tiên, ông bà, cha mẹ). Ở phạm trù gia đình, đạo hiếu được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hóa thành chuẩn mực đạo đức.

Đến khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đã góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa - đạo đức truyền thống khi hòa quyện nghi thức tôn giáo với đạo lý làm người. Ngày nay, nhịp sống hiện đại làm cho con người bận rộn hơn, sống nhanh, sống gấp. Kéo theo đó là sự thay đổi quan niệm về đạo đức, quy tắc ứng xử của một số người. Nhưng dù là gì thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa. Đó là sự tôn trọng, trân quý công ơn của đấng sinh thành…”.

Chị Lê Thanh Lan, ngụ khu phố 10, phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang luôn ý thức bổn phận của người con đối với đấng sinh thành. Cha chị Lan năm nay 89 tuổi, còn mẹ 87 tuổi. Cách đây hơn 10 năm, mẹ chị Lan bị tai biến và nằm một chỗ, từ đó hằng ngày chị Lan vừa đi làm, vừa tranh thủ thời gian để lo cho cha mẹ già, luôn nỗ lực để làm tròn chữ hiếu.

Chi Lan chia sẻ: “Mỗi ngày được nhìn thấy cha mẹ vui, khỏe là niềm hạnh phúc lớn lao của chị. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người kinh tế khá giả cứ nghĩ thuê người chăm sóc cho cha mẹ già của mình là đã báo hiếu, nhưng họ đâu hiểu rằng tâm lý của những người già rất cần sự quan tâm chăm sóc con cháu…”.

Từ ngàn xưa, chữ hiếu đã được ông bà ta đề cao, nhắc nhở mỗi người về bổn phận đối với đấng sinh thành. “Lễ Vu Lan mang ý nghĩa tốt đẹp này, nếu mỗi người con đều biết suy nghĩ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vừa đi chùa cầu cho cha mẹ mình  bình an, nhưng đồng thời hằng ngày luôn quan tâm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ và trò chuyện với cha mẹ là điều tốt nhất, làm cho cha mẹ vui nhất…” - chị Lan chia sẻ thêm.

LỄ VU LAN - SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN TRUYỀN THỐNG

Từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày Lễ Vu Lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng tôn thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Sư cô Thích nữ Trung Tường, Thư ký chùa Sắc Tứ Linh Thứu (huyện Châu Thành), cho biết: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện báo hiếu với mẹ của Đức Mục Kiền Liên Bồ Tát. Bằng con đường tu hành của mình, ngài đã giải thoát cho linh hồn mẹ mình khỏi vòng tội lỗi, được siêu sinh.

Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người phải biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn…”. Từ một nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, Lễ Vu Lan dần trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Vu Lan là dịp để gia đình sum họp, con cháu hỏi han, chia sẻ với ông bà, cha mẹ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cầu cho ông bà, cha mẹ được hưởng phúc lành...

Tại nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mùa Vu Lan thường diễn ra từ đầu tháng 7 đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, tùy theo điều kiện của mỗi nơi có thể tổ chức thời gian cho phù hợp. Theo Sư cô Thích nữ Trung Tường, tại Lễ Vu Lan, các chùa thường tổ chức cho phật tử cầu an cho những người cha mẹ còn sống được bình an; cầu siêu để vong linh ông bà, cha mẹ đã khuất được siêu sinh tịnh độ.

Đặc biệt, lễ hoa hồng cài áo trong mùa Vu Lan là một nghi thức mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Tại buổi lễ này, mỗi người sẽ được cài lên áo mình những bông hoa hồng mang ý nghĩa tượng trưng, người được cài bông hồng trắng để không quên cha mẹ mình đã khuất; người được cài bông hồng đỏ sẽ cảm thấy mình hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ mà biết sống sao cho cha mẹ khỏi phiền lòng...

Thật vậy, mùa Vu Lan là dịp để mỗi chúng ta nghĩ về Tứ Ân, nghĩ về đạo hiếu. Qua hàng ngàn năm, Vu Lan Khánh Hội luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam và đã trở thành nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống. Mở rộng ra ngày lễ Vu Lan không chỉ mang đậm nét nhân văn, mà còn làm rạng rỡ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

HOÀI THU

.
.
.