Chủ Nhật, 30/08/2020, 10:10 (GMT+7)
.

Nhiếp ảnh dân tộc từ Mùa thu Cách mạng

 
a
Chiến sĩ Trần Thành, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Thủ đô Hà Nội ngày 23-12-1946 - những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, với ý chí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ảnh: Nguyễn Bá Khoản (TTXVN)
Cách mạng và các nhà nhiếp ảnh Việt Nam yêu nước tiền bối đã vạch cho nhiếp ảnh Việt Nam một sứ mệnh: Rời cửa hiệu xuống đường đấu tranh, trực tiếp viết sử bằng ống kính của mình. Và họ đã viết rất trung thực, sinh động bằng tất cả trí tuệ, tình cảm… thậm chí bằng máu và nước mắt của cả người cầm máy lẫn người trong ảnh.
 
Giá trị lớn nhất của những hình ảnh mà ta lưu giữ đến nay là có nhiều ảnh được chụp theo phương thức biên niên sử, ghi hình trực tiếp, chính xác các sự cố xã hội, các bước ngoặt cách mạng, các nhân vật ưu tú của đất nước...
 
Nhờ vậy, ngày nay chúng ta mới tận mắt cảm nhận được tinh thần dân tộc, dân chủ của nhân dân ta qua Cuộc mít-tinh tuần hành ngày 1-5-1938 tại khuôn viên Nhà đấu xảo Hà Nội trong ảnh Nguyễn Bá Khoản, thấy được Nạn đói thê thảm năm 1945 qua ảnh của Võ An Ninh, thấy được khí thế sôi sục Cách mạng Tháng Tám khi Nhân dân chiếm Bắc Bộ phủ, và cảnh trang nghiêm thiêng liêng của Lễ độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Ðình, Hà Nội của Vũ Năng An... Từ bấy trở đi, nhiếp ảnh Việt Nam đồng hành cùng dân tộc trong các cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Ngay buổi đầu chống thực dân Pháp, chúng ta đã có bộ ảnh Nam Bộ kháng chiến của Nguyễn Bá Khoản. Ngày Nguyễn Bá Khoản ra bắc, báo Cứu quốc đã phóng gần 500 ảnh làm triển lãm, sau đó Hà Nội lại mở tiếp triển lãm 200 ảnh của ông về Miền trung và Tây Nguyên kháng chiến.
 
Khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, Hà Nội, các nhà nhiếp ảnh Ngô Lê Ðộng, Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Tiến Lợi, Tô Na, và nhiều nhà nhiếp ảnh khác đã gia nhập Trung đoàn Thủ đô cũng như các đơn vị quân đội, các cơ quan văn hóa, báo chí, tay súng tay máy ảnh chiến đấu. Ảnh Nam Bộ kháng chiến, Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa là loạt ảnh mở đầu cho các chương lịch sử hào hùng bằng ảnh sau này.
 
Lê Văn Thi chụp ảnh trận quân ta đánh quân Pháp ở Bàu Cá, tỉnh Ðồng Nai (năm 1947). Trần Ðăng Lân có ảnh Bộ đội đánh chặn đoàn tàu hỏa quân sự Pháp rời ga Biên Hòa (năm 1947). Nguyễn Văn Phú chụp phóng sự ảnh Bộ đội địa phương diệt đồn Sóc Trăng, thu vũ khí, kiểm soát quốc lộ (năm 1950). Mai Lộc ghi lại Tội ác giặc chặt đầu du kích ở Mỹ Tho, bêu đầu du kích tại Bến Tre (năm 1949). Khương Mễ có ảnh Tiểu đoàn 307 tấn công đồn Mộc Hóa, diệt xe cứu viện, bắt sống đồn trưởng người Pháp Bertrand… Tại miền trung, mặt trận Bình Trị Thiên nóng bỏng cũng được Bùi Á bám sát.
 
Quân Pháp nhiều lần tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt căn cứ kháng chiến, nhưng càng tiến công, chúng càng thất bại. Ảnh Bác Hồ tại mặt trận Ðông Khê của Vũ Năng An (năm 1950) ra đời trong thời điểm này. Hơn cả mọi ước mơ là ảnh chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ với thiên phóng sự Chiến thắng Ðiện Biên của Triệu Ðại, Ngọc Thông, Nguyễn Ðình Ưu (phóng viên Báo Quân đội nhân dân).
 
Bên cạnh những hình ảnh chiến đấu ngoài mặt trận, các nhà nhiếp ảnh cũng chú ý đến cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng tự do, chú ý đến phong trào thi đua yêu nước mọi tầng lớp. Ảnh Rào làng chiến đấu, Lớp học bình dân xóa nạn mù chữ, Em nhỏ học trên lưng trâu, ảnh Công binh sản xuất súng DKZ, mìn tự tạo, bộc phá, chỉnh sửa súng trường,… của Hồng Nghi, Ðinh Ðăng Ðịnh, Trần Phượng, Văn Khiêm, Ðinh Thúy và nhiều tác giả khác thể hiện được sự chuyển mình mạnh mẽ của hậu phương.
 
Kết thúc chín năm kháng chiến gian khổ là hình ảnh nhân dân Hà Nội tưng bừng cờ hoa đón mừng bộ đội trở về tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954. Có tới hàng chục tay máy chuyên và không chuyên hồ hởi ghi lại sự kiện này. Nguyễn Ðình Ưu, Bùi Duy Ly (Báo Quân đội nhân dân), Nguyễn Bá Khoản (Báo Cứu quốc), Nguyễn Duy Kiên, Phan Xuân Thúy, Thân Trọng Ninh (tại Hà Nội) và Nguyễn Dụ (tức Lê Dũng), Ðào Trình ở Liên khu Ba,… đã chụp được nhiều ảnh giá trị trong thời khắc lịch sử đó.
 
Ðể hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ngành nhiếp ảnh đã được nhà nước đầu tư và quản lý theo hình thức công hữu. Phân xã Nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) ra đời năm 1959 là cơ quan thông tin tuyên truyền bằng ảnh lớn nhất nước, tạo nên sức mạnh mới cho nhiếp ảnh Việt Nam. Có giai đoạn, lực lượng nhiếp ảnh hai miền gồm cả Thông tấn xã Giải Phóng lên tới gần 300 người. Máy ảnh, máy phóng, phim, giấy ảnh… được các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ.
 
Cùng với sự lớn mạnh của nhiếp ảnh Thông tấn xã, nhiếp ảnh của các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, Tiền phong, Hànộimới, nhiếp ảnh của các sở văn hóa cũng được củng cố và phát triển. Nhờ vậy, ảnh về các sự kiện lớn, nhỏ, quan trọng xảy ra trong toàn quốc đều không bị bỏ lỡ. Ảnh về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, thủ công nghiệp ở miền bắc, ảnh về quân đội Mỹ-ngụy càn quét đốt phá làng mạc, bắn giết du kích, dân thường ở miền nam, rồi đến Cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 nổ ra khắp miền nam, Chiến dịch Khe Sanh, Hà Nội - Hải Phòng 12 ngày đêm chiến thắng B52, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam,... đều được ghi hình đầy đủ. Và đỉnh cao của chiến thắng là những bức ảnh quân Giải phóng chiếm Dinh Ðộc lập trưa 30-4-1975.
 
Tiếp đến là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979,... đều được ghi lại cặn kẽ, trung thực. Những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi.
 
Giá trị đặc biệt nữa của nhiếp ảnh là thể hiện được những con người điển hình, những hoàn cảnh điển hình, những sự kiện tiêu biểu của đời sống. Lần đầu ở nước ta, hình ảnh người nông dân, người công nhân, người chiến sĩ, người trí thức được nhiếp ảnh tạc vào tượng đài văn hóa dân tộc với tư cách những con người làm nên lịch sử.
 
Bức ảnh Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Khuyết danh) chụp một tổ chiến sĩ mặc áo trấn thủ ôm bom ba càng sẵn sàng lao vào xe tăng giặc Pháp đã trở thành biểu tượng của người Hà Nội bất khuất. Nó là hình mẫu cho các nhà điêu khắc sau này dựng tượng Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh ở gần hồ Hoàn Kiếm trước phố Ðinh Tiên Hoàng. Cũng trong những năm chống thực dân Pháp, Nguyễn Tiến Lợi đã thành công với ảnh Xung phong, chụp năm 1949 trong chiến dịch Sông Thao (ảnh còn có tên Trận Phố Ràng). Bức ảnh thể hiện rõ khí phách anh Bộ đội Cụ Hồ tay súng trường, chân đất băng qua xác giặc Pháp, xông lên truy kích!
 
Những hình ảnh hào hùng như vậy càng có nhiều hơn, càng đậm nét hơn trong giai đoạn chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Một ấn tượng không phai mờ, dữ dội toát ra từ bức ảnh Hiên ngang của Vũ Tạo, khi anh thu vào ống kính cảnh các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương, bình tĩnh nhả đạn đánh trả máy bay phản lực Mỹ, giữa lúc chúng trút bom xuống trận địa. Hai quả bom vừa nổ dựng lên trời hai cây nấm độc khổng lồ một bạc phếch, một đen đặc, kín cả khuôn hình.
 
Hoặc ảnh Ðấu pháo ở Dốc Miếu của Lương Nghĩa Dũng cho thấy hai pháo thủ xung trận bất ngờ, không kịp đội mũ sắt, nhảy thẳng vào ụ pháo lao đạn, giật cò đánh trả pháo bầy của Mỹ từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, và từ Hạm đội 7 ngoài biển dập vào trận địa. Ảnh Từ thần sấm xuống xe trâu của Văn Bảo nói lên sự thất bại thảm hại của không lực Hoa Kỳ.
 
Phía khuất của chiến thắng là sự hy sinh xương máu, nhà cửa, tài sản của nhân dân. Bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù (ở Hà Nội) làm nhói đau con tim người xem bởi một em gái 11,12 tuổi gào khóc trước khu nhà em bị bom đạn Mỹ đánh sập đang bốc lửa, không biết cha mẹ, người thân ai còn, ai mất. Những bức ảnh như vậy là tiếng thét phẫn nộ lên án chiến tranh phi nghĩa.
 
Ảnh do một người bấm máy, nhưng đối với các phóng viên thông tấn, báo chí, phải kể đến công sức đóng góp quan trọng của hệ thống tác nghiệp phía sau.
 
Ðại thắng mùa xuân năm 1975, mặc dù đã bố trí đủ phóng viên ảnh ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau, dù đã bổ sung hai tổ phóng viên tin ảnh "mũi nhọn" và "thọc sâu" tới Sài Gòn, dù đã có Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân lập "đại bản doanh" ở Lò Gò Tây Ninh chỉ đạo toàn miền, nhưng Tổng Biên tập VNTTX Ðào Tùng vẫn không chịu ở Hà Nội chỉ đạo từ xa. Ngày 2-4-1975, ông dẫn đầu một tổ phóng viên tin ảnh đặc biệt, "thần tốc" đến Tây Ninh, và Sài Gòn. Tối 30-4-1975, ông trực tiếp duyệt ảnh giải phóng Sài Gòn, phát telephoto từ Tây Ninh ra Hà Nội, để Hà Nội chuyển tiếp ra nước ngoài và cung cấp cho các báo trong nước.
 
Hay như hai phóng viên Ngọc Ðản, Hoàng Thiểm đem 18 cuộn phim ra sân bay Ðà Nẵng vào chiều 2-5. Ðược cấp trên đồng ý, lập tức Hoàng Thiểm một mình một máy bay vận tải C130 mang phim ra Hà Nội tráng, làm ảnh, trình Phó Tổng Biên tập Ðỗ Phượng duyệt ảnh, phát telephoto ra nước ngoài và phát cho các báo ngay đêm hôm đó, để kịp sáng 3-5-1975, các báo đăng tiếp ảnh chiến thắng Sài Gòn. Thế là hai đầu cầu Tây Ninh và Hà Nội, Thủ trưởng và Phó thủ trưởng của hãng Thông tấn quốc gia đã khẩn trương phối hợp ăn ý, kịp thời đưa ra công luận trong nước và thế giới những tấm ảnh lịch sử mang vinh quang của đất nước.
 
Vinh quang ấy, những người cầm máy ảnh chúng tôi đều nghĩ, là công lao của những con người trong ảnh đã làm nên lịch sử, và là cả trí tuệ, công sức của những người đứng phía sau làm điểm tựa hậu thuẫn cho ống kính phóng viên thăng hoa.
 
(Theo nhandan.com.vn)
 
 
.
.
Xưởng in giấy khen Hoàng Gia
.