Thứ Hai, 24/08/2020, 10:25 (GMT+7)
.

Quan niệm dân gian về địa thế Gò Công

Tỉnh Gò Công xưa (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) là vùng bình nguyên ven biển rộng lớn với hơn 20 cây số bờ biển và được hợp thành bởi phù sa của sông Cửa Tiểu và dòng Đồng Nai, có diện tích khoảng 55 ngàn mẫu và cách Sài Gòn khoảng 60 cây số. Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Gò Công được chia thành 4 quận Hòa Lạc, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Bình và 36 xã.

a
Lăng Hoàng Gia.

Theo các vị cao niên, Gò Công là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, bởi đây là nơi phát tích dòng họ Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức. Và nơi đây, Anh hùng dân tộc Trương Định đã xây dựng căn cứ kháng Pháp trong nửa đầu thế kỷ XIX…

Còn theo phong thủy, người ta đã tìm thấy 4 điểm linh ứng với 4 hướng đông, bắc, tây, nam ở vùng đất này, mà theo giai thoại dân gian vùng Gò Công, người ta truyền tai nhau 4 câu thơ lục bát sau:

“Bóng lân đã hiện gò đông
Rùa về quy tụ bên sông tây đài
Phượng trương cánh bắc lố mày
Rồng thiên uốn khúc nam nhai ẩn mình”.

Ông bà xưa hay quan niệm rằng, con lân là biểu tượng của điềm lành, bảo vệ gia đình, làng xóm khỏi mọi tai ương. Câu thơ thứ nhất nói hàm ý nói về “gò lân” ứng với vùng phía đông, đây 1 trong 4 con vật tứ linh “long, lân, quy, phụng” xuất hiện tại xóm Gò Táo, làng Tân Niên Đông, thuộc quận Hòa Tân. Theo ông già bà cả kể lại, người ta thấy hình bóng con lân xuất hiện ra vào nơi cái gò này.

Có thể nói rằng, bốn địa danh “gò lân, gò rùa, vườn phượng, rồng thiên” đã kết tinh với bốn hướng “đông, tây, bắc, nam” và hội tụ cho Gò Công thế “địa linh”.

Và rồi từ vùng đất “địa linh” đã sinh ra những người con “nhân kiệt” cho vùng đất Gò Công, góp phần làm rạng rỡ đất Gò Công, tạo ra truyền thống tốt đẹp để nhiều thế hệ con cháu người Gò Công noi theo.

Câu thơ thứ hai nói về “gò rùa” ở khu vực phía tây. Theo tích xưa, giồng Sơn Quy thuộc làng Tân Niên Trung có hình tròn và dài, chính giữa cao lên giống như hình một con rùa nằm, tục danh là gò rùa hay gọi là quy nguyên, ý muốn nói nơi phát tích bên ngoại vua Tự Đức được vững bền như núi rùa.

Rùa được xem là một trong tứ đại thụy thú, mệnh danh là thụy thú cát tường nhất, hài hòa nhất, tượng trưng cho của cải, sức khỏe và trường thọ. Rùa là linh vật sống lâu năm, lại hợp với núi sẽ mang đến sự trường tồn, vĩnh cửu.

Câu thơ thứ ba nói về loài chim phượng (phụng) ở hướng bắc. Người xưa kể rằng, “vườn phượng” của ông Thôn Cựu, điền chủ ở dưới làng Gia Thuận, sau khi nhánh rừng già và đám lá tối trời đã khai phát thành ruộng, ông chủ điền này đã trồng mấy mươi cây cau lớn trong khu vườn nhà, xa xa trông thấy cành lá bung xòe lên khỏi nóc nhà như những cánh chim phượng.

Nói thêm về hình tượng chim phượng trong văn hóa dân gian, nếu như rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa, thì phượng lại có yếu tố âm, tượng trưng cho hoàng hậu. Đây là loài sinh vật bất tử, vòng đời của chim phượng không bao giờ kết thúc. Khi bị thương nặng hoặc cảm thấy mình quá già yếu, phượng hoàng sẽ tự xây một cái tổ bằng lông của mình, rồi tự thiêu bằng chính nguồn nhiệt của bản thân. Từ trong đám tro tàn, nó sẽ tái sinh dưới hình dạng một chú chim non. Với khả năng tái sinh này, phượng hoàng còn là biểu tượng của cả sự sống và cái chết.

Trong phong thủy, thân hình của phượng hoàng gợi lên 5 đức tính của con người: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín: Đầu tượng trưng cho đức hạnh; đôi cánh tượng trưng cho tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ; chiếc lưng tượng trưng cho cách đối nhân xử thế khéo léo; bộ ngực là lòng nhân đạo và lòng trắc ẩn; phần bụng biểu thị sự đáng tin cậy.

Vì thế, trong nghệ thuật chơi cây kiểng, người Gò Công đã sáng tạo ra thế “tam cương, ngũ thường” hay “tam tùng, tứ đức” cũng có ý nghĩa từ đây. Các bộ phận của phượng đều có ý nghĩa của nó: Đầu đội công lý và đức hạnh; mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng; lưng cõng bầu trời; cánh là gió; đuôi là tinh tú; lông là cây cỏ; chân là đất.

Như vậy, chim phượng tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phượng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế chim phượng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Phượng hoàng còn là biểu tượng của đức hạnh và duyên dáng, thanh nhã, cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Có lẽ, người xưa cũng gửi gắm ước mơ chim phượng sẽ mang đến hòa bình, thịnh vượng.

Câu thơ thứ tư là sự xuất hiện của linh vật “rồng” ở khu vực phía nam Gò Công. Vốn là một loài vật linh thiêng tượng trưng cho sự tốt lành, hình ảnh con rồng thường biểu tượng cho những bậc quân tử, đế vương.

Rồng có ý nghĩa biểu trưng cho năng lượng của trời đất, có sức mạnh tạo ra tiết khí, ánh sáng, gió mưa, đất đai, ánh sáng… Người xưa cho rằng, rồng là con của trời, có thể gây mưa, mang đến mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, khí trời mát mẻ.

Rồng có khả năng điều hòa nguyên khí của đất trời, ban phát sự tốt lành cho trần gian. Vì thế rồng biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống.

Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người. “Rồng thiên” trong câu thơ thứ tư nói về 3 con rạch. Một con rạch ở tại làng Tăng Hòa, có hình thế uốn khúc, quanh co như rồng, phía trên giáp sông Cửa Tiểu, vàm rạch rất sâu giống như đầu rồng, hay còn gọi là rạch Long Uông.

Rạch thứ hai ở làng Vĩnh Hựu, giáp sông Cửa Tiểu, gọi là Vàm Rồng hay gọi trại là Vàm Giồng. Rạch thứ ba chảy vào làng Thạnh Nhựt đến cầu Ngang, phía trên rạch có cầu Long Tượng. Phía tả ngạn và hữu ngạn của các con rạch trên đều có các phụ lưu uốn lượn, đổ ra các cửa sông, cửa biển.

Ths.LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.