Thứ Hai, 17/08/2020, 20:44 (GMT+7)
.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Trước năm 1998, việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều yếu tố phô trương, hình thức, có nhiều biểu hiện thiếu lành mạnh. Sau khi có Chỉ thị 27/1998 và Kết luận 51/2009 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, ngành Văn hóa - Thông tin của tỉnh lúc bấy giờ (nay là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện.

Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: Thái Thiện
Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: Thái Thiện

NHIỀU LOẠI HÌNH VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG

Cụ thể, đã phát hành gần 40.000 tài liệu, tin - ảnh thời sự, treo trên 200 pa nô, 1.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức 7 cuộc hội thi văn nghệ quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh. Đội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và cấp huyện đã xây dựng 17 kịch bản tuyên truyền lưu động, tổ chức biểu diễn trên 1.000 buổi ở các xã, phường trong tỉnh.

Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã và các Câu lạc bộ văn xã đã tổ chức trên 400 cuộc sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ tuyên truyền; xuất bản tập sách “Hỏi - đáp về tập tục tín ngưỡng và lễ thức theo vòng đời người xưa và nay” với số lượng 2.000 bản; tổ chức 2 lớp tập huấn nhạc lễ Nam bộ cho gần 100 nghệ nhân của 65 ban nhạc lễ trong tỉnh; thực hiện 2.000 đĩa nhạc lễ Nam bộ và nhạc tang phục vụ cho hoạt động tang tế của nhân dân; thực hiện 2 đề tài nghiên cứu “Lễ hội Nghênh Ông ở Vàm Láng - Gò Công”, “Xây chầu đại bội ở Tiền Giang” và tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về quản lý nhạc lễ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngành VH-TT&DL đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc công nhận các danh hiệu Gia đình văn hóa; ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa. Tính đến cuối tháng 7-2020, toàn tỉnh có 1.001/1.025 ấp, khu phố văn hóa; 117/172 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thi; 467 cơ sở thờ tự, 536 con đường, 43 chợ và 11 công viên văn hóa; có 418.005/449.977 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa...

CƠ BẢN THỰC HIỆN TỐT VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI

Qua hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị 27 và Kết luận 51 của Bộ Chính trị, nhân dân trong tỉnh nắm được các quy định của Nhà nước, đã cơ bản thực hiện tốt việc cưới, việc tang và lễ hội. Về việc cưới, đa số nhân dân thực hiện tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc, thể hiện được nét đẹp văn hóa cộng đồng, thực hiện việc đăng ký kết hôn. Về việc tang, gia đình có người qua đời đều trình báo với chính quyền sở tại và làm thủ tục báo tử theo quy định; hầu hết nhân dân tổ chức tang lễ trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm; đa số người dân ở thành phố thực hiện phương thức hỏa táng người chết.

Về lễ hội, Sở VH-TT&DL là cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh, đã xây dựng kế hoạch tham mưu tỉnh tổ chức tốt các ngày kỷ niệm, các lễ hội lớn của tỉnh. Cấp tỉnh, cấp huyện đều thành lập Ban Tổ chức các ngày lễ lớn, nên nội dung các lễ hội được quản lý chặt chẽ, và ngành VH-TT&DL đã đưa vào phần hội nhiều hoạt văn hóa - thể thao, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng cho nhân dân trong tỉnh. Các đình, miếu, cơ sở thờ tự của các tôn giáo trong tỉnh đều thành lập Ban Thờ tự, nên hoạt động tế lễ nền nếp, đúng với quy định của Nhà nước. Đặc biệt, những năm gần đây, hằng năm vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức lễ giỗ liệt sĩ tại các nhà bia ghi danh liệt sĩ, tạo được dư luận tốt và sự đồng thuận của xã hội...

TẬP TRUNG THỰC HIỆN 5 GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tốt việc cưới, việc tang và lễ hội, ngành VH-TT&DL của tỉnh tập trung thực hiện 5 giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều phương thức đặc thù của ngành, gắn với nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tiếp tục đưa tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh: Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh viết nhiều tin, bài nêu gương người tốt việc tốt; phê bình những cán bộ, đảng viên và người dân có biểu hiện thương mại hóa việc cưới, việc tang và lễ hội.

Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên, coi việc thực hiện tốt các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội là một trong những tiêu chí thi đua, bình xét phân loại đảng viên hằng năm. Mặt khác, phát huy mạnh mẽ tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác này để nhân dân noi theo. Song song đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội theo tinh thần Nghị định 110/2018 của Chính phủ quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

THANH HẢI

.
.
.