Về Đèn Đỏ
Nhà thơ Lê Ái Siêm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang, đã có những câu thơ viết về Gò Công:
“Gửi lại em sáng mưa đẫm trời
thành phố
Anh đi về cuối bãi một dòng sông
Gặp cái nắng chiều quê hồng bỡ ngỡ
Thầm yêu rồi em ạ xứ chim công!”.
Đèn Đỏ là 1 trong những ấp thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Phần đông bà con nơi đây sống bằng nghề đi biển, đánh bắt thủy, hải sản. Vào thời điểm nước lớn, cùng với Cảng cá Vàm Láng, Cảng cá Đèn Đỏ càng trở nên nhộn nhịp, với hàng trăm lao động tấp nập đợi thuyền ghe về cập bến để phân loại hải sản. Nghề biển truyền thống của ấp Đèn Đỏ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đang ngày đêm vươn khơi bám biển.
Lăng ông Nam Hải ấp Đèn Đỏ. |
Theo tác giả Việt Cúc trong “Gò Công cảnh cũ người xưa”: “Thuở xưa, dân chài lưới phương xa tìm đến Đèn Đỏ, vì ở nơi đây họ chọn được con rạch nhỏ và cạn, đem thuyền vào đậu, mỗi ngày chày lưới được nhiều tôm cá. Về sau, lần hồi đến ở, gom lại 5 - 7 nóc gia, cất một bên rạch Cùn, xung quanh đều là rừng hoang, họ chỉ giao thương buôn bán tôm cá với Cần Giờ. Nay rạch ấy đã cạn dần, trở thành cồn cát…”.
NGỌN HẢI ĐĂNG BÊN SÔNG CỬA TIỂU
Cái tên ấp Đèn Đỏ có từ bao giờ và tại sao lại gọi như vậy thì dân ở đây cũng không còn nhớ nổi về gốc tích. Theo các vị cao niên ở đây, ngày trước cửa Tiểu hẹp hơn bây giờ. Để định vị cho tàu thuyền, người ta đã phải làm một cột hải đăng ở bờ Bắc, thuộc ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành.
Hải đăng được dựng trên trụ sắt vững chãi cao cả chục thước, tâm sáng hơn 20 m, tháp tròn màu trắng. Hải đăng độc lập giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển cửa Tiểu định hướng ra vào và xác định vị trí của mình. Nhưng do sau này bị sạt lở đã đổ sụp xuống biển. Từ mé bờ bây giờ ra đến trụ đèn ấy tầm nửa cây số.
Tuy ngày nay trụ đèn đỏ không còn, cả một khu vực rộng lớn bờ Bắc cửa Tiểu, thuộc 2 ấp Tân Phú và Cầu Muống (xã Tân Thành) cũng đang bị sạt lở nặng, làm biến dạng cả một đoạn bờ biển hơn 3 km, có nơi tiến sát vào đê ngăn mặn cho cả vùng Gò Công, nhưng địa danh Đèn Đỏ vẫn được lưu truyền khi nó trở thành tên hành chính quy tụ nhiều ngư dân làm nghề biển khắp nơi tìm về.
XÓM ĐÊM ĐỎ RỰC ÁNH ĐÈN DẦU
Nghề đánh bắt thủy hải sản của ngư dân ấp Đèn Đỏ thịnh nhất cách nay khoảng chục năm, lúc đó nguồn tôm cá khá dồi dào, giúp nhiều gia đình ở xứ biển này khấm khá, nhiều hộ trở nên giàu có. Theo những ngư dân đi biển, có thời điểm liên tục thuyền ghe ở ấp Đèn Đỏ trúng mùa cá đối, nhất là có ngày thả trúng luồng cá chạy thì càng bắt được nhiều cá, thương lái từ khắp nơi kéo đến thu mua tận bờ biển.
Sau những chuyến biển, ghe tàu cập bến lên hàng, bên cạnh công việc tân trang lại phương tiện đánh bắt, sửa chữa lại ngư cụ, chủ ghe cần những người thợ vá lưới gấp để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Thường thì, người phụ nữ đảm nhận công việc này, họ xem đây như là cái nghiệp, bởi vì người đàn ông quanh năm bám biển, nên họ được ví như “tiền tuyến”; còn “hậu phương” là những người phụ nữ chuyên cần làm nên những tấm lưới và công việc vá lưới.
Những năm trước đây, khi chưa có điện, tại đây đã có lúc người ta thắp đèn dầu đỏ rực một vùng quê biển để lấy ánh sáng vá lưới và cân đong, phân loại cá, tôm mỗi khi tàu thuyền cập bến. Có lẽ vì vậy cái tên ấp Đèn Đỏ cũng được định danh đến tận bây giờ.
ĐẶC SẢN VEN BIỂN ĐẤT GÒ CÔNG
Cũng theo tác giả Việt Cúc, trong quá trình giao thương buôn bán với Cần Giờ, người dân Đèn Đỏ đã lấy những hạt dưa về trồng trên những giồng cát lấp pha ít phù sa cùng với nguồn phân cá dồi dào, phong phú của vùng quê biển đã tạo ra 2 đặc sản nổi tiếng vùng Gò Công, đó là mãng cầu tròn và dưa hấu, mà dân gian hay gọi “dưa cồn Đèn Đỏ”.
Với đặc tính ngon ngọt, lớp vỏ ngoài xanh, mỏng, bóng mướt, ruột đỏ bên trong, ít hạt và nhất là có “cát” nên trông rất hấp dẫn. Có lẽ trồng trên đất cát ven biển, hấp thụ mạch nước ngầm và hơi biển mặn mòi nên dưa hấu “cồn Đèn Đỏ” có vị ngọt mặn.
Dưa ở đây nổi tiếng hơn dưa ở các địa phương khác bởi vì nhiều người cho rằng chất đất ở đây có chứa nhiều phân lân (kali) đã tạo cho dưa Gò Công có ruột đỏ, ngon, giòn và ngọt. Nếm miếng dưa hấu Đèn Đỏ, có cảm giác như răng chưa kịp chạm thì dưa hấu đã tan quyện cùng vị ngọt thanh, vị mằn mặn với những “hạt cát dưa” lăn tăn trong miệng. Chính hương vị ấy đã làm nên thương hiệu cho dưa hấu xứ này.
LÊ HỒNG QUÂN