Thứ Hai, 07/09/2020, 10:12 (GMT+7)
.
CÁC NỮ SĨ TRÊN VĂN ĐÀN TIỀN GIANG:

Một thời để nhớ...!

Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khi tôi về Hội Văn nghệ Tiền Giang, lác đác trên văn đàn chỉ một vài cái tên: Trần Thị Bảo Châu, Lê Ngọc Sương, Lệ Thu… Rồi từ các lớp bồi dưỡng sáng tác (hình thức của trại viết sau này) lần lượt xuất hiện các tác giả: Nguyễn Thị Minh, Tuyết Mai, Ngọc Hải, Ngọc Hiền, Ngọc Thủy… Họ công tác ở các ban, ngành: Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Tòa án, Quân đội…, vì đam mê văn chương nên cầm bút.

Còn nhớ, trong một buổi trao đổi sáng tác, nữ sĩ Anh Thơ đọc một bài thơ lục bát mà bà rất thích, trong đó có những câu: Nhà ai tươi nhánh trầu vàng / Mắm tôm đu đủ đỏ giàn ngoài hiên… và hỏi tác giả là ai? Chị Lê Ngọc Sương trong quân phục Công an đứng lên, khiến nữ sĩ Anh Thơ không khỏi… ngỡ ngàng, nể phục.

Hơn 30 năm, nhìn lại đội ngũ tác giả nữ ở Tiền Giang qua các giai đoạn, xin mượn lời của nhà lý luận Võ Tấn Cường đã dẫn ở đầu bài: Người đàn bà đẹp thường khổ, người đàn bà đẹp viết văn lại càng khổ hơn! Tuy vậy, chính sự nhân hậu của trái tim và sự tinh tế của tâm hồn lại giúp người phụ nữ viết lên những trang văn giàu tính nhân bản và chan chứa tình yêu cuộc sống.

Chính những trang văn giàu tính nhân bản và chan chứa tình yêu cuộc sống của các cây bút nữ Tiền Giang đã đóng góp không nhỏ trong sự hình thành và phát triển chung của văn học tỉnh nhà.

Thời bao cấp khó khăn, hoạt động văn nghệ cũng ảnh hưởng, nhuận bút chỉ mang tính tượng trưng, đi hội họp chỉ có nước trà suông, vậy mà sinh hoạt vẫn đều đặn, không thiếu vắng ai, ngay cả những tác giả ở huyện, ở vùng sâu vùng xa…

Còn nhớ, những buổi sinh hoạt Chi hội Văn ở trụ sở Hội Văn nghệ cũ (số 1, đường Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho) bao giờ cũng đủ mặt các cây bút nữ: Tuyết Mai, Nguyễn Thị Minh từ Cai Lậy xuống; Ngọc Hiền, Ngọc Hải ở Gò Công lên... Cô giáo Trần Thị Bảo Châu tha thướt áo dài, bên cạnh quân phục Công an hay quân phục Quân đội của Ngọc Sương, Ngọc Thủy...

Khi hoạt động Hội Văn nghệ (nay là Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang) ngày càng mở rộng, không chỉ khu biệt trong việc xuất bản tạp chí, mà còn hình thành các nhóm sáng tác, câu lạc bộ, bên cạnh các lớp bồi dưỡng còn tổ chức nhiều cuộc thi, nhất là khi phong trào viết tiểu thuyết trở nên rầm rộ trở thành một hiện tượng trong sinh hoạt văn học ở Tiền Giang những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, hàng loạt cây bút nữ xuất hiện: Võ Thị Kim Liên, Kim Quyên, Tường Oanh, Trạc Tuyền, Bích Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Tiếp, Nguyên Huỳnh, Lá Me, Hoàng Thu Dung, Ngọc Lệ, Giang Thu, Trần Thị Vân Thanh, Nguyễn Thị Mộng Thu…

Họ chiếm lĩnh văn đàn, đạt thành tựu ở nhiều thể loại: Trạc Tuyền: Giải Nhì (không có giải nhất) của Cuộc thi Truyện ngắn Tiền Giang năm 1991; Võ Thị Kim Liên, Kim Quyên, Lá Me, Ngọc Lệ, Ngọc Thủy đoạt giải cao trong các cuộc thi thơ, văn kết hợp với các ngành Giáo dục, Y tế…

Đặc biệt, tác giả trẻ Hoàng Thu Dung với tiểu thuyết đầu tay Ru tình lãng quên, vừa xuất bản đã được Hãng phim truyện TP. Hồ Chí Minh chuyển thể thành hai bộ phim với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng thời ấy: Việt Trinh, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng, Y Phụng. Trần Thị Vân Thanh với tiểu thuyết Người tình thu hút độc giả, tái bản nhiều lần, gây tranh luận sôi nổi trên báo chí trong và ngoài tỉnh…

Khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc khảo sát văn xuôi Đồng bằng sông Cửu Long năm 1993 nhằm tìm những gương mặt mới ở vùng đất phương Nam, Kim Quyên với các truyện ngắn: Mùa dưa gang, Thành phố trắng được đánh giá là một trong những cây bút đầy triển vọng… Có thể nói, trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nữ giới có phần “lấn át” văn đàn Tiền Giang cả về lượng lẫn chất.

Trong các trại sáng tác văn học được tổ chức thời gian này, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét vui: Văn học ở Mỹ Tho âm thịnh dương suy! Nhà văn Trang Thế Hy đánh giá cao những truyện ngắn của Trạc Tuyền, Tường Oanh, Kim Quyên, Ngọc Lệ, bày tỏ niềm vui, sự tin tưởng đối với lực lượng cầm bút nữ hùng hậu ở Tiền Giang.

Chào đón thiên niên kỷ mới, với sự ra đời của CLB Sáng tác Trẻ, tờ Văn Nghệ Trẻ của Chi hội Văn được xuất bản song hành với diễn đàn Văn nghệ Tiền Giang của hội, hàng loạt các cây bút trẻ xuất hiện, trong đó có rất nhiều cây bút nữ: Nguyễn Thị Chí Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Chương Thị Khôi Nguyên, Phạm Khánh Liêm, Tường Vy, Thái Bạch, Tuyết Nhung, Trần Hà Kim Đời, Châu Hoài Phương, Huỳnh Nguyễn Bảo Hân, Nguyễn Thị Thu Trang, Thùy Trang, Huỳnh Đoàn Thạch Thảo, Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Tố Trinh…

Sau Cuộc thi Thơ trẻ năm 2000, các tác giả trẻ: Nguyễn Thị Chí Mỹ, Tuyết Nhung, Minh Châu, Khôi Nguyên, Thái Bạch, Thùy Trang… tiếp tục đoạt những giải thưởng trong các cuộc thi văn, thơ, cạnh tranh và tiếp bước các cây bút đàn chị trên văn đàn.

Có thể nói, bước qua ngưỡng của thế kỷ XXI, là bước phát triển khởi sắc của các cây bút trẻ, trong đó nhưng cây bút nữ chiếm ưu thế ở Tiền Giang. Tuy thế, các bậc đàn chị vẫn tiếp khẳng định bằng những thành tựu vươn xa.

Năm 2001, tác giả Kim Quyên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, đây là hội viên thứ 2 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau nhà văn Lương Hiệu Vui (kết nạp năm 1994). Cũng trong năm này, tác giả Trần Thị Ngọc Hồng đoạt giải 3 Cuộc thi Truyện ngắn viết về đạo đức cho thiếu niên, nhi đồng do Nhà xuất bản Giáo dục kết hợp với Hội Nhà văn tổ chức.

Gần đây, nhiều cây bút nữ xuất hiện làm tươi mới văn đàn như: Nguyễn Như Cầm Thu, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Trúc Thanh, Trần Thị Kim Giang, Hương Ngọc Lan… Các cây bút trẻ ngày nay năng động và có nhiều thuận lợi hơn thời chỉ nương nhờ vào báo in. Họ có nhiều kênh để quảng bá tác phẩm (mạng xã hội), tiếp cận độc giả, nên có nhiều động lực viết lách. Nhiều bạn tự in sách, tự tổ chức các buổi ra mắt (chi hội chỉ hỗ trợ về tinh thần), bán sách qua mạng...

THU TRANG
 

.
.
.