Cái kết đẹp cho Ròm
Từ phim ngắn 16:30, từng vinh dự trình chiếu tại Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes 2013, Trần Thanh Huy đã ấp ủ phải thực hiện được phim dài đầu tay. Nếu 16:30 đơn thuần là bộ phim tốt nghiệp, tứ phim được nảy ra trong dịp tình cờ thì Ròm là cả sự tính toán, quyết tâm, lăn lộn trong và ngoài nước xin kinh phí, tài trợ làm phim.
Ê kíp đoàn phim Ròm trong ngày ra mắt |
Trần Thanh Huy đã “nuôi” nhân vật Ròm của Trần Anh Khoa - em trai mình, đồng thời là người đảm nhận vai chính từ phim ngắn cho tới lớn để tiếp tục thực hiện ước mơ điện ảnh của mình. Anh đã dành 2 năm ròng để chọn lựa và tìm ra Wilson Anh Tú trở thành đối thủ “không đội trời chung” của Ròm trên màn ảnh. Và, còn biết bao nhiêu tâm huyết nữa, khó mà kể hết. Không quá lời Ròm chính là thanh xuân với đủ các cung bậc, trạng thái mà Trần Thanh Huy đã trải qua.
Khi được xướng tên ở hạng mục quan trọng nhất New Current (Làn sóng mới) tại Liên hoan phim Busan 2019, hành trình ấy đã đơm hoa. Và, khi bộ phim được trình chiếu trên sân nhà, nó mới thực sự kết quả ngọt, bởi với Trần Thanh Huy, bộ phim được ra mắt với khán giả mới là đích đến cuối cùng. Những câu chuyện về kiểm duyệt, thậm chí có thông tin phim phải cắt gọt, chỉnh sửa đến 50% nội dung giờ đã được xếp lại ở phía sau.
Hiện tại của Ròm là chờ đợi đón nhận của khán giả trong thời điểm vô cùng đặc biệt của phòng vé Việt. Trao cho Ròm cơ hội lớn đồng thời đặt lên vai bộ phim trách nhiệm kéo khán giả đến rạp, góp phần phục hồi rạp chiếu phim vừa là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Nhưng, có lẽ vậy, hành trình của bộ phim càng trở nên đặc biệt hơn, nếu không nói là đặc biệt nhất của điện ảnh Việt trong nhiều năm trở lại đây.
Ròm không phải phim Việt đầu tiên khai thác câu chuyện số đề nhưng số đề chính là câu chuyện trọng tâm, xuyên suốt tác phẩm. Ở đó, tất cả những gì thuộc về mặt trái với sự thật trần trụi được phơi bày trên màn ảnh rộng. Người ta ăn, ngủ, sống, chết cũng chỉ mong có một con số để đổi đời. Niềm tin, hy vọng lớn nhất của họ là khi chiếc đài rè rè và những tấm vé dò được phát đi mỗi buổi chiều.
Hoặc là đổi đời. Hoặc là tuyệt vọng. Thậm chí là chết. Ngay cả với Ròm - cậu bé hơn một lần từng được coi là “thần hộ mệnh” của những gương mặt xám ngoét nơi chung cư nghèo, chuyên dự đoán con số và bán những tấm vé dò mỗi ngày trôi qua cũng là hành trình sinh tử. Những góc máy chao nghiêng rất lạ lẫm trên màn ảnh Việt nhưng đặt để vào Ròm lại hợp vô cùng. Bởi, nó dường như đồng điệu với những thân phận nghèo khó mà cuộc sống nhìn đâu cũng chỉ nhìn thấy những bế tắc, chông chênh, vô định. Cuộc sống họ, và của cả Ròm tù túng và chật hẹp, chòng chành cùng những con số.
8 năm cho Ròm đã không phí hoài bởi những khung hình trên phim đầy ám ảnh, trĩu nặng dẫu những hình ảnh đó chỉ là một phần của cuộc sống thực. Tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Theo bước chân Ròm len lỏi qua những con hẻm nhỏ, luồn lách qua khu chợ, thất thểu trên những con phố đông đúc và mệt nhoài sau những cuộc chiến sinh tử vì miếng cơm manh áo… hồ như cuộc sống đang hiển hiện ra trước mắt chứ không phải trên phim.
Hình ảnh và âm thanh hòa quyện, đồng điệu. Tất cả đã được toan tính để không trật nhịp, tương hỗ, nâng đỡ nhau. Cùng với diễn xuất ăn ý của hai diễn viên chính Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson, khiến câu chuyện càng trở nên ám ảnh.
(Theo.sggp.org.vn)
.