Chữ hiếu trong dòng chảy công nghệ
Cập nhật: 10:54, 12/09/2020 (GMT+7)
Khoảng cách dường như không còn là vấn đề khi công nghệ và mạng xã hội giúp người ta kết nối nhau nhiều hơn. Nhưng liệu tình cảm, nhất là tình cảm gia đình, có thực sự gắn kết và ấm áp với những cuộc trò chuyện cách nhau một màn hình?
Niềm hạnh phúc trong gia đình nhiều thế hệ đến từ sự hiếu thảo của con cháu. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Những năm đại học, không ít lần tôi xúc động khi vô tình chứng kiến những cuộc gọi điện thoại về nhà của vài đứa bạn trong lớp. Chỉ là một cuộc gọi thông thường, đầu dây bên này nghe tiếng cười nói của ba má lẫn mấy tiếng rống của con bò là biết mọi người đang ở ngoài ruộng. Bên kia thì hết ba đến má thay nhau hỏi, nào là “Khỏe không?”, “Mập hay ốm”, “Đi học chừng nào nghỉ lễ, nghỉ hè?”, “Chừng nào về quê?”… Mọi cảm xúc chỉ gói gọn trong âm thanh của giọng nói, nhưng nó không chỉ khiến những người xa quê nhớ nhà, mà ngay cả tôi, dù không phải xa nhà đi học cũng chợt thấy tình cảm gia đình thiêng liêng quá đỗi.
Khi điện thoại thông minh giá rẻ phổ biến, ai nấy cũng có thể vào Internet, mạng xã hội… Đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng… cũng livestream (phát trực tiếp), dù đang đi học hay đi làm cũng có thể theo dõi được ở nhà cúng cỗ mấy mâm, mời cô bác nào. Những cuộc gọi video nhiều hơn, nhìn thấy mặt nhau và biết được ba mẹ/con cái đang làm gì, nhưng dường như cảm xúc chẳng còn là bao. Giữa đám tiệc xôn xao, ai nấy chuyền tay nhau cái điện thoại, dòm một cái, hỏi vài câu, bên kia có trả lời kịp hay không cũng kệ và hôm nào kết nối Internet chập chờn thì coi như xong phim!
Chị họ tôi làm việc khá xa nhà, đi lại cũng mất hơn 45 phút, nên quyết định ở trọ, mỗi tuần về thăm nhà một lần, rồi 2 tuần một lần, có khi hơn cả tháng trời mới về nhà. Vì chuyện về hay không đã không còn quan trọng, khi mỗi ngày xong việc chị gọi video nói chuyện với gia đình vài câu như một báo cáo, ba mẹ thấy mặt con, con thấy mặt ba mẹ vậy là coi như xong. Và khi màn hình điện thoại đã tắt, gia đình trông chờ con cái, còn sấp nhỏ thì vẫn một lý do “bận bịu” và còn mải mê ở tận đâu.
Câu chuyện của chị họ tôi dường như không phải là điều xa lạ hay ngoại lệ trong sự lên ngôi của mạng xã hội và công nghệ. Siêu thị, cửa hàng quần áo, quán cà phê… không khó để bắt gặp vài bạn trẻ vừa lựa đồ vừa video call (gọi video), màn hình bên kia có khi là ba mẹ/anh chị nhưng dễ thấy nhất là những cuộc gọi cho bạn bè: “Ê, cái này hợp với tao không?”, “Mày thấy màu sao, được ha?”, “Quán cà phê này nhiều góc đẹp mày”…
Không đơn thuần là trách nhiệm
Dư luận mấy ngày qua xôn xao, mà phần đông là phẫn nộ trước chuyện con gái đánh đập mẹ già và trong đó cũng không ít ý kiến chê trách người tung đoạn clip là cháu ngoại (con gái của người phụ nữ đánh bà cụ) ở đâu? Quay clip thôi hay có can ngăn hành động của mẹ mình sau đó không?
Có lẽ một lần nữa chúng ta, nhất là những người trẻ đang sống trong thời buổi công nghệ hiện đại, mạng xã hội, cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn về chữ hiếu, sự hiếu hạnh của một người con, người cháu.
Mùa Vu lan, ngày của cha, ngày của mẹ…, mạng xã hội là nơi chứng kiến nhiều nhất những hình ảnh, dòng chia sẻ viết về gia đình. Có thể, người trẻ thể hiện tình cảm gia đình theo cách của riêng họ, nhưng cũng không thiếu trường hợp “sống ảo”. Một người bạn trên mạng xã hội, khoe hình chụp cùng ba mẹ kèm những dòng yêu thương, biết ơn đấng sinh thành. Chưa đầy 10 phút sau, dưới bài viết, chị gái bạn để lại dòng bình luận: “Hình này chụp từ hồi tết phải không, lúc đó còn ghế xích đu. Cả tháng nay chưa thấy về nhà nha cô, ghế xích đu mẹ dẹp rồi cho nhà đỡ chật”. Cô bạn ngượng ngùng, viết lại một bình luận để giải thích lý do chưa về nhà và cuối ngày thì xóa hẳn dòng trạng thái đó.
Trong dòng chảy của công nghệ, không chỉ gia đình mà còn nhiều thứ khác ít nhiều đều bị cuốn theo. Có lẽ, đó cũng là thử thách để bạn trẻ trưởng thành và học cách cân bằng mọi thứ, nhất là biết đặt để vị trí gia đình ở đâu trong cuộc sống hàng ngày, với nhiều mối quan hệ và quan tâm khác.
Cuộc kết nối trực tuyến giữa tôi và một người bạn tên Nguyễn Hải Yến (28 tuổi, đang làm việc tại Sydney, Australia), bạn xúc động khi nhắc về gia đình: “Bây giờ, tôi chỉ mong hết dịch để về nhà với ba mẹ và ăn một bữa cơm chiều do mẹ nấu. Lâu lắm rồi tôi chưa gặp ba mẹ, cảm giác được về nhà sẽ ôm chằm lấy mọi người ngay. Bên này, mỗi ngày tôi đều vào web để theo dõi khi nào đặt vé về được. Tôi nghĩ, sự hiếu thảo không phải là tiền bạc, hay những món quà đắt tiền, mà chính là mỗi người tự giác nhớ và trở về nhà với ba mẹ nhiều hơn. Khi đó, mỗi người sẽ tự biết cách yêu thương và chăm sóc ông bà, cha mẹ của mình chứ không phải mua cái này, mua cái kia, hay đưa một chút tiền cho xong thì coi như là báo hiếu được”.
Sự hiếu thảo trong thời buổi công nghệ cũng có thể là những cuộc gọi video để ba mẹ yên tâm khi chúng ta xa nhà, cũng có thể là những hình ảnh gia đình hạnh phúc được chia sẻ lên mạng xã hội… Đừng để chữ hiếu chỉ là trách nhiệm!
(Theo.sggp.org.vn)