Thứ Tư, 16/09/2020, 13:54 (GMT+7)
.
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH TIỀN GIANG:

Đình Thân Nhơn

Đình Thân Nhơn (tọa lạc ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được lấy theo tên làng Thân Nhơn, lập vào thế kỷ XIX.Căn cứ vào Hồ sơ di tích lưu giữ tại Ban Quản lý di tích và lời kể của các vị cao niên: Trước đây cửa đình quay về hướng Tây Bắc, gồm vỏ ca (nay là Nhà Truyền thống của xã), vỏ quy, chánh điện, nhà việc, nhà thờ Tiên sư và nhà khói.

Một góc đình Thân Nhơn.
Một góc đình Thân Nhơn.

Đình được xây dựng bằng gỗ, cột tròn có đường kính 30 cm kê trên tán đá xanh, bó nền bằng đá tàn ong, mái ngói âm dương, nền lót gạch tàu. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình được thay thế bằng xi măng cốt thép, nhưng vẫn giữ được kiểu kiến trúc ban đầu gồm: Vỏ ca, có diện tích 144 m2, xây dựng theo kiểu tứ trụ, vách tường, cột bằng chất liệu xi măng, mái lợp ngói âm dương.

Hệ thống đỡ mái có 28 cây cột, 4 cột cái gỗ tròn, 24 cột vuông hàng nhì, hàng ba được xây bằng gạch. Xung quanh vách tường có lam thông gió. Hai bên là hai hành lang rộng 150 cm. Vỏ quy có diện tích 45 m2, đỡ mái bằng 4 thanh trính nối 4 cột hàng nhì vỏ ca và 4 cột hàng nhà chánh điện, mái lợp tôn fipro. Tại vỏ quy có treo bảng công đức bằng chữ Hán Nôm khắc âm nét trên gỗ. Nền vỏ quy được lót gạch tàu.

Chánh điện có diện tích 154 m2, được xây dựng theo kiểu tứ trụ. Hệ thống đỡ mái bao gồm 28 cột (4 cột cái bằng gỗ tròn được kê trên tán đá xanh và 24 cột vuông hàng nhì, hàng ba bằng bê tông cốt thép). Mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu.

Nhà việc có diện tích 62 m2, là nơi làm việc của ban hội tề làng trước đây. Nhà thờ Tiên Sư làm hoàn toàn bằng gỗ phía sau nhà việc, cột gỗ vuông cất theo kiểu nhà rường, gồm 8 cột, mái lợp tôn fipro (trước đây lợp ngói âm dương), nền tráng xi măng, diện tích 102 m2; là nơi để thờ Tiên sư, Tiền vãng và là nơi tiếp đãi khách mỗi khi cúng đình. Nhà khói có diện tích 90 m2, được xây dựng bằng chất liệu cột gỗ vuông theo kiểu nhà rường, là nơi làm bếp trong các dịp cúng
của đình.

Bên cạnh kiến trúc của một ngôi đình cổ, đình Thân Nhơn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Trên cửa chính vào chánh điện đắp nổi bằng xi măng 8.4.73 (đây là ngày, tháng, năm tu sửa đình), trên nền cột xi măng trang trí câu đối:

“Hộ quốc tý dân công đức đại
 An nhơn lợi vật
             thiên địa trường”.
“ Thánh đức nguy nga
                       thắng Bắc địa
Thân công hiển hách hộ
                          Nam thiên”.

Bên trong chánh điện, bên trên thanh xiên của 3 gian được trang trí 3 hoành phi sơn son thếp vàng:  

Nhật Trùng Quang
 Cảnh Tinh Khánh Vân
 Nhân Cơ Nghĩa Chỉ

Gian giữa là bàn thờ thần, hai bên là bàn thờ Tả ban, Hữu ban và hai bên vách chánh điện là hai bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền và Tiền vãng, Hậu vãng được bố trí hài hòa cân đối. Nhà thờ Tiên sư được trang trí bằng câu đối:

“Chính khí sơn hà tráng
Trung tâm nhật nguyệt chiêu”.

Hiện còn sắc phong Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thượng Đẳng Thần, Bổn Cảnh Thành Hoàng Thân Nhơn Thôn Chi thần và 2 sắc Thần được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852 và 1853.

Hằng năm, vào các lệ cúng đình, Ban Khánh tiết đều tổ chức các lệ cúng Kỳ Yên, cúng Thần Nông, thượng điền, hạ điền cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về tham dự.

Đình Thân Nhơn đã được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa vào cuối năm 2017.  

NGUYỄN MẠNH THẮNG

 

.
.
Liên kết hữu ích
.