Áo dài trong hành trình di sản
Việt Nam có 13 di sản được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, 7 di sản là quan họ, ca trù, hát xoan, ví - giặm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn. Hiếm có trang phục dân tộc nào góp phần vào quá trình tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể nhiều như áo dài.
Áo dài trên phố trong Lễ hội Áo dài TPHCM 2020. |
Thiêng liêng áo dài
Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng bản sắc văn hóa. “Qua bao biến thiên lịch sử và tiếp biến văn hóa, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở các sự kiện quan trọng đất nước và trên các diễn đàn quốc tế”, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Hồng Oanh nói đầy tự hào.
Đặc biệt, trong suốt hành trình biểu diễn ví - giặm đến nay, chiếc áo dài đã đồng hành cùng NNƯT Hồng Oanh trên khắp các sân khấu. Bà cho biết, áo dài hát dân ca ví - giặm hiện nay khá đa dạng về màu sắc, góp phần không nhỏ vào chiều sâu từng câu hát khi nghệ sĩ biểu diễn. “Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của trang phục truyền thống này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc”, bà Hồng Oanh chia sẻ.
TS Lê Hồng Phước (Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) cho biết, khi biểu diễn đờn ca tài tử, không quy định bắt buộc trang phục biểu diễn là áo dài nhưng các nghệ sĩ luôn chọn chiếc áo này. Trong các cuộc thi tài năng đờn ca tài tử cũng vậy, dù là thí sinh đi thi hay khán giả thì nhiều người vẫn chọn áo dài. Và hiện nay, không chỉ phụ nữ mà nhiều nam giới đã mặc áo dài thường xuyên hơn.
Tháng 9 mới đây, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế đã triển khai trong toàn thể cán bộ công chức, người lao động của sở mặc áo dài đi làm trong ngày thứ hai đầu mỗi tháng. Trong Lễ hội Áo dài TPHCM 2020, nhiều lãnh đạo TPHCM là nam giới và rất đông nam nghệ sĩ, người dân đã chọn lựa mặc áo dài trong lễ hội. Đây là điều rất ý nghĩa, nhắc nhớ thế hệ sau không quên trang phục truyền thống dân tộc, là sự cố gắng rất thiết thực để tôn vinh áo dài.
Cần sớm công nhận quốc phục
“Người Việt Nam đang sở hữu những Di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đến như vậy nhưng chúng ta đã “lãng phí” khi chưa đánh giá cao từng di sản, chưa giới thiệu, quảng bá đúng mức. Không phải công dân Việt Nam nào cũng am hiểu và yêu quý các di sản ấy. Lớp trẻ ngày càng bỡ ngỡ khi tiếp cận với các di sản. Khách quốc tế đến Việt Nam tham quan, tìm hiểu cũng chưa có cơ hội để trải nghiệm, thưởng thức giá trị của áo dài gắn liền với từng di sản văn hóa...”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, đã chia sẻ.
Theo bà Vân, nhiều loại hình nghệ thuật đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân trong quá trình biểu diễn. Không chỉ là chiếc áo mà bao câu chuyện nghĩa tình của từng nghệ nhân, nghệ sĩ, cả hành trình cuộc đời nghệ thuật của họ in đậm trong từng chiếc áo còn là sự ghi dấu hành trình Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc.
Vấn đề hiện nay là áo dài chưa được công nhận là quốc phục, vẫn đang là một “di sản chưa danh xưng” trong lòng người Việt. Ths. Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, cho rằng áo dài đã là Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Theo bà, điều này có thể sẽ nhận được nhiều ý kiến, mà phải nói cụ thể “nghề may áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể”. Cách nói nào cũng được, miễn là chiếc áo dài Việt Nam do bao thế hệ người dân sáng tạo, gìn giữ, qua bao tiếp biến vẫn tồn tại và có giá trị thiêng liêng trong cuộc sống hàng ngày.
“Áo dài là trang phục được nhiều ngành nghề trong xã hội sử dụng, là lễ phục phổ biến của người Việt, là trang phục biểu diễn chính của tất cả loại hình âm nhạc nghệ thuật dân tộc, diễn xướng dân gian của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hẳn nhiên, áo dài có sức sống trường tồn cùng với quốc gia, dân tộc”, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM kỳ vọng.
Văn hóa áo dài là một giá trị văn hóa sống động cần được bảo vệ và phát huy trong bối cảnh xã hội đương đại. Như cách đây vài ngày, trong phần thi tài năng Hoa hậu Trái đất 2020, thí sinh Jie Ding (25 tuổi, Trung Quốc) đã mặc trang phục được cho là giống áo dài Việt gây nhiều ý kiến trái chiều.
Có người cho rằng thí sinh dự thi dù cố tình hay vô ý mặc trang phục của nước khác mà không nói rõ tại cuộc thi sắc đẹp quốc tế là “xâm lược văn hóa”, cũng có người cho rằng nên nhìn nhận theo hướng tích cực là áo dài Việt đã phổ biến đến mức thí sinh nước khác mặc.
Dù thế nào, việc đưa áo dài sớm được công nhận là quốc phục, UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, là mong mỏi của nhiều người Việt, để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
(Theo https://www.sggp.org.vn/ao-dai-trong-hanh-trinh-di-san-692310.html)