Thứ Năm, 15/10/2020, 09:34 (GMT+7)
.

Dấu ấn từ một phong trào về xây dựng đời sống văn hóa

Thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là Phong trào) đã để lại dấu ấn, với những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện Phong trào, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Cai Lậy được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp.
Thực hiện Phong trào, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Cai Lậy được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp.

PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐỒNG THUẬN

Trở lại nhiều vùng nông thôn ở huyện Cai Lậy, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay với những ngôi nhà tường khang trang ẩn hiện sau vườn cây ăn trái. Đường đan, đường nhựa nối liền các ấp; ven đường là hàng rào cây xanh, những khóm hoa mười giờ, sao nhái, chiều tím… đua nhau khoe sắc từ bàn tay vun trồng, chăm sóc của người dân.

Thời gian qua, hệ thống chính trị 2 cấp huyện và xã của huyện Cai Lậy chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...,  nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện và các xã có kế hoạch kiểm tra, đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng chất các danh hiệu văn hóa một cách thực chất, hiệu quả. Điển hình tại xã Mỹ Long, sự sâu sát của Ban Chỉ đạo đã tạo sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng và nâng chất các danh hiệu của Phong trào, thể hiện bằng những con số, việc làm cụ thể.

Ông Bùi Văn Trăn, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long cho biết: “Phong trào đã tạo nền tảng vững chắc để xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018. Hằng năm, 100% ấp trên địa bàn xã giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa, xã giữ vững danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Phong trào đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, huy động nguồn lực trong cộng đồng hướng đến mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…”.

Ông Nguyễn Văn Huê (bên trái), ấp Phú Thuận, xã Phú Nhuận bên tuyến đường do ông hiến đất mở rộng và góp sức chỉnh trang cảnh quan môi trường.
Ông Nguyễn Văn Huê (bên trái), ấp Phú Thuận, xã Phú Nhuận bên tuyến đường do ông hiến đất mở rộng và góp sức chỉnh trang cảnh quan môi trường.

Đến tháng 10-2020, địa bàn huyện có 15 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 126 ấp, 115 cơ quan, 36 cơ sở thờ tự, 48 con đường, 4 chợ và 2 công viên đạt danh hiệu văn hóa. Bình xét cuối năm 2019, huyện Cai Lậy có hơn 47.700 “Gia đình văn hóa” (đạt 94,66% số hộ đăng ký). Phong trào có sức lan tỏa sâu rộng đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, tinh thần cần cù lao động, nỗ lực vượt khó trong nhân dân.

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH, ĐIỂN HÌNH

Điểm nhấn của Phong trào ở huyện Cai Lậy thời gian qua là việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh trật tự… được phát động và nhân rộng như: “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - an ninh”, “Đoạn đường không rác”, “Tuyến đường ánh sáng an ninh”, “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”...

Mỗi mô hình là một bước tiến của Phong trào, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy, nhân thêm những điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Qua 20 năm thực hiện Phong trào, huyện Cai Lậy có hơn 18.900 tập thể, cá nhân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, hiến đất xây dựng giao thông nông thôn… được biểu dương, khen thưởng.

Ở ấp Phú Thuận (xã Phú Nhuận), gia đình ông Nguyễn Văn Huê được biết đến là gia đình văn hóa tiêu biểu. Không chỉ vượt khó trong phát triển kinh tế gia đình, ông còn nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, ông Huê đã hiến gần 80 m2 đất để mở rộng đường ấp Phú Thuận và vận động người dân trồng hoa, cây xanh tạo bóng mát, chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ông Huê bộc bạch: “Lãnh đạo xã phát động chỉnh trang cảnh quan tuyến đường này, tôi thấy rất thực tế, vì lẽ đó các thành viên trong gia đình đã dành thời gian chăm sóc sân vườn, hàng rào bông trang trước nhà, chăm chút cho khuôn viên nhà và tuyến đường sạch đẹp”.

20 năm thực hiện Phong trào ở huyện Cai Lậy đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân. Ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lan tỏa. Các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xây dựng nông thôn thêm giàu đẹp.

TRƯỜNG GIANG

.
.
Liên kết hữu ích
.