.

Khơi dậy niềm tin hướng thiện cho phạm nhân

Cập nhật: 20:50, 18/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Việc ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động thư viện, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho phạm nhân giai đoạn 2020 - 2025 giữa Trại giam Phước Hòa thuộc Cục C10, Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang là một trong những hoạt động nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho phạm nhân, nâng cao hiểu biết, khơi dậy niềm tin hướng thiện, giúp phạm nhân an tâm tư tưởng, mau chóng tu dưỡng tiến bộ. 

PHỐI HỢP TỔ CHỨC NHIỀU HOẠT ĐỘNG

Theo kế hoạch ký kết, hằng năm, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang và Trại giam Phước Hòa phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao với các hình thức phù hợp điều kiện quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân như: Giao lưu, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim, trưng bày triển lãm, xem truyền hình, nghe đài, đọc sách, báo, vẽ tranh, viết báo tường, viết tự truyện, viết thư xin lỗi, hội thi, thi đấu giao hữu thể thao…

Trại giam Phước Hòa và Mỹ Phước ký kết chương trình phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Các đơn vị thực hiện ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động thư viện, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho phạm nhân giai đoạn 2020 - 2025.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết: “Thực hiện nội dung chương trình kế hoạch, chúng tôi luôn cử cán bộ chuyên môn đến hướng dẫn, bồi dưỡng trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng phong trào văn hóa, thể dục - thể thao cho trại giam. Các đơn vị trực thuộc Sở còn thực hiện việc luân chuyển sách, báo, chiếu phim tuyên truyền lưu động kết hợp biểu diễn văn nghệ ca múa nhạc… nhằm tạo môi trường cải tạo tốt, giúp phạm nhân an tâm tư tưởng, mau chóng tiến bộ”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bé Chính, Phó Giám thị Trại giam Phước Hòa, các hoạt động nằm trong chương trình ký kết giữa 2 đơn vị sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho phạm nhân, trại viên, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong cơ sở quản lý, giam giữ. Từ đó, vận động được sự tham gia phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thân nhân phạm nhân để tăng cường các nguồn lực nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp và giáo dục cải tạo toàn diện, giúp đỡ phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

NIỀM TIN HƯỚNG THIỆN

Sau Lễ ký kết chương trình phối hợp, Trại giam Phước Hòa đã tổ chức Hội diễn “Tiếng hát tình đời phạm nhân” lần thứ IV. Hội diễn có 3 đội tham gia đến từ 3 phân trại của trại giam. Mỗi đội không quá 25 phạm nhân, thể hiện 5 tiết mục trong vòng 35 phút gồm đơn ca, song ca, tốp ca, múa hát và tiểu phẩm. Các tiết mục đều do phạm nhân tự sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.

Các tiết mục của các đội.
Tiết mục biểu diễn của các đội.
 
Bỏ qua mặc cảm, không ít phạm nhân đang cải tạo tại trại giam đã đứng trên sân khấu cất lên lời ca, tiếng hát. Với những tiết mục được chuẩn bị công phu, đều chứa đựng nội dung về tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hoàn lương, mong ngày làm lại cuộc đời.

Trong đó, tiểu phẩm “Mẹ ơi, đợi con về!” của Đội Phân trại số 2 do phạm nhân Lê Chí Hiếu sáng tác và dàn dựng. Nội dung tiểu phẩm đã thật sự gây xúc động, bởi được dàn dựng từ một câu chuyện có thật về một chàng trai trẻ nhà nghèo tên Vũ, sống với người mẹ già đi bán vé số để nuôi Vũ ăn học. Nhưng Vũ không chịu học hành mà suốt ngày ăn chơi lêu lỏng.

Một ngày, trong cơn túng quẩn Vũ đã ra tay cướp giựt số tiền của một người bán vé số, rồi lãnh mức án 3 năm tù. Người mẹ già ở nhà hằng ngày đi bán vé số, tích góp tiền đi thăm Vũ. Trên đường đến trại giam thăm con thì bà lại bị cướp hết tiền. Được mọi người giúp đỡ nên bà được vào trại thăm Vũ, khi gặp mẹ, Vũ đã rất hối hận và quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm về với mẹ.

Các tiếc mục do phạm nhân các phân trại tự dàn dựng và trình diễn.
Các tiết mục do phạm nhân các phân trại tự dàn dựng và trình diễn.

Khi những thanh âm trong trẻo vút lên, tình đời, tình người chứa chan trong từng câu ca, tiếng hát. Họ hát say sưa, ca ngợi Đảng, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và gửi vào đó nỗi niềm sâu kín, khát vọng hoàn lương. Với chủ đề “Vững niềm tin”, Đội Phân trại số 1 đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đội tại hội thi.

Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải khi nhận xét phải thốt lên rằng: “Thật sự khâm phục các anh em phạm nhân, không phải là những diễn viên, ca sĩ nhưng từng lời ca, tiểu phẩm đã làm lay động lòng người. Khi các anh em bước lên sân khấu và cất cao tiếng hát, không ai còn nhận ra đó là những con người từng lầm đường, lạc lối. Lời ca, tiếng hát của anh em đã đưa con người vào thế giới những điều tốt đẹp và tâm hồn hướng thiện. Sau hội diễn này, Sở VHTT&DL sẽ cử cán bộ chuyên môn vào trại để hướng dẫn anh em tập luyện tham gia hội diễn của cụm”.

Các tiếc mục do phạm nhân các phân trại tự dàn dựng và trình diễn.

Các tiếc mục do phạm nhân các phân trại tự dàn dựng và trình diễn tại Hội diễn “Tiếng hát tình đời phạm nhân” lần thứ IV.

Trong môi trường giáo dục, cải tạo ở trại giam, với phạm nhân thì đây có lẽ là khoảng thời gian ngắn ngủi họ được khoác trên mình chiếc áo diễn viên. Qua Hội thi “Tiếng hát tình đời phạm nhân” không chỉ đem đến cho khán giả nhiều nhạc phẩm, tiểu phẩm lay động lòng người mà còn khơi dậy niềm tin hướng thiện cho phạm nhân, giúp họ có tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.

PHƯƠNG MAI

 
 
 
.
.
.