Miễu Điền trong Khởi nghĩa Nam kỳ
ĐÔI NÉT VỀ MIỄU ĐIỀN
Miễu Điền (đình Mỹ Trung xưa) hiện tọa lạc tại ấp Mỹ Khương, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Thời vua Gia Long, có 2 làng Mỹ Trung và An Khương, thuộc tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường; năm 1936 thuộc tổng Thạnh Quang (thời Thiệu Trị và Tự Đức gọi là tổng Thạnh Quơn).
Trong kháng chiến chống Pháp, ta gọi là xã Tịnh Hà, huyện chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho; chính quyền thực dân Pháp đặt xã Mỹ Tịnh An thuộc tổng Thạnh Quơn, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Đình Mỹ Trung được lập vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mái lợp ngói âm dương, cất theo kiểu sắp đọi, gồm 3 gian, cột tròn. Sau do ảnh hưởng của chiến tranh, giặc Pháp đốt phá, phải di dời nhiều lần. Nay là miễu Điền, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 230 m2, gồm vỏ ca và chánh điện.
Trước năm 1930, mỗi làng chỉ có một đình, chủ yếu thờ Thần Nông. Làng Mỹ Trung có đình Mỹ Trung. Làng Tịnh Hà có đình Tịnh Hà. Làng An Khương có đình An Khương. Sau đó sáp nhập 3 làng này thành làng Mỹ Tịnh An. Ở làng có chủ Vạn, là một địa chủ rất giàu, được phong chức Phủ hàm, nên gọi là Phủ Vạn, có quyền hành trong xã. Phủ Vạn bắt tá điền đắp con lộ đất nối từ cầu Bà Thẻ vào đình Mỹ Trung dài khoảng 2,5 km để bà con tiện vào đình miễu cúng bái; đồng thời, tiện cho việc dùng xe bò vào thu tô, chở củi.
Vì muốn đình gần nhà để tiện việc đi lại cúng bái, Phủ Vạn cho dời đình Mỹ Trung về ấp Mỹ Trường. Nhân dân làng Mỹ Trung bất bình, chống đối, làm đơn thưa lên quận. Phủ Vạn thua kiện, đình Mỹ Trung được xây lại nhưng với quy mô nhỏ hơn, gọi là miễu. Miễu thờ Thần Nông nên gọi là Miễu Điền. Sau này, miễu Điền là căn cứ của Huyện ủy, Huyện đội Chợ Gạo trong hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
MIỄU ĐIỀN - TRUNG TÂM KHỞI NGHĨA CỦA NHÂN DÂN XÃ MỸ TỊNH AN
Theo quyển “Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Tịnh An”, tháng 10-1940, để biểu dương lực lượng trong huyện, tại xã Mỹ Tịnh An đã tổ chức hai cuộc tập dượt khởi nghĩa tại miễu Điền.
Mỗi cuộc tập trung từ 30 - 40 người, nổi trống mõ, đốt đuốc rực trời, hô vang các khẩu hiệu nhằm thị uy lực lượng. Bọn tề xã run sợ không dám đàn áp, vì vậy phong trào đấu tranh của lực lượng ta có bước phát triển nhanh và mạnh.
Do có sự chuẩn bị, tập dượt trước, nhận được lệnh khởi nghĩa từ hệ thống chỉ đạo của cấp trên (lúc ấy đồng chí Ba Hoàng là Tỉnh ủy viên liên tỉnh Long An - Mỹ Tho), chạng vạng tối 23-11-1940, tại miễu Điền, nhân dân treo cờ đỏ sao vàng trên ngọn cây dương, có hơn 1.200 quần chúng nhân dân từ các xã Phú Kiết, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An được tập hợp, kéo tới miễu Điền dự mít tinh, sau đó biến thành cuộc biểu tình, đoàn người nổi trống mõ vang trời, tù và, pháo tre, đèn đuốc sáng rực cùng với giáo mác, gậy gộc, tầm vông vạt nhọn rầm rập kéo đi, qua Mỹ Trường đập phá nhà Phủ Vạn, đốt hết sổ sách, giấy tờ.
Đoàn tiếp tục kéo ra ngã tư Tịnh Hà phá nhà Việc, đốt hết giấy tờ, sổ sách và đánh chiếm đồn Tịnh Hà. Đồn Tịnh Hà có 3 lính Mã tà và bọn tề xã hoảng sợ bỏ chạy, ta thu 2 súng Ca-lip-xây. Khí thế đoàn người khởi nghĩa càng dâng cao, bọn tề làng khắp nơi hoảng sợ bỏ trốn. Đoàn người kéo xuống ấp An Khương, qua chợ Nhựt Tiên. Tại những nơi này, nhân dân đập phá, đốt nhà Việc, sổ sách, giấy tờ và treo cờ búa liềm ngay giữa chợ, tổ chức mít tinh.
Cũng tại đây, đồng chí Bùi Văn Khánh, Bí thư Chi bộ xã Trung Hòa đã huy động nhân dân hai bên phố chợ đến nghe diễn thuyết về tình hình cách mạng, tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, ủng hộ kháng chiến, chống thực dân Pháp, đánh đổ địa chủ phong kiến, đem lại ruộng cày và các quyền lợi cho nông dân. Đây là cuộc diễn thuyết công khai đầu tiên của Đảng tại 2 xã Mỹ Tịnh An và Tân Bình Thạnh.
Sau khởi nghĩa ngày 23-11-1940, thực dân Pháp quay trở lại bắt bớ, đàn áp phong trào một cách dã man, được sự chi viện của bọn lính trên tỉnh, quận, bọn tề làng ra sức lùng sục, bắt bớ đánh dập, tra khảo những người tham gia lãnh đạo phong trào khởi nghĩa. Ở ấp Mỹ An, giặc đã đốt cháy gần 50 căn nhà, bắt cả 5 cha con ông Luận Mai đày ra Côn Đảo. Một số đảng viên và các cán bộ cốt cán của xã: Bùi Văn Khánh, Huỳnh Hóa Đỏ, Dương Văn Diễn… cũng bị bắt, một số đồng chí phải chuyển qua vùng khác tạm lắng.
Tuy cuộc khởi nghĩa bị đàn áp tàn bạo, nhưng để lại nhiều bài học quý giá, đã đào tạo và rèn luyện một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì quyền lợi dân tộc, lợi ích của nhân dân. Mặt khác, qua cuộc khởi nghĩa, quần chúng nhân dân được thử thách, góp phần cùng cả nước chuẩn bị cho Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
NGUYỄN MẠNH THẮNG