.

Có một thú vui thật là tao nhã

Cập nhật: 11:17, 14/12/2020 (GMT+7)

Hiện nay, phong trào nuôi chim cảnh đã khá phổ biến. Có thể nói, thú nuôi chim vô cùng hấp dẫn, lại lành mạnh và không mấy tốn kém nên thu hút rất đông người. Những người chơi chim thường giữ thói quen nhâm nhi ly cà phê buổi sáng lắng nghe những âm thanh thánh thoát, bình yên của những chú chim do chính tay mình nuôi dưỡng; suy gẫm lại những bước thăng trầm của cuộc sống đã qua và nghĩ về tương lai…

Anh Lê Minh Phước, một trong những người có nhiều kinh nghiệm chơi chim ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hồi nhỏ, ở quê tôi rất thích nghe chim hót, nên thường bẫy chim về nuôi. Sau này lớn lên, vì công việc, không có điều kiện để nuôi chim, đành bỏ một thời gian, nhưng cảm thấy nhớ tiếng chim hót, cứ chạy xe ngoài đường nghe được tiếng chim là  tấp vô lề dừng xe lại để thưởng thức. Những lúc như thế tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn...”. Không bỏ được tiếng chim, anh quyết định nuôi chim trở lại, xem việc nuôi và thuần dưỡng chim như một niềm đam mê không thể dứt ra được.

Phong trào nuôi chim cảnh đang phát triển mọi nơi.
Phong trào nuôi chim cảnh đang phát triển mọi nơi.

Thú chơi chim cảnh như “chiếc cầu nối” gắn kết những người có cùng niềm đam mê. Hiện nay, tại TP. Mỹ Tho và các huyện, thị đều có cội chim (nơi những người chơi chim tụ hội với nhau). Gần như hằng ngày tại các cội chim, nhất là vào các ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật, từ tờ mờ sáng, những người chơi chim đã tụ tập để trao đổi kinh nghiệm nuôi và thuần dưỡng chim.

Ngày xưa, phong trào nuôi chim cảnh không lan tỏa, bởi ông bà ta quan niệm “cầm tù” chim trời cá nước trong lồng là một cái “tội”. Hơn nữa, ngày xưa đất rộng người thưa, đất đai còn hoang sơ nên chim rừng được tự do sinh sôi nảy nở rất nhiều. Không những chim xuất hiện hầu như mọi nơi, mà lúc nào chúng cũng cất tiếng hót…

Những năm gần đây, vùng nông thôn đã được đô thị hóa, cảnh huyên náo của đàn chim hoang dã gần như mất hẳn. Nhiều người cảm thấy nhớ tiếng hót líu lo, ríu rít mang đến sự bình yên của những chú chim. Vì vậy, phong trào nuôi chim cảnh, chim hót ngày nay đã lan rộng khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê hầu như nơi nào cũng có những chợ chim, những điểm bán chim bày bán đủ loại chim.

Theo giới chơi chim cho biết, một chú chim giỏi được đánh giá qua các yếu tố “thanh - sắc - hình - bộ”. Để nuôi một chú chim “chơi được” là một điều khá đơn giản. Thế nhưng, để có được một chú chim giỏi, hót hay, màu sắc sặc sỡ, hình và bộ đẹp, khỏe khoắn là điều mà không phải người chơi chim nào cũng làm được.

Đó là cả một quá trình kỳ công. Thế nhưng, đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều người “nghiện” thú chơi tao nhã này. Việc thuần dưỡng chim càng khó, người ta càng say mê tìm tòi những kỹ thuật tiên tiến mới lạ hơn. Người chơi chim luôn muốn nâng cấp trình độ, tay nghề của bản thân để có thể nuôi dưỡng những chú chim cao cấp, hót giỏi.

Anh Cao Hữu Tín, một người chơi chim ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: Mỗi người nuôi chim có những bí quyết cho riêng mình để có được những chú chim giỏi. Thông thường, để chim có giọng hót hay, người ta thường nuôi chim bổi (chim bổi là chú chim rừng đánh bắt được bằng bẫy). Thế nhưng, chim này rất nhát người, nên thuần dưỡng phải mất một thời gian dài. Và việc thuần dưỡng không phải chuyện dễ dàng. Còn nuôi chim non hay chim chuyền thì khó có giọng hót hay.

Các loại chim phổ biến hiện nay là chích chòe than, chích chòe lửa, họa mi, chào mào… Thông thường với giá chỉ từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng là sở hữu một chú chim để thuần dưỡng, chăm sóc. Đối với giới chơi chim, giá cả đôi khi cũng rất “tùy hứng”, phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà dân chơi chim mới có thể lý giải một cách cụ thể được.

Đối với người mới tập chơi chim nên tìm đến những cửa tiệm bán chim, tránh mua của những người bán “trôi nổi” ngoài đường vì rất dễ bị họ “vẽ”, bán với giá đắt hơn so với giá trị thực. Đã đầu tư vào chơi chim thì việc trang bị một chiếc lồng cho tương xứng cũng rất cần thiết. Lồng đắt tiền hay không phụ thuộc vào sự cầu kỳ và tinh xảo của những đường nét chạm trổ.

Đặc biệt, những chiếc lồng chim được “đặt hàng” làm theo ý của dân chơi chim có giá thành cao hơn gấp 2 - 3 lần lồng chim bình thường, nhưng nó thể hiện được tính cách, cũng như tâm hồn của chủ nhân. Còn đối với những người “chịu chơi”, chi ra vài triệu đồng cho 1 chiếc lồng chim là việc bình thường.

Anh Tín cho biết thêm, nếu nuôi chim non muốn có giọng hót bắt chước được giọng của những con chim rừng thì có nhiều cách, như thu âm giọng hót của một con chim “bậc thầy” vào băng cassette để cho chúng nghe hằng ngày. Chịu khó đưa chim đến các tụ điểm chơi chim để cho chim dượt. Dượt ở đây có nghĩa là cho chim nghe được giọng hót của những giọng chim đang thời căng lửa để bắt chước dần dần. Thường thì, khi mới được nghe giọng chim lạ, chúng tỏ ra “khớp”, nhưng khi về nhà chúng lại hăng lên và hót hay hơn. 

Giữa chim và người chơi không có mối quan hệ “chủ - tớ”, mà đó là mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Hai bên cần phải hiểu nhau hoặc cần phải có sự đồng điệu nhất định nào đó; vì thế, với nhiều người, các loài chim giống như một người bạn tri kỷ có thể thấu hiểu và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày lập đông, ngồi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng, lắng đọng lại bên tiếng hót thanh thót của những chú chim do chính tay mình nuôi dưỡng là một niềm vui lớn của những người chơi chim. Trong từng tiếng hót của những chú chim chào mào, chích chòe, họa mi…, đâu đó mùa xuân đang về rất gần.

KỲ PHONG

.
.
.