Thứ Năm, 21/01/2021, 11:07 (GMT+7)
.

Cuộc đua tiền tỷ của điện ảnh Việt

Phim Việt có kinh phí lên đến 2-3 triệu USD giờ không còn là câu chuyện lạ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất (NSX) phim Việt còn chịu chơi hơn khi dám đầu tư hàng tỷ đồng cho một phân cảnh hay đại cảnh.

Những đại cảnh trong phim Sám hối được đầu tư nhiều tỷ đồng. Ảnh: ĐPCC
Những đại cảnh trong phim Sám hối được đầu tư nhiều tỷ đồng. Ảnh: ĐPCC

Chịu chơi

Trận đấu chung kết võ đài MMA trong Sám hối được đầu tư đến 7 tỷ đồng. 3 ngày dàn dựng bối cảnh, 4 ngày ghi hình, gần 2.500 diễn viên quần chúng tham gia… Riêng chi phí điện nước cho 7 ngày chuẩn bị, quay hình cũng gần 1 tỷ đồng. Đội hậu cần của phim cũng hùng hậu không kém khi mỗi ngày 4 nhà cung cấp phải đảm bảo 9.000 suất ăn. Phim cũng có nhiều đại cảnh: 300 vận động viên bơi lội tham gia cảnh quay bơi qua kênh Nhiêu Lộc, 500 tay đua xe đạp tham gia cuộc đua xe đạp… Phần nhạc phim cũng được đầu tư kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, trong tổng số kinh phí sản xuất gần 50 tỷ đồng. “Chúng tôi mong muốn thực hiện bộ phim với các diễn viên Việt Nam, được quay 100% tại Việt Nam để giới thiệu ra thế giới”, đại diện NSX chia sẻ.

Mùa phim tết năm nay có 4 bộ phim “cạnh tranh” nhau về mức độ đầu tư để có những cảnh quay hoành tráng.

Một điều đáng mừng, sau khi hoàn thành các cảnh quay, nhiều đoàn phim mong muốn giữ lại bối cảnh để trở thành điểm tham quan du lịch. Đơn cử, sau khi hoàn thành các cảnh quay, ê kíp Gái già lắm chiêu V đã bàn giao khu vườn Bạch Trà Viên cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để biến nơi đây thành địa điểm tham quan cho khách thập phương.


Đầu tiên, Bạch Trà Viên - bối cảnh chính của Gái già lắm chiêu V được đầu tư hơn 2 tỷ đồng và mất 3 tháng chuẩn bị. Hơn 2.000 cây bạch trà được ươm tại miền Bắc trước ngày quay 5 tháng, sau đó được vận chuyển tới Huế để trồng luân phiên. Khuôn viên 500m2 sau Cung An Định được nâng nền 20cm, lát sàn, lót gạch, phân luống. Nhiều loại cây trái đặc trưng xứ Huế: thanh trà, hồng huế, cam sành, chanh… hay đài phun nước, tượng nữ thần và tường bao chạm trổ công phu cũng được lắp đặt. Thiết kế nội thất cho 15 căn phòng bối cảnh phim cũng tốn 3 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự án gần 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng).

Bố già với kinh phí 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) cũng có cú máy độc đáo trị giá hơn 1 tỷ đồng, được làm bởi hơn 100 con người trong hơn 100 giờ và chỉ trong 1 cú máy duy nhất dài hơn 100m. Oneshot là cú máy khó trong điện ảnh và ê kíp đã tốn 3 ngày để thực hiện: dàn dựng bối cảnh, góc máy, lắp đặt các cánh tay đòn; một ngày để các diễn viên tập dượt cho thật nhuần nhuyễn và ngày cuối cùng chính thức bấm máy.

Không chịu kém cạnh, đạo diễn Lý Hải dù không tiết lộ con số chính xác nhưng khi thực hiện Lật mặt: 48H cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng 15 ngôi nhà sàn mới trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, với Trạng Tí, tổ thiết kế gần 100 người trong 2 tháng ròng rã nỗ lực không ngừng nghỉ để dựng lên bối cảnh làng Phan Thị tại Tràng An, Ninh Bình với chi phí gần 2 tỷ đồng. “Với mong muốn mang đến không khí và màu sắc của một ngôi làng quê Việt Nam như làng Phan Thị, chúng tôi quyết định sẽ tái hiện ngôi làng này ra đời thật”, NSX Ngô Thanh Vân chia sẻ.

Nỗ lực nâng chất

Theo NSX Ngô Thanh Vân, Trạng Tí là dự án công phu nhất Studio68 từng thực hiện. Quá trình dựng ngôi làng Phan Thị, ngoài việc đầu tư thời gian, tiền bạc, còn cho thấy sự tỉ mỉ. “Chỉ riêng mái nhà cũng được lợp bằng cỏ dầu địa phương. Trong quá trình dựng ngôi làng này, ê kíp gặp điều kiện thời tiết bất lợi khi có những trận mưa rất lớn, làm ngập cả làng, cây xanh trong làng chết rất nhiều.

Sau cùng, đoàn phim đã phải suy nghĩ nhiều phương án dựng lại rất căng thẳng”, Ngô Thanh Vân cho biết. Trong khi đó, với Lý Hải, yêu cầu đặt ra khi xây dựng những ngôi nhà sàn phải hòa hợp với những ngôi nhà sàn mang đậm nét đẹp thời gian của làng Chăm trước đó, an toàn cho các cảnh đánh đấm.

Tuy nhiên, kinh phí sản xuất cao có phải yếu tố bảo chứng cho chất lượng và doanh thu phòng vé? Trên thực tế, kinh phí sản xuất lớn cho phép các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo, đầu tư kỹ lưỡng hơn ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, việc sử dụng kinh phí sao cho hiệu quả là bài toán khác. Không ít phim có kinh phí vài chục tỷ đồng, nhưng khi ra mắt, chất lượng chưa tương xứng, không được khán giả đón nhận.

Theo đạo diễn Namcito, việc đầu tư kinh phí nhằm đảm bảo được chất lượng và yêu cầu khắt khe của khán giả. Anh nói: “Một sản phẩm muốn kéo khán giả đến rạp phải đảm bảo nhiều yếu tố: hình ảnh đẹp, câu chuyện hay, kịch bản chặt chẽ, âm nhạc tốt, diễn viên đẹp và diễn xuất tốt”.

(Theo https://www.sggp.org.vn/cuoc-dua-tien-ty-cua-dien-anh-viet-709929.html)

.
.
.