Thứ Tư, 06/01/2021, 09:58 (GMT+7)
.

Họa sĩ Hoàng Tuyển với những tác phẩm nổi tiếng

Hoàng Tuyển tên thật Chung Kim Tiền, sinh năm 1912 tại làng Tân Niên Trung, tổng Hòa Lạc Thượng, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Trung, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân.

MỞ RỘNG QUAN HỆ LÀM ĂN VỚI CÁC GÁNH CẢI LƯƠNG

Do có năng khiếu hội họa, ông được gia đình cho đi học vẽ với ông Nguyễn Thanh Dương, họa sĩ học từ Pháp về, ở làng Đồng Sơn (nay là xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, ông học vẽ với họa sĩ Huỳnh Phan, cũng học từ Pháp về.

Được các gánh cải lương ở Nam kỳ mời, ông cùng với họa sĩ Huỳnh Phan chuyển sang chuyên vẽ phông màn và trang trí sân khấu.  Khoảng năm 1932 - 1933, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều gánh cải lương bị giải tán, ông được một người làm thầu khoán xây dựng tên là René Được nhận vào làm nghề trang trí nội thất.

Được một thời gian, ông thầu khoán này kinh doanh bị thất bại, ông chuyển đến gánh cải lương Hề Lập với nhiệm vụ vẽ phông màn và trang trí sân khấu. Từ đây, ông mở rộng mối quan hệ làm ăn với các gánh cải lương danh tiếng ở Sài Gòn, như Hoa Sen, Tiến Hóa, Tô Huệ, Phụng Hảo… Trong thời kỳ này, tài năng của ông bắt đầu nở rộ.

THAM GIA CÁCH MẠNG

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng tại quê nhà. Đầu tháng 10-1945, ông trích tay lấy máu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm được tổ chức ở đình Trung, TX. Gò Công và được ông Trương Văn Huyên, nhân sĩ ở làng Tân Duân Đông (nay là xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) mua với giá 15.000 đồng, là một số tiền rất lớn, tương đương mấy ngàn giạ lúa. Số tiền đó đã được nộp vào Quỹ “Tuần lễ vàng” để giúp cách mạng có kinh phí hoạt động.

Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tuyển (thứ ba từ trái sang).
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Tuyển (thứ ba từ trái sang).

Cuối tháng 10-1945, sau khi giặc Pháp tái chiếm Gò Công, ông cùng với lực lượng bộ đội chuyển quân đến căn cứ Rừng Sác - Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục kháng chiến. Giữa năm 1946, ông được điều động về Phòng Chính trị thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đóng ở chiến khu Đồng Tháp Mười làm công tác văn nghệ, tuyên truyền.

Năm 1947, ông được cấp trên phân công thiết kế Nhà triển lãm tại Thiên Hộ (nay thuộc xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhân Đại lễ kỷ niệm 2 năm Ngày Quốc khánh nước ta (2-9-1945 - 2-9-1947) do Ủy ban Kháng chiến Nam bộ tổ chức. Nhà triển lãm được hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng, rất hoành tráng, rực rỡ và tuyệt đẹp.

Mùa nước nổi năm 1948, trong điều kiện hết sức khó khăn, chỉ trong vòng 1 tháng, ông đã hoàn thành việc vẽ 12 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, khổ 1 m x 1,2 m theo yêu cầu của cấp trên để làm phần thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc  trong chiến đấu của quân khu.

Sau ngày đất nước được hòa bình, thống nhất (năm 1975), ông trở về miền Nam, sinh sống và công tác ở TP. Hồ Chí Minh. Năm 1992, mặc dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn cùng với người học trò giỏi của mình là nhà điêu khắc Diệp Minh Châu miệt mài lao động nghệ thuật, sáng tác tượng đài Trương Định đặt tại trung tâm TX. Gò Công, xem đó là nghĩa vụ của người con Gò Công đối với quê hương của mình.

Năm 1993, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân. Tuy đã về hưu, nhưng ông vẫn sống lạc quan và tiếp tục sáng tác, phục vụ đất nước và nghệ thuật. Ông mất năm 1999 tại TP. Hồ Chí Minh. Tên ông được đặt tên đường ở TX. Gò Công.

Với những tác phẩm hội họa này, ông đã được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn gửi thư khen:  “… Tôi cùng với phái đoàn Nam bộ vừa đi họp Hội nghị từ Trung ương mới về tới.

Đâu đâu, phái đoàn chúng tôi cũng được chính quyền và đồng bào địa phương chào mừng, đón tiếp trọng thể… Tôi đã được chính quyền và đồng bào địa phương tặng cho một tấm hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một bức vẽ rất đẹp, rất giống…

Tôi đã đưa về cơ quan lồng kiếng và treo ngay văn phòng, để ngày nào tôi cũng được trông thấy và tưởng như Người đang ở trước mặt mình… Được biết chân dung này do họa sĩ Hoàng Tuyển thuộc Phòng Chính trị Quân khu 8 tạo nên. Tôi gửi thư này tỏ lòng khen ngợi người nghệ sĩ đã đem tài năng mình cống hiến cho cách mạng…”.

Cũng trong thời gian này, ông đã thiết kế mỹ thuật cho tất cả các vở cải lương và kịch nói do Đoàn Văn công Nam bộ trình diễn. Những sân khấu do ông thiết kế đều lộng lẫy, mặc dù vật liệu chủ yếu là tre nứa và đệm bàng.

TẬP KẾT RA BẮC

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Đoàn Cải lương Nam bộ, phụ trách công việc trang trí sân khấu và thiết kế phục trang. Đặc biệt, tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1956, với vở Quang Trung do Đoàn Tuồng cổ Liên khu V trình diễn, ông được trao tặng Huy chương Vàng về thiết kế sân khấu và phục trang.

Sau đó, ông được mời thiết kế trang phục cho Đoàn Ca múa Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức tại thủ đô Viên (Vienne), nước Áo; sau đó, đi biểu diễn tiếp ở Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Ấn Độ và Miến Điện (nay là Myanmar).

Với tinh thần trách nhiệm cao độ, ông đã miệt mài lao động nghệ thuật sáng tạo trong suốt 6 tháng để cho ra đời hơn 100 phác thảo trang phục cho 12 tiết mục ca, múa của đoàn, chủ yếu là múa nón, múa quạt, múa bướm, múa cồng chiêng, múa dưới trăng… Những phác thảo đó đã được Hội đồng nghệ thuật nhất trí thông qua.

Trước ngày lên đường, với tư cách là Phó Bí thư chi bộ và phụ trách nội bộ của đoàn, ông cùng với toàn thể diễn viên được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn báo cáo, được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người ân cần  động viên, dặn dò đoàn khi lần đầu tiên đi biểu diễn ở nước ngoài.

TUỆ MINH

.
.
.