Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê cách mạng xã Phú An, huyện Cai Lậy, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, tuổi thơ với nhiều cơ cực, nhưng cậu học trò nghèo vẫn quyết tâm vượt qua thử thách, theo đuổi con chữ và không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành nghệ nhân - nhà điêu khắc tên tuổi. Đó là nghệ nhân - nhà điêu khắc Trần Văn Trầm 1 trong 4 nghệ nhân của tỉnh Tiền Giang vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Nghệ nhân Trần Văn Trầm tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. |
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng và sông nước… Do ham học, mỗi ngày ông phải băng đồng gần 8 cây số để đến lớp ở thị trấn Cái Bè (chưa kể những ngày địch tổ chức càn quét, dội bom phải đi đường vòng xa hơn) và tranh thủ trên đường đến trường bắt cá lia thia bán để có tiền ăn học. Đầu năm 1965, giặc Mỹ oanh tạc dữ dội, xóm làng tan hoang vì bom đạn. Khi đó, đang học đệ ngũ (lớp 8), ông suy nghĩ, nếu học tiếp phổ thông dù đậu hay rớt tú tài thì cũng bị địch bắt lính.
Thế nên, năm 1969, ông quyết định thi vào Trường Kỹ thuật Vĩnh Long, kết quả nằm trong tốp 10 thí sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi, được ưu tiên chọn ngành học (ông chọn ngành Điện tử). Năm 1972, ông được nhà trường tuyển chọn tham dự và đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Điện tử toàn quốc, được Bộ Giáo dục thời đó cấp Bằng Tưởng lệ (Bằng khen). Sau khi ra trường, cha mẹ mất do chiến tranh, ông trở về quê làm ruộng nuôi 6 đứa em.
Tuy gắn bó với công việc đồng áng, nhưng lúc nào ông cũng suy nghĩ phải tìm cách thay đổi cuộc sống, thay đổi hoàn cảnh. Năm 1978, ông nộp hồ sơ dự thi và trúng tuyển vào Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau 8 năm trui rèn, ông đậu tốt nghiệp, được trường giữ lại, phân công tham gia sáng tác và xây dựng các công trình mỹ thuật trong thời gian 2 năm. Cũng trong thời gian này, tác phẩm đầu tay ông được tham gia chỉ đạo “Mẹ đồng bằng” (công trình bê tông cốt thép) cao 32 m, xây dựng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.
Mặc dù gần bước qua tuổi “thất thập” nhưng nghệ nhân Trần Văn Trầm chưa chịu ngơi nghỉ, dường như ông vẫn còn nặng nợ và đam mê cái nghiệp vốn đã gắn bó với ông suốt 40 năm qua. Ông phấn khởi cho chúng tôi biết: “Công trình “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” do tôi và nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng đồng sáng tác, qua nhiều đợt tuyển chọn, Hội đồng thẩm định tỉnh Cà Mau đã thống nhất chọn mẫu phác thảo này và sẽ đề xuất tỉnh bố trí vốn thi công trong thời gian tới”. |
Qua trải nghiệm thực tế, ông càng đam mê cái nghiệp mà mình đã chọn và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Trong thời gian công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, rồi Bảo tàng Tiền Giang, cho đến lúc nghỉ hưu ông đã sáng tác và chỉ huy xây dựng hơn 70 công trình, tác phẩm điêu khắc, gồm: Tượng đài, bia truyền thống, biểu tượng và nhiều thể loại điêu khắc tạo hình khác.
Phần lớn các tác phẩm của ông khắc họa chân dung các nhân vật lịch sử và các dữ kiện lịch sử (trận đánh), tiêu biểu là các tác phẩm: Căn cứ Tỉnh ủy Long Tiên, Bình Xuân; Bia căm thù Bến đò Phú Mỹ; Tượng đài Anh hùng dân tộc (AHDT) Thủ Khoa Huân, AHDT Thiên Hộ Dương; tượng đồng chí Nguyễn Văn Côn…
Một số tác phẩm khác do ông sáng tác còn tạo dấu ấn ở một số tỉnh, thành: Tượng đài “Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao” (đồng đúc cao 10 m) và Tượng đài “Chi bộ đầu tiên” (đá Granite cao 30 m) ở tỉnh Vĩnh Long; Tượng đài “Chiến thắng Tiểu đoàn 857” (đá Granite, cao 15 m, do ông và người em ruột là Nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng đồng tác giả) và tác phẩm “Giấc mơ xa” (đá Marble) ở TP. Hồ Chí Minh; tác phẩm “Bất khuất” đá Granite (Trại Sáng tác điêu khắc đá Côn Đảo, năm 2009)…
Ngoài sở trường khai thác về đề tài lịch sử, nghệ nhân Trần Văn Trầm còn tái hiện lại vẻ đẹp hoang sơ về những miền quê, những thân phận, những ký ức về thời thơ ấu qua những tuyệt tác như: Gà chọi, Cà nanh, Ký ức nẩy mầm, Thân phận... Bên cạnh việc sáng tác và chỉ huy xây dựng công trình, ông còn tham gia giảng dạy, tổ chức triển lãm, trưng bày tác phẩm tại các bảo tàng, nhà truyền thống…
HUỲNH VĂN XĨ