Tiền Giang với nét văn hóa chưng nghi dịp lễ, tết
Chưng nghi là một loài hình nghệ thuật dân gian đã có từ lâu đời ở vùng Tiền Giang. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, các sản vật dồi dào, phong phú, các nghệ nhân đã tận dụng hoa, quả và các nguyên liệu tự nhiên chưng kết thành các sản phẩm nghệ thuật trang trí trong các dịp lễ, tết, trở thành nét văn hóa của người dân Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng.
KẾT HỢP HÀI HÒA HOA, QUẢ, LÁ...
Tạo hình linh thú hay tạo hình khác từ các loại hoa, quả vốn không xa lạ với nhiều người, nhưng để tạo hình các linh vật đẹp mắt tham gia hội xuân, lễ, tết thì không nhiều người làm được. Dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân hoặc người thợ, từ những trái cây quen thuộc trong đời sống hằng ngày: Bưởi, cam, ớt, cau, thanh long… đã được “thổi hồn” thành những tác phẩm rồng, phượng… vô cùng đẹp mắt, cầu kỳ và công phu.
Hằng năm, Hội Xuân ở nhiều huyện, thị, thành đều tổ chức thi chưng nghi, chưng kết hoa trái theo chủ đề từng năm, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống vùng Tiền Giang. |
Căn cứ vào chất liệu, có thể phân ra làm 2 loại: Chất liệu khô và chất liệu tươi. Chất liệu khô thường sử dụng cho các tác phẩm hình khối, bằng cách tận dụng những gốc cây, nhánh cây có hình thù kỳ quái để sắp xếp, gia cố thành những con thú hoặc một tác phẩm mang tính ước lệ, để chuyển tải một nội dung, ý tưởng nào đó thể hiện ước vọng tốt đẹp của con người như: Tam đa (ba cái nhiều: Phúc nhiều, Lộc nhiều và Thọ nhiều; Ngũ phúc (năm điều phước, tức tốt lành: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh)…
Ưu điểm của các tác phẩm từ chất liệu này là thời gian sử dụng lâu, có thể trưng bày ở mọi nơi, nhất là ở ngoài trời. Còn đối với chất liệu tươi, nghệ nhân sử dụng các loại hoa, lá, vỏ cây, hạt, quả, thân cây tươi… để lắp ghép tạo thành một bức phù điêu, hình khối hoặc tranh lắp ghép… Ưu điểm của loại chất liệu này là màu sắc phong phú, hấp dẫn, nhưng không bảo quản được lâu và thường chỉ trưng bày trong nhà.
Theo các nghệ nhân, thông thường, trong các đám tiệc ở gia đình, như lễ cưới, lễ chúc thọ…, thường chưng kết ở các nơi: Bàn thờ giữa nhà đặt độc bình (bên trái) cắm hoa tươi, xung quanh kết hình rồng hoặc phượng quấn quanh bó hoa; cái chò (bên phải), trên có 1 dĩa quả. Ngoài sân, thường chưng kết theo chủ đề: Phước, Lộc, Thọ, với biểu tượng nai, dơi bên dưới gốc tùng già hoặc Lộc tước công hầu, Long hổ hội..., với ý nghĩa ước mong sung túc, thịnh vượng, trường thọ.
Theo tích xưa, thường có các chủ đề: Văn Vương cầu hiền (chúc mừng thời vận hanh thông), Ngũ từ vinh qui (chúc mừng con cháu thi đỗ đạt)… Hình tượng nhân vật được tạo tác bằng đất sét hoặc gỗ, trang phục được kết bằng các loại vỏ cây trong tự nhiên.
Chưng kết ở rạp đám tiệc, cổng chào lễ hội cũng được làm khá công phu, thường khung sườn được làm bằng gỗ, trên có mái che giả dạng cổ được kết bằng hoa, trái. Các cây cột được bó ốp bẹ chuối, kết rồng, phượng hoặc bó thêm lá đủng đỉnh hoặc bông dừa. Tùy theo lễ sẽ treo các biển có nội dung phù hợp, được kết bằng lá cây, các loại đậu, bông có màu sắc đẹp kết ghép chữ.
Nghệ nhân Ngô Văn Nhớ, ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, có hơn 40 năm gắn bó với nghề chưng kết nghi, chia sẻ: Điểm cốt lõi của việc chưng kết nghi là biết cách lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa những loại hoa, quả, lá với nhau để tạo nên một tác phẩm có tính nghệ thuật. Quan trọng là, dù thể hiện bất cứ đề tài nào, tác phẩm phải có hồn và sinh động qua từng đường nét, màu sắc…
Để mọi thứ hài hòa luôn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của bàn tay của nghệ nhân hoặc người thợ. Trên hết, cần có vốn kiến thức phong phú về văn hóa, lịch sử để thể hiện tác phẩm có chiều sâu, kết nối được ý tưởng nghệ nhân và cảm xúc người xem. Bởi tác phẩm nghệ thuật nào cũng hướng đến mục tiêu cuối cùng là tính chân, thiện, mỹ…
Theo Đề tài nghiên cứu một số loại hình văn hóa phi vật thể tại Tiền Giang do nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh làm chủ nhiệm, trước đây nghệ thuật chưng nghi phổ biến ở Tiền Giang, là loại hình văn hóa không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tết. Đặc biệt là, ở các vùng Vĩnh Kim, Cai Lậy, Gò Công, vào các dịp như Lễ Kỳ Yên, dịp tết… cũng là ngày hội đua tài sôi nổi, thể hiện sự khéo léo chưng kết của các nghệ nhân trong vùng; dịp tết cổ truyền của dân tộc, nhiều gia đình có điều kiện đều chưng kết ở bàn thờ gia tiên.
KẾT HỢP THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ dần thay đổi, việc chưng kết trong các đám tiệc tại gia (rạp, cổng) không còn phổ biến, dần được thay thế bằng các sản phẩm trang trí được làm sẵn bởi chất liệu công nghiệp.
Tuy nhiên, việc chưng kết (chưng nghi) tại các lễ hội lớn với sự kết hợp giữa thủ công truyền thống và công nghệ hiện đại đã phát triển mạnh, nhiều nghệ nhân ở vùng Chợ Gạo, Cai Lậy, Gò Công… đoạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Thật vậy, theo nghệ nhân Ngô Văn Nhớ, dù kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhưng chưng nghi có nét độc đáo riêng, vì vậy vẫn luôn thu hút sự quan tâm của những người yêu nét đẹp văn hóa truyền thống. Hằng năm, vào tháng giáp tết thì làm không xuể tay, từ làm cho lễ hội Kỳ Yên, hội xuân của các huyện, thành, thị trong và ngoài tỉnh Tiền Giang, đến gia đình người dân chưng kết trái cây mừng tết nguyên đán.
Điều này cho thấy, nghệ thuật chưng nghi ở Tiền Giang không mai một, mà tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau về một giá trị văn hóa thẩm mỹ mang đậm nét đặc trưng của miền sông nước nói chung và Tiền Giang nói riêng.
GIA TUỆ