Thứ Sáu, 12/02/2021, 06:50 (GMT+7)
.

Món Tết "nhà làm"

Tết có lẽ là dịp đặc biệt nhất đối với phụ nữ Việt. Ăn Tết, chơi Tết, người ta hoàn toàn có thể mua sắm toàn bộ các món ăn được chế biến sẵn chỉ bằng một cú click chuột, hoặc ra chợ truyền thống, đi siêu thị… Nhưng cũng có những người chỉ thích tự tay làm ra những món ăn, món bánh mứt ngày Tết, cho dù chỉ để có hương vị Tết chứ không phải để phục vụ mục đích ăn uống.

Mâm cỗ truyền thống…

Ngày Tết, đương nhiên gia đình nào cũng mong muốn có trên mâm cỗ những món ăn truyền thống. Với các gia đình có nhiều thế hệ, đôi khi những món truyền thống này được sự tư vấn, “chỉ huy” trực tiếp từ các bà, các mẹ, với những kinh nghiệm, kiến thức được lưu giữ và trao truyền từ nhiều thế hệ.

Cách làm những món này có dễ có khó. Dễ vì đã thành thói quen, thành truyền thống từ năm này qua năm khác, cứ như thế mà làm. Khó vì phải tuân thủ những quy tắc bất thành văn trong món ăn, không phải cứ thích biến tấu thế nào cũng được.

Chẳng hạn như xôi gấc là phải có chút mỡ gà cho bóng mướt, thổi xôi không được “hai đũa”, tức là hai người nấu. Bánh chưng thì xanh ngoài trắng trong, rền vỏ mềm nhân, chứ các cụ lại không chuộng thứ bánh chưng mà gạo được ngâm nhuộm cho xanh ngắt từ nước lá giềng như bây giờ.

Tự làm món Tết có lẽ còn có phần nào bắt nguồn từ thời bao cấp, những năm tháng khó khăn về mọi thứ đã khiến các bà nội trợ phải tự xoay sở để có được đầy đủ những món ăn bày biện cho ngày Tết được đủ đầy. Bóng bì là một trong những món như vậy.

Ngày xưa, cảnh tượng nhà nào cũng có những miếng bì lợn cắt vuông xiên một que tre phơi trên dàn dây phơi ngoài cửa vốn dĩ vô cùng quen thuộc. Thịt lợn ít, mua theo tem phiếu, người ta cắt miếng bì cạo thật sạch lông, tẩy sạch bằng rượu gừng hoặc phèn chua, xiên que tre cho phẳng rồi đem phơi nắng nỏ hoặc đem nướng cho nổ trên than hoa.

Ngày nay, bóng bì không còn nhiều người thích ăn, và thứ thực phẩm này có thể mua được rất dễ dàng, cho nên không nhiều người tự làm nữa. Nhưng cũng có những người nhớ tay nghề xưa của bà, của mẹ, mà lại lật miếng bì ra lọc mỡ, và xiên que tre lên phơi miếng bóng bì khô nỏ như ngày xưa.

Một món ăn khác, ít được nhắc đến nhưng trước Tết cũng được các bà, các mẹ làm và phơi la liệt trên các mâm, mẹt ngoài sân, trên mái nhà, đó là củ cải khô. Củ cải thái sợi, thái rối, và cũng đem phơi nắng nỏ. Gần Tết trời âm u, ít nắng, thì nhà nào có bếp củi sẽ tận dụng hong củ cải bên trên. Củ cải sợi phơi khô cất đi, thường dùng trong món trộn chua mặn ngọt, hoặc ăn với bún thang, vốn là những thứ thịt thà còn dư sau Tết.

Ngoài những món trên mâm, thì mứt cũng là những thứ hay được các bà, các cô nội trợ tự làm. Táo, khế, quất… là những thứ hay được làm nhất vì… dễ. Táo chọn quả xanh, giòn, không chọn táo bột vì liên quan đến độ dai của thành phẩm. Táo rửa sạch để ráo, dùng tăm nhọn châm hoặc dùng dao khía chung quanh quả táo. Ngâm táo với nước vôi trong khoảng 8 tiếng để có độ chắc và miếng mứt được trong. Sau đó chần qua với nước sôi đun phèn chua và rửa sạch. Ngâm táo với đường, cho đến khi đường chảy ra thì đem sên cho đến khi táo có màu vàng đậm. Rải táo ra mâm hoặc mẹt rộng đem phơi hoặc sấy. 

… Cho đến món hiện đại

Ngày nay, sự phát triển rộng rãi của mạng Internet cùng các thiết bị cầm tay thông minh đã hỗ trợ cho các bà nội trợ rất nhiều. Không chỉ vậy, rất nhiều trào lưu liên quan đến việc tự làm món ăn ngày Tết đã trở nên thịnh hành, thu hút sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ. 

Những năm trước, trước Tết khoảng một tháng là thời điểm nhiều chị em đua nhau ngâm rượu hoa quả. Rượu hoa quả thực chất giống như siro, có thêm chút rượu. Hoa quả gồm nhiều loại: táo, dâu, nho, cam, dứa, kiwi… Món rượu này gây sốt chủ yếu do các loại hoa quả tạo nên hình ảnh rất đẹp, bắt mắt cho bình rượu. Hoa quả thái lát ra ngâm với đường phèn, thêm một chút rượu nếp hoặc vodka. Ngâm rượu khoảng một tháng là uống được, có vị ngọt, thơm dễ uống, phù hợp với phụ nữ. Đẹp và dễ uống, cho nên một thời gian dài, công thức ngâm rượu này đã gây sốt với các bà nội trợ khắp mạng Internet.

Một trong những món cùng từng “làm mưa làm gió” trên mạng và cho đến nay vẫn được nhiều người thích, đó là bắp bò ngâm mắm. Chua mặn ngọt, giòn, thơm ngậy, món ăn này đã trở thành thứ đối trọng với những bánh chưng thịt mỡ gây ngấy trong mấy ngày Tết. Bắp bò ngâm mắm làm không khó, chỉ cần tỉ mỉ một chút, như chọn chiếc bắp ngon, bắp hoa thì càng đẹp, luộc trước với nước có gừng nướng, hành củ nướng, quế, hoa hồi, thảo quả và chút mắm ngon. Sau đó pha mắm, đường, dấm theo khẩu vị vừa ăn, đun sôi, để nguội rồi đem ngâm bắp bò vào, nhớ đập nhánh tỏi, thả quả ớt và chùm tiêu xanh vào cho thơm, có chút vị cay và nhìn đẹp nữa. 

Thời công nghệ 4.0, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh nối mạng là bà nội trợ có khi không cần nhúng tay vào làm bất cứ thứ gì trong bếp, chỉ cần click chuột là có đầy đủ mâm cỗ Tết, đầy đủ các món ăn vặt từ mứt, ô mai đến các loại hạt. Nhưng với nhiều người, tự làm món Tết không chỉ gửi gắm tình yêu thương dành cho gia đình vào những món ăn, gửi sự ngon, ngọt, lành vào trong đó, mà đôi khi, lại là cả một sự hoài niệm mong nhớ về những cái Tết xưa, bên bà, bên mẹ…

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
Liên kết hữu ích
Tổng kho tủ nấu cơm 24 khay inox giá rẻ Cách phối hợp hương vịGiải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu Bàn là Miele chính hãng
.