Thứ Tư, 17/02/2021, 10:03 (GMT+7)
.
NGHỆ NHÂN LÊ MINH SĨ:

Thổi hồn cho tranh gỗ

Đam mê hội họa khi còn là học sinh tiểu học, hơn 30 năm qua nghệ nhân Lê Minh Sĩ (ngụ phường 8, TP. Mỹ Tho), hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đã sáng tác nhiều tranh gỗ có giá trị về mặt nghệ thuật. Đặc biệt, tranh gỗ tạo tác từ kỹ thuật bút lửa được xem là một trong những tuyệt tác của ông; bởi để tạo ra một tác phẩm có hồn, ông phải mất nhiều thời gian, dành hết tâm huyết chăm chút cho “đứa con tinh thần” của mình.

 Nghệ nhân Lê Minh Sĩ tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Nghệ nhân Lê Minh Sĩ tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Ông Sĩ cho biết, do đam mê hội họa từ nhỏ, nên sau giờ học, trong lúc phụ ba mẹ đi bán đồ chơi trẻ em (do ba mẹ làm bằng tre nứa), ông tranh thủ học lớm các họa sĩ vẽ tranh, vẽ chân dung bên vệ đường; đồng thời, luôn mang theo bên mình bút chì hoặc phấn để vẽ lại những gì mình đã học và quan sát được. Thế rồi, năm 13 tuổi, cơ duyên gặp nghệ nhân Lê Đức Ngọc và ông được nghệ nhân đồng ý nhận làm học trò, đã hết lòng truyền dạy nghề tranh ghép gỗ. Tuy nhiên, sau khi học nghề được một thời gian, vì hoàn cảnh gia đình, ông phải bôn ba nhiều nơi với đủ nghề để kiếm sống. Trong thời gian này, ban ngày đi làm, ban đêm ông tranh thủ rèn luyện tay nghề hội họa…

Trong thời gian bôn ba kiếm sống, ông còn tranh thủ học thêm về tranh bút lửa. Năm 1987, ông quyết định trở về TP. Mỹ Tho mở cơ sở sản xuất tranh gỗ Minh Thy, kết hợp truyền dạy nghề cho lớp trẻ. Và cũng kể từ đó, ông Sĩ lần lượt cho ra đời nhiều tác phẩm tranh gỗ độc đáo, bao gồm 2 thể loại chính: Tranh ghép gỗ và tranh bút lửa. Theo ông Sĩ, đối với tranh ghép gỗ, việc lựa chọn đúng loại gỗ làm nền, thiết kế bố cục phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng. Ông thường sử dụng lõi cây mít, xà cừ, hay dái ngựa… để xẻ tấm (hình oval) làm nền cho bức tranh; tiếp theo dùng cưa lọng để lọng chữ, hoa, lá theo mẫu thiết kế (được vẽ trên giấy và dán lên mặt gỗ).

Để lọng chữ gỗ, ông thường sử dụng gỗ cây lồng mức do có màu trắng khá nổi bật cùng độ bền, dai, không bị gãy, vỡ khi lọng; để tạo hoa, lá trang trí, ông sử dụng gỗ dừa và lồng mức để lọng, mài (hay chạm, khắc) tạo hình. Sau bước làm tinh (mài, bào láng, sơn), các chi tiết trên được dán lên tấm gỗ nền, phun PU để tăng độ bóng, giữ màu được lâu và chống trầy xước.

Để tạo ra một bức tranh bút lửa, quá trình thực hiện còn đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn. Trong đó, phần nền của bức tranh thường sử dụng ván ép hồng (loại nhập khẩu dày 1 cm). Một số chi tiết trang trí cũng giống như tranh ghép gỗ; riêng bước chạm, khắc tạo nét và sử dụng bút lửa để vẽ lên gỗ (dùng điện làm nóng ngòi bút bằng kim loại để đốt gỗ) theo mẫu phác thảo, đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu, kinh nghiệm, tay nghề điêu luyện, cộng với sự tập trung cao độ trong suốt quá trình tạo tác. Đối với những tác phẩm có kích thước lớn, nghệ nhân phải sử dụng bộ đèn khè của thợ kim hoàn để tạo kỹ xảo kết hợp dùng bút lửa có ngòi thật nhỏ để chấm hàng vạn dấu chấm lên bề mặt gỗ. Nếu hội đủ những yêu cầu trên, cũng có nghĩa nghệ nhân đã thổi hồn vào tác phẩm của mình…

Dự kiến, trong thời gian tới, tôi sẽ đề nghị và phối hợp với Trường Cao đẳng Tiền Giang mở lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho các bạn trẻ có năng khiếu và yêu thích bộ môn nghệ thuật này, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương”

NGHỆ NHÂN LÊ MINH SĨ PHẤN KHỞI CHO BIẾT.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Lê Minh Sĩ đã sáng tác rất nhiều tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, được giới học thuật, các chuyên gia về mỹ thuật đánh giá cao. Một số tác phẩm tranh bút lửa tiêu biểu của ông gồm: Làng tôi được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tiền Giang năm 2012; Quà của rừng đoạt giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ nhất, năm 2012; Biển đợi đoạt giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019...

Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác nhiều tác phẩm tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu tạo nhiều dấu ấn, như tranh sơn dầu Vươn ra biển xa trưng bày tại Triển lãm khu vực ĐBSCL năm 2015; tranh liễn gỗ thư pháp Cha, Mẹ; tranh gỗ Ngày mới; tranh gỗ dừa Tàu vươn ra biển xa… Ngoài sáng tác, nghệ nhân Lê Minh Sĩ còn hướng dẫn, truyền nghề cho hơn 100 học viên yêu thích tranh ghép gỗ, tranh bút lửa, luyện viết chữ thư pháp…

Với những công lao và thành tích đóng góp cho nghề thủ công mỹ nghệ hơn 30 năm qua, nghệ nhân Lê Minh Sĩ được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các ngành, các cấp. Đặc biệt, trong tháng 12-2020, ông là 1 trong 4 nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

HỒNG YẾN

.
.
Liên kết hữu ích
.