.
NGHỆ NHÂN NGUYỄN THỊ TUYẾT HUỆ:

Chuyên gia phục chế công trình điêu khắc cổ

Cập nhật: 09:09, 04/02/2021 (GMT+7)

Hơn 30 năm gắn bó với nghề điêu khắc gỗ, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ (ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã chế tác nhiều tác phẩm gỗ điêu khắc có giá trị về mặt nghệ thuật. Đặc biệt, bà được đánh giá là một trong những chuyên gia có một không hai ở tỉnh Tiền Giang về sao chép và phục chế những tác phẩm điêu khắc cổ, được giới mộ điệu đồ cổ phong cho biệt danh “Bác sĩ chỉnh hình đồ gỗ”. 

NGÃ RẼ NGHỀ NGHIỆP…   

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ cho biết, trước đây bà theo học chuyên ngành Y tá, năm 1983 ra trường bà được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh. Tuy hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhưng bà rất đam mê hội họa và điêu khắc. Trong những dịp nghỉ lễ, tết, bà dành phần lớn thời gian ở nhà để tô vẽ, trang hoàng nhà cửa.

Nhờ sự hỗ trợ, định hướng của người thân và gia đình, năm 1985 bà quyết định xin nghỉ việc ở bệnh viện, đăng ký dự thi và trúng tuyển ngành Điêu khắc, Trường Trung cấp Mỹ thuật - Mỹ nghệ tỉnh Long An. Sau khi tốt nghiệp, bà được trường giữ lại để vừa trực tiếp sáng tác, vừa đào tạo nâng cao tay nghề.

5 năm sau, bà trở về mở cơ sở điêu khắc tại nhà (phường 9, TP. Mỹ Tho); đồng thời, phối hợp với Tỉnh đoàn mở hàng chục lớp đào tạo nghề điêu khắc cho trên 300 thanh niên trong tỉnh trong suốt 3 năm liền. Trong số những học trò của bà, nhiều người nay đã trở thành nghệ nhân thành đạt.

 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Theo bà Huệ, ngoài năng khiếu, khéo tay, nghề điêu khắc đòi hỏi người học phải có sự kiên trì, óc tưởng tượng phong phú; đặc biệt, việc thể hiện cảm xúc cùng sự nhập tâm trong quá trình sáng tác sẽ góp phần quan trọng cho sự thành công của tác phẩm. Nghề này còn đòi hỏi sự dẻo dai của cơ bắp, môi trường làm việc nhiều bụi bặm, tiếng ồn…, nên không thích hợp với phụ nữ chân yếu, tay mềm. Thế nhưng, với niềm đam mê nghệ thuật, bà đã nỗ lực vượt qua khó khăn và gặt hái nhiều thành công trên bước đường chinh phục thử thách.

Nghệ nhân Nguyễn Thi Tuyết Huệ đang phục chế tác phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Thi Tuyết Huệ đang phục chế tác phẩm.

Hơn 30 năm hành nghề, bà Huệ nhận ra rằng, trường học vốn chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Trong thực tế, phải chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo mới có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật.

TỪ NGHỆ NHÂN ĐẾN CHUYÊN GIA PHỤC CHẾ

Chỉ cho chúng tôi xem một sản phẩm gỗ vừa chạm khắc xong, bà Huệ cho biết: “Những nét chạm này tôi nghiên cứu và làm theo nét chạm đồ cổ cách nay hàng thế kỷ. Từng đường nét chạm khắc trông mềm mại, uyển chuyển; những đường cong thướt tha, láng mịn, không sần sượng, có thể dùng tay để phủi từng hạt bụi bám…”.

Theo bà Huệ, đối với tác phẩm điêu khắc tạc tượng người, tượng Phật là khó nhất, đòi hỏi phải có sự cân đối về bố cục theo 4 chiều, cũng như sự cân đối giữa các bộ phận, các chi tiết trên cơ thể. Đối với các tượng tâm linh tượng Phật, tượng Tam Đa (Phúc, Lộc, Thọ)…, khi tạo tác, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, nhất là khi chạm khắc phần khuôn mặt, nghệ nhân phải tràn đầy năng lượng, thời điểm thực hiện tốt nhất là vào sáng sớm.

Từ những mẩu gỗ vô hồn, qua đôi tay khéo léo của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ đã biến chúng trở thành những kiệt tác; đặc biệt, có một số chi tiết tác phẩm sau khi được bà phục chế, ngay cả những chuyên gia về đồ cổ cũng khó phân biệt được so với tác phẩm nguyên thủy ban đầu.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang nhận xét: “Với tay nghề điêu luyện, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ có nhiều công lớn trong việc phục chế những tác phẩm cổ bị hư hỏng, xuống cấp trở lại nguyên trạng ban đầu. Những đóng góp cho ngành Điêu khắc gỗ hơn 30 năm qua của nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết Huệ thật xứng đáng với danh hiệu cao quý vừa được Chủ tịch nước phong tặng: Nghệ nhân Ưu tú.     

Một số tác phẩm do bà tạo tác được đánh giá cao về mặt mỹ thuật, rất tinh xảo và cũng rất khác biệt như: Tượng Phật; phù điêu tứ linh; tranh 4 mùa (mai, lan, cúc, trúc); tủ Louis bông hồng (Pháp); chân bàn “lá hóa hổ”; chò cù, mai, điểu (chò đầu rồng, chim đậu trên thân mai)… 

Đặc biệt, nhờ nghiên cứu kỹ thuật chạm khắc đường nét của người xưa, bà đã vận dụng vào việc phục chế nhiều tác phẩm cổ bị hư hỏng hoặc mất một số chi tiết trở lại gần như nguyên trạng ban đầu.

Những tác phẩm bà đã phục chế thành công gồm: Sao chép và phục hồi bao lam chùa Vĩnh Tràng; chạm phục hồi bộ liễng, cột, kèo đình Long Hưng (Di tích lịch sử Nam kỳ khởi nghĩa (huyện Châu Thành); phục chế hoa văn cổng nhà Đốc phủ Hải (TX. Gò Công); phục hồi cột bê tông chạm trổ rồng Lăng Tứ Kiệt (TX. Cai Lậy); sao chép tủ lục giác từ thời Pháp cho chủ nhân là ông Sáu Hột Soàn (TP. Mỹ Tho)…

Theo bà Huệ, để phục chế một tác phẩm thành công, đòi hỏi nghệ nhân phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, công phu: Nghiên cứu đường nét chạm khắc; phác thảo trên giấy; dán lên gỗ và lọng định hình; dùng các loại đục chuyên dụng (đục dũm, đục sút, đục tỉa, đục lá…) để chạm khắc, phục hồi nguyên trạng…

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.