Thứ Bảy, 20/02/2021, 08:23 (GMT+7)
.
NHẠC SĨ HOÀNG VIỆT

Cả đời hiến dâng cho lý tưởng độc lập dân tộc bằng tiếng hát lời ca

Năm 1948, chàng trai Lê Trực mới 16 tuổi, đã sáng tác nhạc phẩm “Tiếng còi trong sương đêm” khá phổ biến trong công chúng yêu âm nhạc Sài Gòn, chào “Biệt đô thành” hoa lệ nơi anh sinh ra và lớn lên, trở về quê mẹ: Xã An Hữu, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), từ đó thẳng bước vào chiến khu.

Đầu quân vào Tổ Quân nhạc Khu 8 (Đồng Tháp Mười), chàng trai chuyên chơi vĩ cầm cho các ban nhạc ở Sài Gòn bắt đầu cuộc sống gian nan ở nơi “muỗi như trấu vãi, đỉa lềnh bánh canh”, đêm nằm đất thay giường, ngủ nóp thay mùng, ăn thì rau muối…, nhưng đầy ắp niềm tin, ấm áp tình người, tình đồng đội bên những đàn anh: Huệ Nhu (tác giả “Vệ Quốc Đoàn tiến lên”), Nguyễn Hữu Trí (tác giả “Tiểu đoàn 307”)…

Ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Quân khu 8 thời đó rộn ràng sinh hoạt văn nghệ. Ngoài Tổ Quân nhạc, còn có các tổ: Báo chí, Văn thơ, Kịch nghệ, Hội họa, Nhiếp ảnh. Bên cạnh các bậc tiền bối: Ba Du, Tám Danh, Triệu An, Nguyễn Bính, Bảo Định Giang…, còn có những trí thức trẻ cùng lứa với Lê Trực như họa sĩ Hoàng Tuyển, Thanh Nha; cây bút trẻ Minh Lộc (vừa tốt nghiệp ban Triết Petrus Ký đã bỏ thành vô cứ, trở thành bạn tâm giao gắn bó với Lê Trực); nhiếp ảnh Mai Lộc, Vũ Sơn (về sau chuyển qua hoạt động điện ảnh).

Đời binh nghiệp của Lê Trực rày đây mai đó theo mùa chiến dịch, khi thì giữa mênh mông đồng bưng, lúc trong âm u cánh rừng miền Đông đất đỏ, hay dọc ngang kinh rạch chằng chịt mùa nước nổi miền Tây, đương đầu với những trận chiến ác liệt, với cả thiếu đói, bệnh tật…

Từ những chuyến đi ngày nối tiếp ngày, đêm nối tiếp đêm đem lời ca tiếng đàn phục vụ đồng bào và các đơn vị bộ đội đã khơi gợi bao cảm xúc mới mẽ, thúc giục, nhanh chóng tuôn trào thành câu hát lời ca, Lê Trực được biết đến của một thời Tiếng còi trong sương đêm đã lột xác thành Hoàng Việt của Sở Thượng ngàn, Lá xanh, Nhạc rừng, Lên ngàn, Mùa lúa chín…

Thời kháng Pháp từ năm 1948 trở đi, các đơn vị quân đội trên chiến khu 8, nam nữ thanh niên ở Đồng Tháp Mười và cả lớp người đã qua độ tuổi thanh niên không ai mà không thuộc lòng “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ…”.  Âm điệu tươi vui, duyên dáng của bài hát đã đi vào quảng đại quần chúng một cách giản dị, tự nhiên, thúc giục trai tráng lũ lượt “đầu quân, ra tiền tuyến” hơn mọi lời hiệu triệu.

Nhà thơ Bảo Định Giang từng bộc bạch: “Hồi đó hàng chục bài viết của tôi đăng trên Báo Tổ Quốc (cơ quan ngôn luận của Bộ Tư lệnh Quân khu 8) cũng không làm sao có sức động viên, nhân rộng đi vào lòng người như Lá xanh, Nhạc rừng… của Hoàng Việt…”.

Năm 1951, Nam bộ thành lập 2 Phân liên khu miền Đông và miền Tây, hầu hết các văn nghệ sĩ khu 8 được điều động lên miền Đông. Việc đầu tiên là phải vác rựa đi đốn cây, cắt tranh tự cất nhà mà ở. Nhà nhất thiết phải có gác, dù đơn sơ để tránh cọp khi ngủ. Ăn toàn khoai mì (tiêu chuẩn mỗi ngày được 2 kg chưa bóc vỏ), lại phải làm việc nặng nhọc đốn, vác cây, nên nhiều khi khiêng cột về tới nhà chưa kịp hạ xuống đã ngã lăn kềnh ra.

Chiến trường miền Đông bấy giờ thiếu lương thực trầm trọng, gạo, muối phải tải từ Đồng Tháp Mười lên mất cả tháng, trong điều kiện đi lại nguy hiểm, khó khăn, đơn vị phải tự lực cuốc rừng làm rẫy. Được chia mấy ha rừng ở suối Tha La, cách nơi ở 15 cây số, anh em văn nghệ sĩ thay nhau lên đó tỉa bắp, trồng khoai mì. Thiếu đói, sốt rét hoành hành, nhưng anh em vẫn ra sức lao động, sáng tác.

Tổ tam tam cùng đi rừng cuốc rẫy đợt ấy gồm: Minh Lộc, Hoàng Việt và Bích Lâm. Trong 3 người, đạo diễn Bích Lâm (cha của nghệ sĩ Xuân Hương) lớn tuổi nhất, thân hình to cao vạm vỡ của ông trái hẳn với tướng tá mảnh khảnh thư sinh của Hoàng Việt và Minh Lộc. Thương hai “chú em” vừa cắt cử cơn sốt rét, Bích Lâm gánh lấy công việc nặng nhọc phát cỏ, cuốc đất, thồ nước từ suối lên, nhường những việc nhẹ như đặt hom (mì), tra hạt (bắp) cho Hoàng Việt và Minh Lộc.

Vậy là, trên khoảng đường đi về giữa suối Bà Chiêm và suối Tha La những ngày phơi lưng cuốc rẫy, từ suối Bà Chiêm tới sóc Ky những sớm chiều oằn lưng gánh mì, Hoàng Việt đã cho ra đời “Nhạc rừng”, “Lửa sáng” tràn ngập tinh thần lạc quan, theo bước chân cán bộ, chiến sĩ khắp nẻo quân hành.

Năm 1952, căn cứ Dương Minh Châu bị lũ lụt lớn, cuốn sạch rẫy bắp, khoai mì anh em đã đổ mồ hôi, công sức vun trồng, sắp tới mùa thu hoạch. Xót xa là vậy, nhưng sau khi đi thăm rẫy Trảng Cồng ven sông Vàm Cỏ Đông, thấy cảnh “Nước ngập đồng xanh lúa chết. Gió mưa sập đổ mái nhà. Bao nhiêu gia đình tan hoang. 

Đau thương lệ rơi chứa chan”, nỗi xúc động trước cảnh tang thương của dân làng đã bật lên những thanh âm bi tráng của Lên ngàn. Cùng với điệu hò sông nước thấm đẵm nỗi thương nhớ người đang chiến đấu nơi sa trường, còn nghe rộn rã tiếng cười hồn nhiên hát hò đối đáp của nam nữ trong Mùa lúa chín: “A ha ha, ý thiệt là hay, ý thiệt là hay!...”

Đất nước chia cắt, gia đình phân ly, tâm hồn Hoàng Việt luôn hướng về quê nhà, nơi bến nước Cửu Long neo dáng hình người vợ trẻ và ba đứa con thơ. Vô vàn lời yêu muốn gửi qua nghìn trùng xa cách. Bản Tình ca ra đời, cảm xúc chân thành, mãnh liệt. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa bút pháp romance của phương Tây và âm điệu Việt đã tạo nên sức cuốn hút, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Tha thiết, kịch tính và lạc quan, “Tình ca” qua mấy thập kỷ, đến nay vẫn là một trong những ca khúc hay nhất về tình yêu.

Được cử đi học ở Nhạc viện Quốc gia Sofia (Bungary), tiếp cận với thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ, Hoàng Việt khao khát học hỏi để có thể “chạm tay” vào giao hưởng. Ông đã bộc bạch điều đó với nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam (người bạn đồng hương): “Anh em mình phải ráng học sáng tác khí nhạc để có ngày trở về phục vụ quê nhà”. Và giao hưởng Quê hương ra đời với lời đề tặng: “Kính dâng quê hương Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”.

Sau khi được dàn nhạc giao hưởng Sofia trình bày trong lễ tốt nghiệp nhạc viện năm 1964, giao hưởng Quê hương đã được dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng dàn hợp xướng Nhà hát Vũ kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào cuối năm 1965 như một sự kiện trọng đại mở màn cho âm nhạc giao hưởng Việt Nam, cũng là món quà tiễn chân nhạc sĩ vượt Trường Sơn về Nam theo ước nguyện: “Mình phải về tận đôi bờ Cửu Long chuẩn bị cảm xúc cho giao hưởng số 2 viết về con sông này”.

Ròng rã 3 tháng xuyên rừng, lội suối, lên dốc, xuống đèo chân sưng vù, mặt xanh mét, bước đi run rẩy, nhưng vừa chạm chân tới mảnh đất Nam bộ, Hoàng Việt như được hồi sinh. Nghỉ ngơi ở R một thời gian, gặp lại vợ con sau 13 năm xa cách, Hoàng Việt lại ba lô xuống Mỹ Tho để hoàn thành giao hưởng số 2 về Cửu Long con sông quê mẹ.

Trước khi lên đường, ông viết cho nhà thơ Bảo Định Giang: “Tôi viết cho anh xong là trưa nay đi Mỹ Tho, Cao Lãnh, dài theo đường số 4 và bờ sông Cửu Long…”. Thư chưa tới tay người nhận thì Hoàng Việt đã hy sinh ở kinh Á - Rặc, Mỹ Thiện trong một trận càn của Mỹ sau khi đụng đầu với chủ lực miền D.263 ngày 31-1-1967, chỉ qua một đêm nữa thôi là ông tròn tuổi 40. Đồng đội tìm ra ông nhờ nhúm tóc bạc và quyển sổ cháy xém, trong đó có 3 chương đề cương phác thảo bản giao hưởng số 2.

Chưa kịp qua lộ 4, chưa kịp khỏa chân xuống bến nước Cửu Long ngày đêm mong nhớ, Hoàng Việt đã nằm xuống trên mảnh đất Cái Bè quê mẹ nơi ông ra đi và trở về.

THU TRANG

.
.
Liên kết hữu ích
.